Joseph Busch, điều hành Công ty tư vấn Busch & Associates – Hoa Kỳ đã có một bài viết “Bạn có phải là người lãnh đạo than vãn nhiều quá không?” trên HR Magazine số tháng 4-2014. Ông đã mở đầu bài viết với tóm tắt một câu ngắn: “Việc thỉnh thoảng trao đổi công việc là bình thường, nhưng than vãn quá mức sẽ gây hại”. Sau đây là một số ý chính trong bài viết của Busch.
Cuộc sống là phức tạp
Đôi khi chúng ta phải làm những việc mà chúng ta không muốn, như phải làm việc với những đồng nghiệp mà chúng ta không hề thích, phải đương đầu với các thách thức không hề mong đợi. Là con người, đôi khi chúng ta muốn giảm bớt sự thất vọng ở mình bằng cách than vãn. Cứ làm như vậy nếu thấy buộc phải làm.Sẽ tốt cho tinh thần và là cách lành mạnh để giải tỏa các cảm xúc tiêu cực. Nhưng cần có một điểm dừng và việc than vãn quá đáng sẽ làm hại chính mình.
Than vãn với cấp trên
Khi được chọn vào vị trí quản lý, bạn được kỳ vọng sẽ là người có thể hóa giải xung đột, giải quyết vấn đề và ra quyết định ngay cả những lúc phải đối mặt với những sự chống đối và thiếu thống nhất. Cấp trên cũng biết là việc quản lý rất khó khăn, vì họ cũng từng nếm trải rồi. Nhưng bạn đã được chọn cho trách nhiệm này vì cấp trên tin tưởng rằng bạn có thể thăng tiến được. Than vãn quá mức về những khó khăn trong công việc sẽ làm giảm sự tin tưởng ấy.
Thay vì luôn than vãn với cấp trên, hãy trao đổi về những thách thức cũng như ý định, mục tiêu và hành động dự kiến sẽ thực hiện để vượt qua những điều ấy. Giảm tối đa sự càu nhàu có thể sinh nghi ngờ là bạn thiếu khả năng làm chủ tình thế và chịu được áp lực.
Than vãn với cấp dưới
Rất dễ sa vào việc than vãn với cấp dưới. Do tiếp xúc hằng ngày nên nhân viên thường trở thành người nghe bị bắt buộc. Tuy vậy, mong đợi của cấp trên khi họ chọn bạn làm quản lý là cấp dưới của bạn thấy là bạn đủ khả năng lãnh đạo họ. Nghe than vãn nhiều từ phía bạn sẽ làm họ mất đi lòng tin vào bạn và vào tổ chức.
Mặc dù bạn có thể cực kỳ bối rối bên trong, nhưng bề ngoài bạn phải cho mọi người thấy một hình ảnh mình đang kiểm soát tình thế. Cấp dưới của bạn có những thách thức riêng của họ và vẫn kỳ vọng vào chính sự giúp đỡ bạn.
Than vãn với mọi người
Sự than vãn với người cùng cấp và cũng đang đối mặt với những thách thức giống như bạn thường là một cái bẫy dễ sa vào. Khi giao tiếp với đồng nghiệp để chia sẻ về những điều thất vọng, bạn có thể nghĩ là điều này chẳng hại gì đến cá nhân mình hoặc kết quả công việc của họ. Thực ra, họ sẽ tìm cách xa lánh bạn.
- Xem thêm: Giữ “lửa” khi làm sếp
Năm dấu hiệu để dừng lại
Hình mẫu về một “lãnh đạo hay than vãn” ấy có thể hiện ở bạn không? Hãy thử thể hiện qua trả lời năm câu hỏi như sau:
- Khi một đồng nghiệp nhìn thấy bạn ở cửa phòng họ, họ có một thể hiện tiếng thở dài như muốn nói: “Gì nữa đây?” hay không?
- Họ có chậm trả lời điện thoại hoặc email của bạn không?
- Họ có nghe bạn vài phút, vẻ rất lịch sự và rồi xin kiếu để đến một cuộc gặp với ai đó hoặc làm ra vẻ phải nghe điện thoại không?
- Họ có than vãn với bạn, hoặc bạn luôn là người than vãn?
- Bạn có từ chối những lời khuyên mang tính xây dựng khi giải quyết các vấn đề mà bạn đang than vãn không? Bạn có luôn lặp lại điều than vãn suốt một thời gian dài không?
Nếu bạn trả lời là có cho các câu hỏi trên thì có vẻ như bạn đang than vãn quá nhiều. Việc quản lý là rất khó khăn, nhưng không phải lúc nào bạn cũng phải cho người khác biết điều đó…