Cử tri Hy Lạp đã nói KHÔNG với những điều kiện cứu trợ do các chủ nợ châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế đòi hỏi. Kết quả từ cuộc trưng cầu dân ý mang tính lịch sử tại Hy Lạp cho thấy phần lớn cử tri phản đối các điều kiện cứu trợ mới của chủ nợ quốc tế. Tương lai của Hy Lạp trong khối Eurozone sẽđược các lãnh đạo châu Âu định đoạt.
Theo các số liệu sơ bộ từ cuộc trưng cầu dân ý ngày 5-7 được Bộ trưởng Nội vụ Hy Lạp công bố, 61% cử tri nói KHÔNG với các biện pháp thắt lưng buộc bụng, so với tỷ lệ nói CÓ là 39%.
Ngay sau khi các kết quả được công bố, hàng nghìn người Hy Lạp phản đối các điều kiện cứu trợ mới đã tập trung tại thủ đô Athens để ăn mừng chiến thắng áp đảo trong cuộc trưng cầu dân ý.
Đảng cầm quyền Syriza của Hy Lạp đã ủng hộ việc nói “Không”, cho rằng các điều kiện cứu trợ của các chủ nợ quốc tế đặt ra là không thể chấp nhận được.
Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras nói trong một bài phát biểu trên truyền hình vào đêm qua rằng người dân nước này đã bỏ phiếu cho “một châu Âu đoàn kết và dân chủ”.
Nhưng các đối thủ của đảng cầm quyền cảnh báo rằng việc từ chối các điều thắt lưng buộc bụng sẽ khiến Hy Lạp bị loại khỏi Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).
Ông Jeroen Dijsselbloem, người đứng đầu nhóm các bộ trưởng tài chính khu vực đồng Euro, cho hay kết quả cuộc trưng cầu dân ý “rất đáng tiếc cho tương lai của Hy Lạp”.
Trong khi đó, nguồn tin châu Âu cho biết giới chức cấp cao của khối Eurozone sẽ có các cuộc hội đàm để thảo luận tương lai của nước này trong EU.
Phụ thuộc quá nhiều vào tài trợ quốc tế
Từ lúc bắt đầu tham gia sử dụng đồng tiền chung châu Âu (euro) vào giữa năm 2001 cho đến năm 2008 – khi khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra, ngân sách Hy Lạp luôn nằm trong tình trạng thâm hụt với mức trung bình 5% GDP/năm, trong khi con số này chỉ dừng lại ở mức 2%/năm trong Khu vực sử dụng Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).
Cùng với thâm hụt ngân sách, cán cân vãng lai của Hy Lạp cũng liên tục bị thâm hụt, trung bình vào khoảng 9% GDP hằng năm (so với mức trung bình của toàn khu vực Eurozone là 1%).
Cả hai mức thâm hụt ngân sách và thâm hụt cán cân vãng lai nói trên đều vượt quá trần quy định cho phép của Liên minh Tiền tệ và Kinh tế châu Âu (EMU), đặc biệt là Hiệp ước bình ổn và tăng trưởng của Liên minh châu Âu (EU) với quy định trần thâm hụt ngân sách 3% GDP và trần nợ nước ngoài 60% GDP.
Để bù đắp cho khoản thâm hụt kép này, Hy Lạp đã phải vay trên thị trường vốn quốc tế, trở thành một con nợ triền miên với tổng số nợ nước ngoài lên tới 115% GDP vào năm 2009.
Sự phụ thuộc quá nhiều của Hy Lạp vào nguồn tài trợ nước ngoài đã khiến cho nền kinh tế trở nên dễ tổn thương trước những thay đổi trong niềm tin của giới đầu tư.
Niềm tin ấy thực sự bị lung lay khi chính phủ do Thủ tướng George Papandreou lãnh đạo đưa ra con số ước tính thâm hụt ngân sách là 12,7% GDP, gần gấp đôi con sốước tính lúc đó là 6,7%.
