Có một tình hình rất đáng phấn khởi trong kinh tế nông nghiệp, đó là hàng loạt doanh nghiệp tư nhân có tầm cỡ tham gia vào thị trường nông nghiệp với tư cách nhà đầu tư.
Một trong số này là ông Nguyễn Bá Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Liên doanh Organik Đà Lạt, Tiến sĩ sinh học chuyên ngành Di truyền tại Viện Nông nghiệp Quốc gia Pháp năm 1994 và đã hồi hương giúp nông dân áp dụng công nghệ hữu cơ vào sản xuất rau quả cao cấp từ đó đến nay. Ưu tiên việc chuyển giao kiến thức về di truyền, chọn lọc giống cho nông dân, ông mơước tạo lập một vườn Organik 5 hécta, sản xuất nông sản cao cấp.
Mới đây, đại gia gỗ và bất động sản Đoàn Nguyên Đức ào ạt đầu tư vào cả trăm nghìn hécta đất để trồng cao su, bắp lai, mía, dầu cọ với quy mô “liên quốc gia”, trải rộng từ nội địa sang Lào, Campuchia, Myanmar đã khiến công chúng sững sờ. Xưa nay “bầu Đức” nổi tiếng mạnh mẽ táo bạo, miệng nói tay làm, hiếm khi quyết đoán sai.
Nay ông lại hợp tác với Vissan nuôi bò tơ Australia mà ông cho rằng sẽ gặt hái siêu lợi nhuận còn hơn cả bất động sản ở thời cực thịnh.
Một doanh nhân tầm cỡ khác vào cuộc làm ăn nông nghiệp là tỉ phú Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup tiết lộ ông sẽứng dụng công nghệ của Israel để sản xuất rau quả sạch giá rẻ cho người Việt, bắt đầu từ đất Quảng Ninh.
Rồi tới lượt ông Trần Đình Long, đại gia giàu nhất ngành thép, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát thành lập công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Hưng Yên, công suất 300.000 tấn/năm. Đại gia thép này dự kiến cho ra thị trường lô hàng đầu tiên giữa năm 2015, giải quyết một phần nghịch lý mỗi năm Việt Nam phải nhập khẩu tới hơn 3 tỉ USD thức ăn chăn nuôi, ngày càng phụ thuộc vào các doanh nghiệp FDI độc chiếm thị trường.
Kinh tế nông nghiệp thu hút các đại gia nổi tiếng đã tạo nhiều niềm tin cho những người làm chính sách lẫn nông dân và cả thị trường. Hàng chục doanh nhân các ngành xây dựng, giao thông, chế biến xuất khẩu gỗ nay cũng tích cực liên hệ với chính quyền các tỉnh có diện tích rừng nghèo và đất lâm nghiệp lớn để xin đất, thuê đất làm các dự án lớn về trồng trọt, chăn nuôi.
Chuẩn bị cho hội nhập toàn diện
Việt Nam là nước có lợi thế rất lớn về đất đai, khí hậu và từ bao đời nay được xem là nước nông nghiệp nằm trong vùng có khí hậu nhiệt đới, có thể trồng cây quanh năm so với các nước vùng khí hậu ôn đới chỉ có thể trồng cây trong sáu tháng. Đặc biệt, Việt Nam có rất nhiều loại cây trồng phong phú và đa dạng. Có thể thấy, chúng ta đang nắm giữ lợi thế rất lớn, các doanh nghiệp hoàn toàn có thể tận dụng lợi thế này để phát triển.
Điển hình như trường hợp của Vinasoy, khi công ty đứng trước bờ vực phá sản vào thời gian đầu những năm 2000 phải cạnh tranh với hai đối thủ lớn là Vinamilk và Dutch Lady đang chiếm hầu như toàn bộ thị trường nội địa. Lâm vào tình thế khó khăn, ông Ngô Văn Tụ, Giám đốc điều hành Vinasoy đã phải đưa ra quyết định tập trung vào gia tăng giá trị của các sản phẩm nông nghiệp, đi theo định hướng “chỉ có cây đậu nành”.
