Từ ngày chuyển đổi nền kinh tế đến nay, đất nước trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, bên cạnh những thành quả đạt được chúng ta vẫn còn vướng mắc hai căn bệnh dù có nhiều cố gắng chữa trị vẫn chưa hề thuyên giảm, đó là tình trạng đầu tư dàn trải và một bộ máy hành chính cồng kềnh, kém hiệu quả.
Có thể nói đây là hai nguyên nhân chính làm chậm đáng kể quá trình phát triển đất nước trong điều kiện ngân sách còn nghèo mà phải gánh trên vai những chi tiêu vượt quá sức mình. Đầu tư dàn trải dẫn đến lãng phí, còn bộ máy hành chính với ban bệ tràn lan, người hưởng lương quá nhiều, không chỉ khiến ngân sách phải dành một khối tiền lớn cho chi thường xuyên mà còn ảnh hưởng đến khả năng điều hành của chính phủ.
Hằng năm, trung bình chi thường xuyên của chúng ta ở mức 69% tổng chi ngân sách nhưng có năm tỷ lệ này lên đến 72%. Năm nay, chi thường xuyên của chúng ta có thấp hơn đôi chút nhưng vẫn ở con số 65% tổng chi ngân sách, phần lớn chi cho bộ máy nhà nước, còn lại dành để trả nợ và đầu tư cho phát triển.
Bộ máy nhà nước của chúng ta hiện có khoảng 2,8 triệu công chức, viên chức. Nếu cộng thêm số người hưu trí, các đối tượng khác hưởng lương hay trợ cấp từ ngân sách nhà nước thì con số này lên đến 7,5 triệu người, chiếm 8,3% dân số cả nước.
Nếu tính cả người hưởng các khoản mang tính chất lương thì con số này lên đến 11 triệu người, ngân sách làm sao chịu nổi gánh nặng này. Nước Mỹ diện tích gấp 30 lần nước ta với dân số gần bốn lần, vậy mà đội ngũ công chức chỉ 2,1 triệu người, còn Trung Quốc công chức chỉ 2,8% dân số.
Thực tế tình hình lạm phát công chức và bộ máy hành chính cồng kềnh được mô tả rõ hơn tại hội nghị trực tuyến toàn quốc tổ chức tuần qua với nội dung học tập, quán triệt Nghị quyết số 18-NQ/TW về một số vấn đề như tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Tại đây, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính cho biết, bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn nhiều hạn chế chưa đáp ứng được mục tiêu yêu cầu đề ra.
Hiện nay tổ chức ở cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương còn cồng kềnh, chức năng nhiệm vụ còn chồng chéo. Bên cạnh đó, số bộ, cơ quan ngang bộ thuộc Chính phủ dù đã có nhiều đổi mới nhưng vẫn còn lắm vấn đề cần được khắc phục sớm.
Tháng 6-2017, hệ thống hành chính của chúng ta có 30 bộ và cơ quan ngang bộ thuộc Chính phủ nhưng đầu mối bên trong các bộ ngành, địa phương tăng nhanh.
Nhìn về các nước càng thấy tổ chức hành chính của chúng ta thật cồng kềnh. Như ở Nhật Bản chỉ có 11 bộ, Singapore là 15, Trung Quốc 20,… So với các nước châu Âu thì Việt Nam cũng cao hơn rất nhiều.
Theo ông, số lượng lãnh đạo, cấp phó trong các cơ quan đơn vị của chúng ta còn nhiều, chiếm tỷ lệ cao, bổ nhiệm cấp hàm một số cơ quan Trung ương còn nhiều. Cả nước hiện có 81.492 lãnh đạo cấp phó từ phó phòng đến thứ trưởng chiếm 21,7% trong tổng số cán bộ công chức từ Trung ương đến cấp huyện.
Về đơn vị hành chính cấp địa phương, ông Phạm Minh Chính cho biết, năm 1986, cả nước chỉ có 44 đơn vị hành chính cấp tỉnh, nhưng đến nay đã tăng thành 63 đơn vị. Như vậy, sau 30 năm đổi mới, cả nước đã tăng thêm 19 tỉnh, 178 huyện và 1.136 xã. Tại hội nghị này, lần đầu tiên có một báo cáo có lẽ đầy đủ nhất, toàn diện nhất về sự phình ra của bộ máy và số lượng công chức hiện nay. Những con số biết nói được đưa ra tại hội nghị về số lượng cán bộ công nhân viên chức thuộc hàng nhiều nhất thế giới vừa nêu trên đây, đang đặt ra yêu cầu cấp bách thực hiện tinh giản biên chế nhà nước.
Con số ấn tượng được Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính báo cáo khiến nhiều người giật mình. Đó là hai năm qua, đáng lẽ theo chủ trương được đề ra bộ máy hành chính phải tinh giản biên chế 140.000 người nhưng cả nước lại… tăng thêm 96.000 người. Đúng là một nghịch lý.