Lập tức công bốấy đã khiến cho trái phiếu chính phủ Hy Lạp bị ba tổ chức định mức tín dụng lớn của thế giới đánh tụt hạng. Những nghi ngờ về việc chính phủ Hy Lạp làm sai lệch số liệu thống kê và cố tình che giấu mức độ nợ thật sự nhờ vào các công cụ tài chính phức tạp đã khiến các nhà đầu tư giảm sút lòng tin nặng nề.
Bất chấp những lo ngại ngày càng tăng xung quanh nền kinh tế Hy Lạp, chính phủ nước này vẫn tiếp tục thành công trong việc bán ra 8 tỉ euro (tương đương 10,6 tỉ USD) trái phiếu vào cuối tháng 1-2010 và 5 tỉ euro (6,7 tỉ USD) vào cuối tháng 3, rồi 1,56 tỉ euro (2,07 tỉ USD) vào giữa tháng 4 với mức lãi suất rất cao.
Tuy nhiên số tiền ấy vẫn chưa đủ, Hy Lạp vẫn cần phải vay mượn thêm khoảng 54 tỉ euro (71,8 tỉ USD) để chi trả cho các khoản nợ và lãi phải trả đến hạn của mình và người ta bắt đầu lo ngại về khả năng xoay xở của chính phủ trong việc trả nợ.
Sự nghi ngờ của giới đầu tư lên đến đỉnh điểm vào tháng 4-2010 khi Cơ quan Thống kê Liên minh châu Âu (Eurostat) công bốước tính về thâm hụt ngân sách của Hy Lạp. Với con số 13,6% GDP, ước tính của Eurostat cao hơn hẳn so với con số được chính phủ Hy Lạp đưa ra trước đó vào tháng 10-2009. Điều đó lặp lại một câu hỏi về khả năng trả nợ của Hy Lạp với 8,5 tỉ euro (11,1 tỉ USD) đến hạn vào giữa tháng 5-2010.
Đến ngày 23-4-2010, chính phủ Hy Lạp đã phải chính thức kêu gọi hỗ trợ tài chính từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế và các quốc gia thành viên Eurozone khác. Sau cuộc họp diễn ra ở Brussels ngày 2-5-2010, Bộ trưởng Tài chính các nước Eurozone đã quyết định khởi động cơ chế hỗ trợ tài chính, theo đó Hy Lạp sẽ được giúp 110 tỉ euro trong vòng ba năm với mức lãi suất bình quân ưu đãi là 5%, trong đó phần đóng góp của các nước thuộc Eurozone là 80 tỉ euro và IMF đảm nhận 30 tỉ euro. Đổi lại, Hy Lạp phải cam kết cắt giảm thâm hụt ngân sách xuống còn 11% GDP và xuống dưới mức quy định 3% của EU vào năm 2013.
Những chặng đường vỡ nợ
Nhìn vào cuộc khủng hoảng nợ của Hy Lạp, có thể thấy các vấn đề kinh tế hiện nay của nước này là kết quả của một tập hợp nhiều nhân tố trong và ngoài nước.
Trước tiên, bộ máy công quyền cồng kềnh, thiếu hiệu quả cùng tình trạng tham nhũng và trốn thuế là nhân tố đứng đằng sau sự thâm hụt của quốc gia này.
Điều đáng nói là từ năm 2001 đến năm 2007, tăng trưởng của Hy Lạp được ca ngợi với tốc độ 4,3% hằng năm so với mức trung bình 3,1% của Eurozone. Thế nhưng chi tiêu của chính phủ thời gian ấy tăng đến 87% trong khi thu ngân sách chỉ 31%.
Giữa năm 2004, Hy Lạp chi tới 9 tỉ euro để tổ chức Olympic, khiến Thế vận hội mùa Hè 2004 được xem là “kỳ Olympic đắt tiền nhất” cho đến thời điểm ấy. Điều đáng nói, những công trình được xây dựng sau đó lại hầu như không được sử dụng và ngày càng xuống cấp, khiến nước này ngập chìm trong những khoản nợ khổng lồ.
