Yêu thương mà cũng can ngăn là sao? Trận mưa ngập Sài Gòn chẳng biết nhà ai phải lo thoát nước, ngăn nước, chứ nhà tôi, ông bà ngoại cãi nhau lớn.
Chẳng là ông ngoại được phân công đưa đón thằng cháu lớn đi học gần nhà. Buổi chiều, ông thường có nhiều “kế hoạch phát sinh” lắm, nào đi chơi thể thao, rồi nào là lo một số việc nhà cửa sửa sang cái bàn cái tủ (ông vốn biết nghề mộc). Và cái chính là còn đi nhậu với mấy ông bạn già đã thất nghiệp còn… lắm lời.
Bà ngoại vốn là người thực tiễn nên rất ghét nghe các ông bàn chuyện “chính trị trên trời” mãi Trung Đông đâu đâu người người chạy loạn. Bà cho như vậy là sốt ruột và rất dở hơi.
- Xem thêm: Phải khổ mới nên người?
Ông đưa ra lý thuyết tuổi già phải có bạn bè vui chơi, phải quan tâm đến thời sự, vân vân và vân vân…
Bà nói, thôi, lý thuyết sơ đẳng ai chẳng biết, nhưng phải xem hoàn cảnh thực tế.
Thế nên, hôm qua ông có việc (mà bà luôn nói, việc gì không làm không sập thế giới đâu mà lo), ông không đón cháu, nói rằng nhà gần cứ cho đi bộ về. Nào ngờ chiều mưa một trận ngang với bão lụt, cả thành phố ngập nước kẹt xe không ai về được nhà đúng giờ.
Thằng cháu lơ ngơ không biết đối phó với tình huống, không áo mưa, tháo giày lội nước về đến nhà ướt hết.
Đó là lý do ông bà ngoại cãi nhau lớn.
Ông thì, lúc sáng trời còn nắng đẹp có ai ngờ chiều mưa đâu. Bà: Không chỉ thời tiết, mà cuộc sống này có bao bất trắc, mọi việc liên quan đến cháu đã được giao là phải chu toàn cẩn thận. Lỡ cháu đi lội nước sập hố ga bị nước cuốn đi thì sao? (Chuyện này đâu phải bà tưởng tượng ra, mà đã có rồi đó). Lỡ lội nước ngập giẫm mảnh chai đứt chân cẳng thì sao? Lỡ vì đội mưa mà lăn ra bệnh thì sao?
Bao nhiêu câu hỏi của bà, ông không trả lời được, liền quay ra lý luận: “Cứ bảo bọc trẻ con đến bao giờ? Đi bộ gần nhà có sao đâu, phải để bọn trẻ biết ứng phó, học kỹ năng sống…”.
Và bao nhiêu lý thuyết về giáo dục đúng đắn, sách báo tranh luận phê phán ra rả ông tuôn ra hết (cái này ông rất rành, đám bạn già thất nghiệp nói hoài trong bàn nhậu, ông nào cũng tỉ phú thời gian nên ôm tờ báo giấy đọc dữ lắm).
Bà nói: “Lý thuyết ai chẳng biết? Nhưng có đủ điều kiện làm hay không mới là chuyện cần bàn. Phải tùy đứa trẻ mà thử thách. Một đứa lơ ngơ không thể mạo hiểm vứt vào hiểm nguy để gặp nạn rồi nói rằng chúng ta giáo dục đúng được. Tôi hỏi ông, chống tham nhũng là đúng chứ gì? Rồi ông có chống được không, nói tôi nghe coi”.
Á à, cứ tưởng bà này cắm đầu vào núi việc không tên, lo thắt ruột hũ mắm hũ gạo không ngẩng được đầu lên để biết thế giới văn minh, vậy mà bà vẫn “bắt thóp” được thời sự.
Ghê hơn nữa, bà còn tấn công sát sạt vào chuyện mấy ông anh bà chị của ông, nhà cửa xáo xào, bà nói: “Lý thuyết nữa đi, gia đình phải thương yêu nhau chứ gì, sao cô Ba cậu Bảy chỉ còn thiếu đường đưa nhau ra tòa? Sao bác Ba đau ốm do lười biếng không bao giờ tập thể dục, không sang nói bác ấy về lợi ích của việc tập thể dục đi?”.
Đến đây thì ông “cứng họng”. Bà còn tấn công thêm: “Ông đừng lý sự. Ai cũng biết hết. Nhiệm vụ của ông không phải là dạy cháu. Nhiệm vụ dạy là ông dạy mẹ của chúng, xong rồi.
- Xem thêm: Bảng xếp hạng lộn ngược
Bây giờ nhiệm vụ dạy cháu là việc của bố mẹ chúng. Một khi bố mẹ chúng bận, việc đưa đón do ông đảm trách, phải làm chu toàn như người Đức, người Nhật. Thế thôi. Đừng có làm hỏng việc rồi đi lý sự”.