Giải thích về sự nghịch lý càng kêu gọi giảm biên chế thì số cán bộ, công chức lại càng tăng, có ý kiến cho rằng chưa có ai bị kỷ luật vì để tăng biên chế cũng không có ai được khen vì giảm biên chế thành công. Ấy là vì pháp lệnh chưa nghiêm. Không cơ quan nào nhận thức việc tinh giảm biên chế là của mình, thậm chí có cơ quan xin tăng thêm người để được phân bổ nhiều hơn khoản chi thường xuyên.
Chính quyền địa phương sẽ không thể giảm biên chế nếu như ở Trung ương, nhiều bộ ngành vượt số lượng nhân sự theo quy định. Cấp huyện, xã sẽ không thể tinh giản người, giảm phòng nếu như cấp sở, ban và tỉnh lạm phát cấp phó.
Trong khi đó tỷ lệ công chức, viên chức hưởng lương trên 1.000 dân ở Việt Nam là 43 người, chưa kể quân đội, công an, trong khi một số nước trong khu vực tính cả quân đội, công an như Philippines chỉ có 13 người, Ấn Độ 16, Indonesia 17…
Chưa hết, nền hành chính của chúng ta có điểm ít ai nghĩ đến là cứ năm công chức thì có một lãnh đạo cấp phó, có nơi 44/46 lãnh đạo, có cơ quan toàn bộ cán bộ là lãnh đạo, không có ai là chuyên viên. Có Vụ có tới 19 hàm Vụ phó. Có những cơ quan tăng cấp phó nhiều đến mức không thể tin nổi, vậy mà công việc của một số đơn vị vẫn không trôi chảy và có không ít cơ quan vẫn kêu thiếu cán bộ.
Việc công chức đông đúc, bộ máy cồng kềnh như vậy không chỉ tiêu tốn ngân sách mà còn làm giảm hiệu lực quản lý của nhà nước khi các công việc bị chồng lấn lên nhau. Theo tính toán, giảm được 10% công chức, tức giảm 400.000 người (mỗi người lương bình quân tạm tính 5 triệu đồng) thì cả nước tiết kiệm được 2.000 tỉ đồng/tháng.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan tỏ ra bức xúc về tình hình bộ máy hành chính cồng kềnh và kém hiệu quả đã đề nghị bỏ hẳn biên chế và chuyển sang chế độ hợp đồng lao động với công chức. Đây không phải là vấn đề gì mới mẻ. Theo bà, công chức suốt đời sẽ là vật cản cho phát triển và chúng ta cần phải chuyển đổi hình thức biên chế, hợp đồng suốt đời trên cơ sở luật công chức mới.
Trong chế độ công chức hiện đại, công chức khi vào một vị trí nào đó, họ phải phù hợp với vị trí ấy về trình độ đào tạo, kinh nghiệm chuyên môn của họ. Chúng ta phải hướng tới một nền công vụ hiện đại như vậy.
Nhiều nước trên thế giới đã làm như vậy rồi. Như New Zealand từ những năm 2000 đã thực hiện hợp đồng công chức chứ không có biên chế suốt đời, từ cấp thứ trưởng trở xuống.
Mặt khác, các hội đoàn cũng là gánh nặng cho ngân sách. Từ nhiều năm nay các chuyên gia, các nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách đã đặt ra những yêu cầu xác đáng về chuyển các hội đoàn mà thực chất là những tổ chức tự nguyện, phục vụ nhu cầu của các nhóm cộng đồng. Do đó, hội đoàn phải tự chủ và tự chịu trách nhiệm về kinh phí hoạt động, bằng cách gây quỹ từ cộng đồng, tìm tài trợ, hội phí, đoàn phí, để không còn ăn theo ngân sách.
Nhà nước có thể tài trợ một phần kinh phí hoạt động, nhưng là tài trợ dựa trên các tiêu chí rõ ràng và minh bạch, trên cơ sở cạnh tranh và xét đến hiệu quả hoạt động của từng hội đoàn cụ thể.
Đã đến lúc chúng ta phải quyết tâm thực hiện cho được vấn đề này, nhất là trong bối cảnh nợ công đang ngày càng gia tăng, nguồn thu lại eo hẹp, ảnh hưởng đến sức khỏe của nền tài chính, trong khi chi thường xuyên ngày một gia tăng.
Có một thực tế là nhận thức của cơ quan nhà nước về việc sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế còn rất hạn chế. Cho nên để đạt được mục tiêu đề ra thì các biện pháp cần mang tính pháp lệnh, thưởng phạt nghiêm minh. Xây dựng những mô hình tinh giản, có hiệu quả để các nơi rút kinh nghiệm cũng là điều cần làm vào thời điểm này.