Cuối năm 2004, Chính phủ Hy Lạp thừa nhận đã thổi phồng các số liệu điều kiện để gia nhập Eurozone ba năm trước, đặc biệt là thâm hụt ngân sách giai đoạn 2000-2003. Sau một cuộc điều tra của Cơ quan Thống kê Liên minh châu Âu, Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp thừa nhận số liệu về thâm hụt ngân sách của nước này chưa từng dưới 3% từ năm 1999 như quy định của EU để Hy Lạp gia nhập Eurozone. Ở đây có vai trò của các tập đoàn đa quốc gia đã thuê các tổ chức định giá quốc tế gian dối số liệu với mục đích tìm lợi ích đầu tư vào thành viên mới của khu vực tiền tệ này.
Tháng 12-2009, hãng đánh giá tín dụng Fitch hạ xếp hạng của Hy Lạp từ A- xuống BBB+. Đây cũng là lần đầu tiên trong một thập niên nước này rơi khỏi hạng A. Động thái trên diễn ra sau khi Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp thời đó – ông George Papaconstantinou, cảnh báo thâm hụt có thể lên tới 12,5% GDP năm 2009, cao hơn rất nhiều so với dự đoán. Tháng 3-2010, Chính phủ Hy Lạp thông qua gói chính sách thắt lưng buộc bụng, gồm cắt giảm lương nhân viên nhà nước, ngừng trả lương hưu, tăng thuế với thuốc lá, rượu và xăng dầu. Các công đoàn đã phản ứng rất mạnh và tổ chức nhiều cuộc biểu tình trên khắp Athens.
Nhằm cứu Hy Lạp khỏi bờ vực thẳm cũng như ngăn chặn con bài domino gây đổ vỡ Eurozone, vào tháng 5-2010 bộ ba Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ủy ban châu Âu (EC) đã cấp gói cứu trợ đầu tiên cho Hy Lạp trị giá 110 tỉ euro, do lo ngại nền kinh tế mong manh của nước này có thể đẩy cả khu vực vào vùng nguy hiểm.
Hy Lạp đã phải chấp nhận thắt chặt chi tiêu hơn nữa để đổi lấy gói cứu trợ thứ hai, châm ngòi cho hàng loạt cuộc biểu tình phản đối. Như vậy, nước này đã nhận hai gói cứu trợ với tổng trị giá hơn 240 tỉ euro.
Đứng trước khả năng nền kinh tế Hy Lạp sụp đổ, tháng 10-2011, sau các cuộc đàm phán xuyên đêm, lãnh đạo các nước châu Âu đã đồng ý giảm nợ cho Hy Lạp. Các nhà đầu tư cá nhân sẽ chỉ được nhận 50% giá trị số trái phiếu Hy Lạp họ đang giữ.
Đầu tháng 3-2012, thêm một biện pháp được đưa ra, các chủ nợ tư nhân đồng ý hoán đổi 85% nợ cho Hy Lạp, giúp cắt giảm khoảng 100 tỉ euro khỏi nghĩa vụ nợ của quốc gia này. Ngay lập tức, ngày 9-3, Fitch và Moody’s đồng loạt hạ xếp hạng tín nhiệm của Hy Lạp xuống vỡ nợ. Trước đó, vào ngày 28-2, Athens cũng bị Standard & Poor’s xem là đã vỡ nợ một phần.
Tương lai đi về đâu?
Tình hình ngày càng xấu đã giúp cho đảng Syriza chủ trương phản đối cứu trợ, dẫn đầu bởi ông Alexis Tsipras giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tại Hy Lạp tháng 1-2015. Chính quyền mới cam kết gỡ bỏ các biện pháp thắt lưng buộc bụng đang đè nặng cuộc sống người dân. Nhưng chính điều này lại khiến nhà đầu tư lo ngại về khả năng Hy Lạp rời bỏ khu vực đồng euro.
