Sau mấy năm liên tục có mức giá ít thay đổi, trong nửa đầu năm 2018 mặt hàng tổ yến sào tại Việt Nam cũng như tại các nước đã chứng kiến sự tăng giá ngoạn mục. Tại Việt Nam, những loại tổ yến thô có 15-16 triệu đồng/kg năm 2017 thì nay lên đến 23-24 triệu đồng/kg, có loại giá lên tới 30 triệu đồng/kg.
Nguyên nhân là nhu cầu tiêu thụ tăng mạnh; tại Trung Quốc và Việt Nam tầng lớp trung lưu đang ngày càng đông đảo và chi tiêu cho sức khỏe ngày càng nhiều. Có thể nói, ngành công nghiệp yến sào trong nước đang đứng trước cơ hội rất lớn.
Sản lượng tăng, thị trường mở rộng
Trong năm quốc gia có điều kiện tự nhiên để nuôi được yến lấy tổ là Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Philippines, Việt Nam thì Việt Nam được đánh giá là có thể cho ra loại tổ yến có chất lượng cao và sản lượng đáng kể nếu hoạt động nuôi yến được tổ chức hiệu quả. Tổ yến không chỉ là thực phẩm cao cấp mà còn được sử dụng ngày càng nhiều trong sản xuất dược phẩm và mỹ phẩm. Kim ngạch thương mại sản phẩm yến toàn cầu khoảng 6 tỉ USD/năm, trong đó thị trường Trung Quốc chiếm phần lớn. Yến sào có nguồn gốc Việt Nam hiện nay chiếm chưa đến 10% tổng sản lượng yến toàn thế giới.
Theo Hiệp hội Yến sào Việt Nam (VSFA), hiện cả nước có 41 tỉnh, thành có nhà nuôi yến. Tốc độ xây dựng nhà yến hiện nay được tính tăng mỗi tháng, thay vì theo năm như trước. Những nơi có tốc độ xây dựng tăng nhanh như TP. Rạch Giá và thị xã Hà Tiên (Kiên Giang), TP. Phan Rang – Tháp Chàm (Ninh Thuận), hay Phú Yên, Bình Thuận, tăng 10% – 12%/tháng. Trong đó, tỉnh Kiên Giang có hơn 1.000 nhà yến, Phú Yên hơn 800 nhà yến, An Giang hơn 650 nhà yến, Quảng Nam và TP. Đà Nẵng 410 nhà yến, Bình Thuận trên 750 nhà yến. Dù chưa có con số chính thức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhưng các chuyên gia trong ngành ước tính Việt Nam hiện có không dưới 11.000 nhà yến. Vốn xã hội đã đầu tư vào ngành nghề này gần 18.000 tỉ đồng.
Từ năm 2015 trở lại đây tỷ lệ nhà yến cải sửa, cơi nới trong khu dân cư giảm nhiều, nhà yến xây bê tông cốt thép chiếm khoảng 80%, diện tích sàn nuôi lớn từ 200m2 – 500m2/nhà. Tổng diện tích sàn nuôi ước tính 2.350.000m2. Do người nuôi ngày càng nắm vững kỹ thuật nên tỷ lệ thành công cũng tăng theo. Nhà yến xây dựng từ năm 2015 trở lại đây đạt thành công 70 – 80%, so với con số 20 – 40% của nhà yến xây trước năm 2015. Số chim tăng đàn cơ học khoảng 13%/năm nhờ được chăm sóc tốt trong nhà và cũng do tác động của thời tiết, cháy rừng và di thực tìm mồi ăn. Đã có sự ghi nhận yến từ Indonesia, Malaysia và Thái Lan di chuyển đến Việt Nam sinh sống. Hiện nay đàn yến trong nước trên 7,5 triệu con, sản lượng tổ yến khai thác năm 2017 hơn 70 tấn, dự kiến năm 2018 có thể đạt 85-90 tấn.
