So với các công cụ chat khác như skype, Paltalk… thì Y!M ưu việt hơn hẳn khi đa số người sử dụng máy tính đều đặt nó ở chế độ “thường trực”, đăng nhập tự động. Qua đó, công việc trôi chảy hơn, gửi văn bản, hình ảnh cũng dễ dàng, nhanh chóng.
Nhiều mối nhân duyên được hình thành, hợp – tan, tan – hợp. Hai người từ Y!M bước ra làm nên gia đình nhỏ, những thành viên nhí ra đời. Nói chung, Y!M đã đóng vai trò đưa người ta đến với nhau và cả đưa người ta xa nhau. Đôi khi chỉ một lý do hết sức vụn vặt, vớ vẩn như: tại sao anh/em lại xóa nick của em/anh?
Khó có thể thống kê được sự phát triển chi tiết của công nghệ qua từng giai đoạn. Và, đến thời điểm 2013 này Yahoo! đang “đuối”. Thời gian qua, Yahoo! lần lượt khai tử các dịch vụ, từ blog 360 đến chat room và nhiều dịch vụ khác và người ta không biết đến bao giờ thì Y!M không còn nữa.
Trong phạm vi hẹp, ví dụ nhỏ, Yahoo! đã bị Google lấn át khi người dùng Yahoo! mail lần lượt chuyển sang Gmail, cũng không hẳn tính năng của Gmail trội hơn mà dường như đã đến lúc người ta bắt đầu chán Yahoo! Chỉ là tâm lý thích đổi mới (bình thường), con người đứng trước nhiều sự chọn lựa và cuối cùng đã khiến Yahoo! lần lượt xóa sổ các dịch vụ.
- Xem thêm: Đòi hỏi mới trong thời đại số
Smartphone ra đời hình thành nên một thế hệ (tạm gọi) androit. Trong cái list của smartphone có sự hiện diện của Facebook (FB), một trang mạng xã hội có từ rất lâu mà chỉ vì giao diện (khi ấy)… quá xấu khiến cư dân mạng không muốn kết duyên cùng với nó.
Bây giờ thì đã khác, FB là lựa chọn hàng đầu cho bất cứ ai muốn tham gia giao lưu trên thế giới ảo (thực tế chẳng ảo chút nào). Từ Việt Nam, bạn làm chuyến du lịch nước ngoài. Nếu là một facebooker “chuyên nghiệp” thì bất cứ quốc gia nào bạn cũng có bạn.
Chỉ cần nhắn tin qua FB bằng điện thoại di động. Bây giờ, không cần số điện thoại của nhau, chỉ cần có tài khoản FB. Một tin nhắn FB qua điện thoại di động còn ưu việt hơn bởi tính toàn cầu, không giới hạn biên giới quốc gia.
Đến nỗi, nhiều người không giấu giếm họ đã “nghiện” FB! Dễ dàng thấy điều này khi giờ đây, mọi lúc mọi nơi, đều có thể gặp hình ảnh người người chú mục vào điện thoại và… lướt. “Ở trên đó vui”, họ khẳng định vậy.
Nếu trước đây, có người vào FB chủ yếu để chơi, xây nhà, làm trang trại, nuôi gà… thì bây giờ, hầu như thiên về giao tiếp. Người ta ăn, ngủ, cười vui cùng FB. Thóc lúa đâu, bồ câu theo đó, ăn theo người người FB, nhà nhà FB, quảng cáo xuất hiện, hứa hẹn kiếm được tiền từ đó. Nói chung là trăm hoa đua nở.
Facebook đại diện cho một (hay nhiều) con người. Từ chuyện đùa vui, kéo theo nhiều hệ lụy khác như yêu thương, thù hận, ghen tuông… đủ cả. Bởi, trên đó là một xã hội mà mọi người đều có thể giao lưu với nhau một cách bình đẳng. Đó là phạm vi rộng, một người kết bạn với cả ngàn người. Thân có, sơ có và cả không ai biết ai.
Khó có thể dự đoán được sự phát triển của công nghệ sẽ đi tới đâu. Androit ngày mỗi nâng cấp con số phiên bản. Window cũng song hành phát triển trên điện thoại khẳng định đẳng cấp của mình. Làm sao biết được người dùng sẽ lũ lượt chọn window, tẩy chay androit hay ngược lại?
- Xem thêm: Mù hiện đại
Chỉ thấy một điều, dù androit hay window, dù smartphone hay máy tính bảng thì con người vẫn phải làm việc, ăn, ngủ theo chu kỳ sinh học mà ông trời đặt ra. Có tranh cãi về công nghệ đến đâu thì vẫn phải giao tiếp, ứng xử ngoài đời thật.
Tuy nhiên, mạng đã đi vào ngóc ngách từng gia đình, ảnh hưởng đến đời sống con người, từ một bà bán rau ngoài chợ cũng nói câu: “lên mạng mà coi” cho đến ông sếp to bự cảnh giác lính lác, “mày coi trên đó nói tao cái gì…”.
Và như thế, “trên đó nói cái gì” là vấn đề quan trọng. Đi trên xa lộ thông tin, không tín hiệu giao thông, không có luật lệ, không có trật tự… đôi khi có rất nhiều cái bẫy đang chờ mà mình không biết hay chú ý đến. Anh hùng sụp lỗ trâu là điều hoàn toàn có thể xảy ra.