Nhờ đi đúng hướng, tận dụng thế mạnh của ngành nông nghiệp, Vinasoy đã tăng doanh thu gấp 150 lần từ 20 tỉ đồng lên đến 3.100 tỉ đồng trong vòng 12 năm, được xem là một thành công lớn trong việc tìm ra tiềm năng của hạt đậu chứa nhiều chất dinh dưỡng và có ưu thế về chế biến. Điều này cho thấy các doanh nghiệp Việt vẫn có thể tìm ra lợi ích kinh tế và cơ hội phát triển với rất nhiều loại nông sản, sản phẩm nông nghiệp phong phú tại Việt Nam.
Theo Giáo sư Võ Tòng Xuân, một nhà nông học có uy tín, cùng với những cơ hội như vậy thì thách thức của các doanh nghiệp cũng không nhỏ. Trước viễn cảnh Việt Nam đã gia nhập vào WTO và APEC, sắp tới là Cộng đồng Kinh tế ASEAN (ACE) năm 2015, thời hạn không cho chúng ta trì hoãn tham gia vào cuộc chơi bình đẳng với các doanh nghiệp trên thế giới. Nếu sản phẩm nông nghiệp chưa đạt được hiệu quả kinh tế cao sẽ khiến doanh nghiệp Việt Nam đối đầu với tình cảnh vô cùng khó khăn trước mắt.
Một ví dụ điển hình về năng suất trồng cây mía của Việt Nam. So sánh với các nước trên thế giới, Brazil trồng một tấn mía chi phí chỉ mất 16 USD, tại Úc con số này khoảng 20 USD, Thái Lan là 30 USD, nhưng tại Việt Nam chi phí lại lên đến 55 USD.
Với năng suất kém như vậy, ngành nông nghiệp Việt Nam cần những doanh nghiệp có thế mạnh tài chính dám đầu tư, áp dụng công nghệ cao vào nông nghiệp nhằm gia tăng hiệu quả.
Lợi thế lẫn thách thức
Bài toán đặt ra là trong giai đoạn hội nhập kinh tế sắp tới, các doanh nghiệp Việt cần tập trung đầu tư nhiều hơn nữa vào nông nghiệp công nghệ cao, gia tăng năng suất sản xuất để nâng cao sức cạnh tranh. Nếu không, các doanh nghiệp Việt sẽ thua ngay trên chính sân nhà, nơi mà chúng ta đang có rất nhiều lợi thế.
Chúng ta vui mừng trước một thực tế là trong 10 năm gần đây, các sản phẩm nông nghiệp như gạo, cà phê, điều, tiêu đã chiếm được chỗ đứng trên thị trường thế giới khá tốt.
Đa số người dân Việt Nam quen lao động cần cù, khó nhọc, biết dựa vào quy luật tự nhiên và luôn mong muốn một nền hòa bình để xây dựng cuộc sống khá hơn. Với tỷ lệ biết chữ lên đến 98%, lẽ ra trong số đó rất nhiều nông dân có vốn học vấn căn bản khả dĩ tiếp cận với công nghệ mới, giống mới và thiết bị mới.
Để nâng cao hiệu suất nông nghiệp, con đường bền vững mà chúng ta phải đi qua là chuyên nghiệp và hiện đại hóa lực lượng sản xuất nông, lâm và ngư nghiệp. Năm 2007-2008, Chính phủ đã bỏ ra 313 tỉ để đào tạo 710.000 lao động nông thôn, nhưng không rõ kết quả. Trong thập niên 80 của thế kỷ trước, hàng chục vạn thanh niên Việt Nam được đưa sang học tập và lao động tại Đông Âu ở trình độ cao hơn, thế nhưng khi trở về họ đã không phát huy hiệu quả. Tiếp theo, Chính phủ cũng đã có kế hoạch chi 320.079 tỉ đồng để dạy nghề nông nghiệp trong vòng 12 năm với quyết tâm đưa người dân nông thôn thoát khỏi cảnh nghèo.