Nhiều doanh nghiệp nuôi yến cho rằng với tốc độ phát triển nuôi chim yến như hiện nay thì khoảng năm năm tới, sản lượng sẽ tăng đột phá và tiến tới xuất khẩu là trong tầm tay. Yến Việt Nam đang được nhiều khách hàng nước ngoài tin dùng. Tuy chưa được doanh nghiệp chính thức xuất khẩu nhưng không ít khách nước ngoài đã sang tận Việt Nam thu mua yến để mang đi tiêu thụ nhiều nước trên thế giới.
Nên đưa ngành yến vào tầm nhìn chiến lược của quốc gia
Trước sự phát triển của ngành nuôi yến, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư 35 quy định tạm thời việc quản lý nuôi yến, khai thác sản phẩm yến bền vững đồng thời giúp cơ quan quản lý quy hoạch, quản lý cơ sở kinh doanh yến. Tuy nhiên, Thông tư 35 chỉ quy định trên giấy tạm thời việc nuôi yến, chứ không triển khai đi vào thực tiễn nuôi yến đến từng hộ, không có chính sách hỗ trợ cụ thể nào để thúc đẩy nghề nuôi yến phát triển bền vững. Việc chế biến, kinh doanh sản phẩm yến vẫn bị thả nổi khiến người tiêu dùng còn e ngại.
Trong lúc sản lượng yến nuôi trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu nội địa, mỗi năm Việt Nam phải nhập khẩu khoảng 200-250 tấn tổ yến loại C, D (chất lượng thấp). Một số doanh nghiệp lớn cho biết, họ muốn nhập tổ yến số lượng lớn về dùng làm nguyên liệu sản xuất các mặt hàng có nguồn gốc từ tổ yến (tổ yến chưng đường phèn, nước tổ yến đóng chai, đóng lon, thuốc bổ, bánh tổ yến, mỹ phẩm) và chịu thuế suất nhập khẩu tổ yến vào Việt Nam là 8%.
Nhưng khi thông quan, giá tổ yến được áp giá cao theo giá tổ yến loại A hạng 1 của Việt Nam trên 1.300-1.500 USD/kg, chứ không theo giá thực tế thương mại nên họ không thực hiện mua bán tổ yến nhập khẩu bằng con đường chính ngạch và khi cần có nguyên liệu tổ yến sản xuất họ phải mua qua các thương lái mang về dưới dạng hàng xách tay 64kg/2 kiện container hàng không. Việc không áp giá tổ yến đúng giá trị thực tế này sẽ không có ích cho nguồn thu thuế nhập khẩu mà còn tạo điều kiện cho các thương lái pha tạp chất vào tổ yến để tăng trọng lượng.
Giám đốc một doanh nghiệp trong ngành yến nhận xét: “Hiện nay tại Việt Nam chưa có công ty nào xúc tiến việc xuất khẩu tổ yến sang Hongkong hay vào thẳng Trung Quốc. Một vài cá nhân có ấp ủ tâm huyết này nhưng có người thì mới toan tính, có người thì cặm cụi chế biến và mỗi tháng giao hàng xách tay đi Hongkong vài kg yến. Điều cần thiết để nâng tầm giá trị yến Việt là phải có những doanh nhân có cái nhìn đúng về giá trị yến Việt Nam, có vốn đủ để thu gom tổ yến thô chất lượng tốt, phân loại và làm sạch để xuất khẩu. Nếu các chủ nhà yến trong nước không có chiến lược, trước không tìm được đường ra cho sản phẩm thì trong tương lai giá trị tổ yến của Việt Nam sẽ bị sản phẩm của các nước Đông Nam Á khác chèn ép.
Theo VFSA, một điều đáng lo ngại hiện nay là chất lượng tổ yến nuôi trong nước không ổn định, ở một số địa phương, đặc biệt là dọc theo bờ biển thường tổ có hàm lượng đạm cao trên 55%, nhưng có khoảng 70% tổ yến chỉ đạt 20% – 30%, thậm chí có tổ chỉ đạt trên dưới 5%. Trên 90% tổ yến không đạt chuẩn xuất khẩu. Đối với những nhà yến gần khu đô thị lớn, khu công nghiệp, tổ yến có thể bị nhiễm kim loại nặng, nhưng khi làm sạch, chế biến để sử dụng lại chưa có biện pháp giúp giảm tình trạng này.