Anh nhìn xem, bà ngoại thương con thương cháu vô điều kiện, vừa đi làm vừa lo giúp đỡ, gần gũi các con. Lỡ có láo lếu cãi bà, có lúc bà khóc lên rồi cũng xí xóa, ai giận con cái làm gì. Thật là dễ sống. Thế mới gọi là lòng mẹ bao la như biển Thái Bình.
Còn mẹ anh, là hay để ý, mẫn cảm kiểu xưa, giữ điều buồn phiền trong lòng. Anh thấy không, sống với bà nội thật là căng thẳng…
Anh con trai thấy đúng quá, thế mà ngày xưa chưa cưới, anh cứ nghĩ sai. Hồi đó anh cảm thương cô vì sống trong gia đình “cô ấy không hợp với cha mẹ”, kêu ngột ngạt quá. Mẹ bao sân cho đàn con, cho của cải tài sản, nhưng không ai được trái ý bà. Hôn nhân của các con, bà đều can thiệp. Lấy ai thì chú ý để khỏi phải làm dâu, “mày có để ý thấy nhà đó con đàn, thằng ấy là con trưởng, rồi phải ôm lấy cả cái bàn thờ lo giỗ chạp không…”.
Lúc đó cô ấy như chỉ muốn thoát ra khỏi nhà cho nhanh. Anh thương cô ấy không có mẹ cha thông cảm. Bây giờ khi lấy nhau có con rồi, cô ấy mới thấy bà mẹ của mình tuyệt vời. Chẳng thấy những bất đồng xưa đâu, chỉ thấy cái gì cũng hơn hẳn bà mẹ chồng.
- Xem thêm: Thích làm… con Cám
Chuyện quá khứ mẹ chồng nuôi con khốn khổ, hy sinh, cô nói rằng ai mà chẳng thế, mẹ cô nuôi cô cũng hy sinh vậy, chẳng việc gì phải nợ nần ai. Mẹ mình đẻ ra, mình chẳng phụng dưỡng, vô lý phải phụng dưỡng một bà khó chịu.
Tốt nhất là theo hiện đại, bà tự lo đi, nghe chữ phụng dưỡng sao mà lạc hậu quá. Giờ này ai còn mong con dâu phụng dưỡng. Không ngược đãi mắng chửi đã là may. Xã hội đầy ra đó. So với cái “đồ quỷ xã hội” đó, cô con dâu còn tử tế chán.
Cô kể, bà nội nấu cái gì cũng không nuốt được. Cơm thì nấu nhiều quá, toàn phải ăn cơm nguội. Sống ở quê cứ tiết kiệm tiết kiệm, gặm cái bánh mì để mấy ngày khô cong.
Lau nhà cũng không sạch. Mấy đồ gia dụng chỉ có bấm nút cũng không biết làm, phơi quần áo thì chen lẫn đồ ướt vào cạnh đồ khô… Tất cả lời cô nói, anh thấy đúng cả. Lạ thật, sao mẹ mình xưa tuyệt vời nuôi mình khôn lớn giỏi giang, bây giờ lại kém thế không biết.
Đúng là già sinh tật rồi. Bà già nhà quê nhìn con trai chở vợ con đi ăn tiệm, thấy cô con dâu rõ ràng là sếp của con mình thật rồi. Lên xe xuống ngựa, áo quần model, son phấn nước hoa sực nức, nhìn những “vòng eo” thiên hạ hấp dẫn thì bà mẹ quê thấy sao mà xa lạ, con mình sao mà mù lòa ngu độn. Mấy đứa cháu chỉ quấn lấy mẹ, nghe lời mẹ, không được yêu bà nội. Ôi, nói thế thì sống sượng, đổ oan cho cô con dâu chứ cô đâu nói thế!
Nhưng cư xử của cô thì đúng như vậy. Con cái tỏ ra giống tính cách và gần gũi với bên ngoại là cô vui, ríu rít về ngoại là cô thích, còn hễ gần bà nội là cô sợ làm hỏng con mình tới nơi. Cô chẳng thấy bên nội có tích sự gì, chẳng có gì ưu điểm, toàn là điều khó chịu không.
Anh chồng hiếu đễ nay có cuộc sống riêng, phải lo toan bạc mặt. Vợ còn lo cho con nhỏ, nên có chỉ huy mình thì cũng phải thôi. Dù tiền mình kiếm ra, nhưng vợ mới là chủ, vì tiền không quan trọng bằng con cái.
Dần dà, anh thấy vợ cái gì cũng có lý, “lòi ra” mẹ mình mới là vô lý, mới là nỗi phiền toái trong nhà. Mời đi ăn tiệm, bà kêu tốn tiền, chẳng ngon lành thích thú gì. Mời đi du lịch, bà nói chẳng có gì lạ mà đi, lên xe xuống xe nghe anh con trai la con là bà sợ.
Mình lụm cụm quê mùa, vô ý đi đứng có gì sai lại bị la rầy, chẳng còn gì vui. Mình đáng lẽ phải biến khỏi cuộc đời này rồi mới phải, còn sống là có lỗi quá, không ăn nhập vào đâu, không ai cần có mình. Mình là gánh nặng, làm ảnh hưởng đến hạnh phúc con cái, làm mất đi tình cảm quý báu mà người ta bảo thiêng liêng nhất là tình mẫu tử.
- Xem thêm: Đừng yêu cháu quá
Cô con dâu có lý. Anh chồng hiện đại giỏi giang cũng đồng ý vậy mà. Vậy là đúng rồi, đã tìm ra chân lý của thời đại. Người già đã đến lúc không nên có mặt trong cuộc đời người trẻ.
Bà mẹ ở quê ra không biết triết lý sâu xa, nhưng bà cảm nhận được và sợ hãi nghĩ: “Không biết cái gọi là “thời đại” ấy còn biến đổi đến đâu, có ngày càng xấu đi không. Sợ rồi đến lúc chính con mình già, sẽ bị lũ cháu bây giờ đang nuôi như thiên thần kia, lúc đó sẽ đối xử với bố mẹ chúng còn… hơn bây giờ nhiều. Tội nghiệp”.