Xây dựng kế hoạch là việc làm của bất kỳ tổ chức nào. Tuy nhiên, khi thực hiện lại có thêm việc “điều chỉnh kế hoạch” mà bất cứ tổ chức nào cũng gặp phải. Cuộc sống thay đổi không ngừng, không ai dám nói trước chuyện gì sẽ xảy ra, “dự” là vậy và cũng có dự phòng rủi ro nhưng chuyện “trật đường ray” vẫn đến.
Suy nghĩ về cuộc đời con người, chính sự ba chìm bảy nổi nói lên điều này. Ông bà xưa dặn, giàu trẻ chớ mừng, khó trẻ chớ lo. Thế nhưng, chẳng ai muốn mình khó dù ở tuổi còn trẻ. Nhiều bạn trẻ nhìn cuộc đời bi quan khi tìm mãi không có việc làm hay việc làm không vừa ý, lương thấp, áp lực… Khó ai biết vận mệnh mình ra sao để có quyết định đúng đắn.
Một cô gái chỉ tốt nghiệp cấp 3, xin vào làm công nhân cho một công ty nước ngoài. Khởi đầu từ mức thấp nhất. Ban ngày đi làm, ban đêm chị đến lớp học Anh văn hệ vừa học vừa làm. Chăm chỉ, cần cù, có trách nhiệm, sau hai năm cô được đề bạt làm tổ trưởng, có cơ hội tiếp xúc với các sếp cấp cao hơn, lại có điều kiện thực hành tiếng Anh.
Hai năm nữa, vừa lấy xong bằng đại học thì được chuyển làm việc ở phòng kinh doanh. Nhờ đã thông thạo việc xưởng và biết trao đổi trực tiếp với sếp nước ngoài, hai năm sau cô lên phó giám đốc phụ trách kinh doanh. Lương cao ngất!
Chỉ sau sáu năm, từ công nhân không có tay nghề, giờ đây chức giám đốc kinh doanh sẽ nằm trong tay cô khi công ty mở thêm chi nhánh. Ở cô gái trẻ này, yếu tố may mắn cộng với sự phấn đấu của bản thân và có ít nhiều tham vọng đã làm nên chuyện.
Nhiều người trẻ biện luận, bây giờ cơ hội như vậy rất hiếm vì rất nhiều người biết tiếng Anh nhưng họ đâu được như vậy? Có người cả đời cứ tà tà mà cơ hội thăng tiến như tự động tìm đến. May hơn khôn là thế!
Bởi thế mới càng khẳng định, đời có số. Tài mà không gặp thời cũng không làm nên danh phận. Tài mà kiêu căng, phách lối, ương bướng thì làm việc với ai? Nhưng hiền quá, thụ động quá, có tài cũng chưa chắc, mồm miệng đỡ tay chân mà!
Một chút tài, biết cư xử, biết người biết ta, không thẳng quá cũng không lòn cúi… Vậy là ngon lắm rồi, nhưng chưa chắc đã thành công vì lỡ gặp môi trường người ta chỉ thích nịnh nọt, đãi bôi thì sao?
Tất nhiên, không vì đổ lỗi cho “số” để mà buông xuôi. Nhưng cứ làm hết cách đi sẽ biết được mình sẽ trụ lại như thế nào. Đó mới gọi là thử thách! Mà thử thách lại quá nhiều! Riêng tính không ổn định, lại thêm bị tác động bởi những biến đổi không mong muốn đã là thử thách rồi.
Nhìn lại bức tranh của ngành du lịch. Mười năm trước không ai nghĩ tiếng Nga sẽ thắng lớn ở một số tỉnh, thành miền Trung có ưu thế du lịch biển. Mười năm sau, đi chỗ nào cũng thấy bảng tiếng Nga, người làm du lịch phải biết tiếng Nga.
Để học và giao tiếp được với người Nga đâu phải vấn đề ngày một ngày hai. Những năm 2012-2013, du lịch khu vực này vào giai đoạn hoàng kim với lượng khách Nga ổn định. Rồi đùng một cái, bức tranh cuối năm 2014 toàn một màu xám xịt.
- Xem thêm: Cân bằng
Tổng giám đốc một công ty du lịch khá lớn buột miệng than thở, hai mươi năm rồi, đây là lần đầu tiên chúng tôi không hoàn thành kế hoạch. Bức tranh kinh tế, chính trị toàn cầu đã ảnh hưởng đến chén cơm manh áo của không chỉ nhân viên du lịch mà còn đến những hộ cá thể, buôn bán nhỏ lẻ, người lao động phổ thông…
Kế hoạch đôi khi chỉ nằm trên giấy, nhưng nếu không có kế hoạch thì làm sao biết mình sẽ làm gì, đi tới đâu? Nghĩ tích cực, sống lạc quan, biết cười trong thất bại và chấp nhận điều xấu nhất là thứ mà con người thời hiện đại cần trang bị cho bản thân. Tất nhiên không dễ, nhưng nếu buông tay, bi quan, đổ lỗi cho số phận nghiệt ngã, phó mặc rồi sa đà vào một đam mê không lành mạnh… thì làm sao khá được?
Ông bà xưa đúc kết từ bao kinh nghiệm, họ đã xây dựng kế hoạch cho con cháu thực hiện gói gọn trong những lời nhắn nhủ: “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, “Có cứng mới đứng được đầu gió”, “Chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo”, “Ngựa hay chẳng quản đường dài/Nước kiệu mới biết tài trai anh hùng”, “Có gió lung mới biết tùng bách cứng”…
Thử hết đi, mới nói chuyện!