Một thực tế rất nghịch lý là lực lượng kỹ sư nông nghiệp được đào tạo từ các trường đại học của chúng ta phần lớn không đủ kiến thức và kỹ năng tiến hành những nghiên cứu cơ bản. Mặt khác, do điều kiện cũng như trình độ đào tạo lâu nay, họ lại rất yếu trong vai trò kỹ thuật viên sử dụng các kỹ thuật nông nghiệp hiện đại. Kỹ sư ra trường đổ về các vụ, viện, sở nông nghiệp hay làm tiếp thị cho các công ty bán giống, phân bón, thuốc trừ sâu… mà rất hiếm người tham gia trực tiếp kinh doanh hay sản xuất nông nghiệp. Vậy là kỹ sư nông nghiệp được đào tạo thành… cán bộ cạo giấy. Để đáp ứng chiến lược hiện đại hóa nông nghiệp, đội ngũ kỹ sư này cần được đào tạo lại.
Một vài giáo sư nổi tiếng về nông nghiệp trên thế giới khi đến Việt Nam nghiên cứu hay chuyển giao công nghệ đều có nhận xét chung là người nông dân Việt Nam thông minh và chịu khó học hỏi so với nông dân các nước đang phát triển khác.
Thế nhưng hiện nay chi phí nhân công trong lĩnh vực nông nghiệp không còn thấp để tạo thành một lợi thế, cho nên phải trông cậy vào khoa học kỹ thuật để giảm chi phí sản xuất. Chính vì vậy con đường công nghiệp hóa nông nghiệp là giải pháp lớn để tạo lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp Việt Nam trên trường quốc tế và nội địa. Liên quan đến vấn đề này là đất đai đủ lớn cho sản xuất lớn – một chiến lược mà các nhà hoạch định chính sách nông nghiệp phải đối mặt với thực tế sản xuất nông nghiệp hiện nay.
Một thuận lợi khác là cơ sở hạ tầng ở nông thôn trong hai thập niên qua đã cải thiện đáng kể. Trong một cuộc hội thảo về phát triển nông thôn – nông nghiệp gần đây, một số nhà đầu tư cho rằng tính bền vững chính trịở địa phương là một điểm mạnh và lẽ ra có thể tốt hơn, nếu giảm thiểu nạn tham nhũng và gây phiền hà cho nhà đầu tư.
Mặc dù vẫn còn nhiều phê phán các chính sách của Chính phủ về nông nghiệp nông thôn, nhưng về xu hướng, giới doanh nhân thừa nhận Chính phủ đang đẩy mạnh phát triển nông nghiệp mặc dù thực tế đầu tư chưa xứng tầm với tiềm năng. Theo số liệu đáng tin cậy thì hiện nay đầu tư nông nghiệp còn khoảng 3%/GDP, nhưng ngay nguồn đầu tư đó cũng không rõ ràng, có phải nhằm tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp và cải thiện cuộc sống nông dân hay không? Việc tham gia của nhiều đại gia thuộc nhiều lĩnh vực đang muốn chuyển đồng vốn vào kinh tế nông nghiệp khiến chúng ta có quyền kỳ vọng vào một tỷ lệ đầu tư trong ngành này sẽ sớm được cải thiện.
Hiện nay chúng ta đang trong giai đoạn cuối đàm phán với các quốc gia đối tác tham gia Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP), mà nếu sớm đạt được thỏa thuận thì các thị trường lớn có thể dung nạp các sản phẩm nông nghiệp đặc sắc của Việt Nam.
Để tăng năng lực cạnh tranh nội địa lẫn toàn cầu, cần thiết phải có các chiến dịch tiếp thị tầm cỡ quốc tế. Trước mắt, cần tham gia thường xuyên các triển lãm nông nghiệp khu vực và thế giới với mục tiêu rõ ràng là đẩy mạnh các thương hiệu địa phương đã được xây dựng cũng như có một chiến lược tạo thương hiệu cho các loại nông sản Việt Nam đang có nhiều tiềm năng.
Hoàng Hải (DNSGCT)