Tháng 2-2015, nhóm Bộ trưởng Tài chính các nước Eurozone (Eurogroup) đã chấp thuận gia hạn nợ thêm bốn tháng sau khi chính phủ mới của Hy Lạp nộp đề xuất cải tổ ngay trước hạn chót, bao gồm việc kiểm soát chi tiêu công, giảm tham nhũng và trốn thuế.
Hy Lạp sau đó được yêu cầu thanh toán cho các chủ nợ khác nhau trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6-2015. Tuy nhiên, không một hạn chót nào được đáp ứng.
Vào tháng 6 năm nay, Hy Lạp tiếp tục việc đàm phán nợ trong suốt nhiều tuần, nhưng chính phủ Hy Lạp và nhóm chủ nợ liên tục thất bại trong việc đàm phán về các điều kiện cải tổ để nước này được nhận khoản cứu trợ cuối cùng trị giá 7,2 tỉ euro.
Đến nay, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras vẫn tự tin các lãnh đạo châu Âu sẽ không cương quyết loại Hy Lạp ra khỏi Eurozone nên một mực từ chối những yêu cầu của chủ nợ về cắt giảm chi tiêu và tăng thuế mà ông gọi là “thư tống tiền”. Sự khước từ của ông Tsipras làm các chủ nợ nổi giận, khiến Athens gặp rắc rối trong việc thanh toán 1,5 tỉ euro cho IMF vào ngày 30-6 và sau đó là ECB vào tháng 7.
Bước ngoặt xảy ra khi ngày 27-6, Thủ tướng Tsipras kêu gọi cuộc trưng cầu dân ý để người dân Hy Lạp quyết định có ủng hộ hay không các yêu cầu mà bộ ba chủ nợ gồm EU, ECB và IMF đưa ra để Athens được giải ngân gói cứu trợ tiếp theo.
Các nhà bình luận cho rằng việc nói KHÔNG cũng đồng nghĩa Hy Lạp có khả năng rời Eurozone. Điều này sẽ làm thay đổi bản chất của liên minh tiền tệ 15 năm tuổi vốn được cho là không thể bị phá vỡ.
Ngày 1-7, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ra thông báo xác nhận Hy Lạp đã không trả đúng hạn khoản vay 1,5 tỉ euro, khiến quốc gia này chính thức rơi vào trạng thái nợ quá hạn. Với tuyên bố này, Hy Lạp mặc nhiên không được quyền tiếp cận bất cứ khoản vay nào của IMF cho tới khi thanh toán xong khoản nợ cũ.
Tuần qua, Chính phủ Hy Lạp đã phải áp dụng các biện pháp kiểm soát vốn, đóng cửa ngân hàng, thị trường chứng khoán, hạn chế rút tiền mặt tại ATM và giao dịch nước ngoài.
Còn người dân Hy Lạp thì hiện đang trong tâm trạng giận dữ, không chỉ bất bình với các chủ nợ mà còn bất mãn với chính phủ. Cảnh các ngân hàng đóng cửa và hàng dài người hưu trí xếp hàng rồng rắn chờ nhận lương thực sự là cú sốc lớn. Họ cũng lo sợ về việc Hy Lạp phải rời Eurozone, biểu tượng về địa vị thành viên của Hy Lạp trong châu Âu thời hiện đại.
Với tỷ lệ thất nghiệp trên 25%, trong đó hơn 50% thanh niên không có việc làm, nỗi khổ của nhiều người hưu trí Hy Lạp đang là một vấn đề lớn, bởi khoản lương hưu ít ỏi của họ đang trở thành nguồn thu nhập chính của gia đình. Tương lai Hy Lạp rất bấp bênh nếu quốc gia này rời khỏi Eurozone với số nợ khổng lồ đè nặng lên đôi vai gầy của nền kinh tế.