Những ai từng sống tại các thành phố lớn ở phương Tây hẳn không xa lạ gì với những chiếc nút bấm nằm rải rác từ trung tâm thành phố ra các khu dân cư ngoại vi ngay lối đi bộ qua đường.
Làm như chúng nằm ở đó cho… vui hoặc để trang trí. Bị dồn ép trong lớp lớp xe hơi và người đi bộ khiến không mấy ai còn thời gian quan tâm đến những chiếc nút hay thử nhấn tay vào để xem chúng còn hoạt động không. Nhưng điều thú vị nhất vẫn là những chiếc nút giả giống như “giả dược”.
Từ nút bấm qua đường…
Có khi nào bạn nhấn vào một chiếc nút tại làn đường dành cho người đi bộ và tự hỏi không biết nó còn tốt không. Hoặc tay nhấn nút đóng cửa thang máy mà bụng nghi ngờ về tác dụng của nó. Nhưng không phải chỉ có bạn mới mang tâm lý “ngại” hay “không an tâm” với những chiếc nút bắt gặp đâu đó mà có rất nhiều người giống như bạn.
Và thường là họ đúng vì có vô số chiếc nút trên thế giới này không hề hoàn thành nhiệm vụ được giao, ngay từ lúc mới xuất hiện hoặc vào một thời điểm nào đó. Thậm chí, có những chiếc “nút giả” (placebo button) không kích hoạt cái gì cả dù khi nhấn chúng cũng phát ra âm thanh. Giống như “giả dược” (placebo pill) dùng trong thí nghiệm thuốc đối chứng, nút giả cũng có mục đích.
Theo bà Ellen Langer, giáo sư tâm lý Đại học Harvard (Mỹ), người đi tiên phong nghiên cứu khái niệm “ảo tưởng về sự kiểm soát” (illusion of control), những chiếc nút giả tạo ra “hiệu ứng tâm lý” đối với người bấm. “Khi nhấn một chiếc nút bắt gặp trên đường và nghe âm thanh phát ra chúng ta có cảm giác đang thực hiện một nhiệm vụ hay đang kiểm soát một tình trạng.
Chúng ta cảm thấy mãn nguyên và hưng phấn hơn hơn là thụ động đi lại. Nhấn vào một cái gì đó, gửi đi một mệnh lệnh luôn tốt hơn là không làm gì cả dù mệnh lệnh không được phản hồi” – bà nói. Tại thành phố New York, chỉ có khoảng 100 trong 1.000 chiếc nút đặt tại lối qua đường dành cho người đi bộ là vẫn còn hoạt động. Phát ngôn viên Sở Vận tải thành phố cho biết như thế. Con số đó còn giảm hơn nữa trong năm 2019.
- Xem thêm: Nhấn nút: động tác nhỏ, hậu quả lớn
Theo tờ The New York Times, “nếu năm 2004, có 750 chiếc nút tại New York làm việc tốt thì nay đa số vô tác dụng”. Lo lắng về ùn tắc giao thông có thể là nguyên nhân. Những đèn tín hiệu dành cho người đi bộ vận hành bằng nút được lắp đặt từ trước khi tình trạng ùn tắc giao thông đạt đến qui mô như hôm nay.
Qua thời gian, chúng bị hệ thống đèn tín hiệu giao thông làm cho tê liệt. Thay vì được nấng cấp bằng sensor để tự động chuyển màu theo lập trình, đèn tín hiệu đi bộ vẫn dùng tay bấm nút. Lý do là thay mới quá tốn kém! Những thành phố khác như Boston, Dallas, Seattle cũng gặp tình trạng tương tự. Tại London (Anh), nơi có hơn 6.000 đèn tín hiệu giao thông, khi nhấn vào chiếc nút tại lối đi bộ qua đường, đèn “chờ” (wait) sẽ bật lên.
Nhưng điều đó không nhất thiết là sẽ xuất hiện ngay đèn xanh để qua đường trong “thuật ngữ thiết kế đèn tìn hiệu giao thông” (traffic signal design terminology). “Chúng tôi đã lắp đặt đèn tín hiệu tự dộng tại nhiều lối qua đường; nhưng vẫn cho người đi bộ quyền nhấn nút để có thêm chọn lựa – ông Glynn Barton, giám đốc mạng điều phối giao thông thuộc Sở Vận tải London nói – Ví dụ, âm thanh phát ra sẽ giúp người khiếm thị qua đường dễ hơn sau khi nhấn nút”.
Hiện nay, đèn tín hiệu đã biết tự điều chỉnh khoảng cách chuyển màu nhờ cảm biến điện tử tích hợp. Ví dụ như mặt đường sẽ ưu tiên cho xe buýt khi xe trễ chuyến bằng cách làm tê liệt tạm thời nút nhấn qua đường (không phát ra âm thanh và không kích hoạt). Một số nút khác chỉ hoạt động một số thời điểm trong ngày, phần thời gian còn lại là tự động. “Nhưng bình thường, nhấn nút vẫn là mệnh lệnh ưu tiên cho người nhấn” – Barton nói.
Đến nút đóng cửa thang máy và nút máy điều hoà
Bây giờ nói đến chiếc nút dễ bị bỏ quên nhất trong thang máy: nút đóng cửa. Nếu bạn sống ở Mỹ, chiếc nút này gần như… không làm việc! “Lý do đơn giản là thang máy dùng chung không cho phép bạn đóng cửa nhanh hơn bằng cách nhấn nút. Luật Disabilities Act ban hành năm 1990 bảo vệ người tàn tật buộc cửa thang máy phải mở cửa đủ lâu để những người có vấn đề về vận động như phải chống gậy và ngồi xe lăn có đủ thời gian đi vào an toàn” – Kevin Brinkman thuộc Hội Công nghệ Thang máy quốc gia (National Elevator Industry) nói.
“Nút đóng sẽ vô hiệu nếu thang vẫn trong thời gian cửa mở qui định. Chỉ có nhân viên cứu hoả và cấp cứu mới có mã kích hoạt tức thì. Nhưng bên ngoài nước Mỹ, đa số nút đóng cửa thang máy vẫn kích hoạt được ngay lúc bước vào” – ông Robin Fiala, giám độc công ty Otis, nhà chế tạo thang máy lớn nhất thế giới, nói.
- Xem thêm: Những phát hiện ngỡ ngàng
Bây giờ quay sang những chiếc nút điều chỉnh nhiệt độ của máy điều hoà lắp bên trong các phòng khách sạn. Như nhiều người biết, để giảm chi phí năng lượng, nhiều mẫu chỉ cho khách điều chỉnh nhiệt độ trong giới hạn lập trình trước. “Phương pháp này còn mở rộng cả nơi làm việc” – Robert Bean, thuộc Hội Điều hoà và Gia nhiệt Mỹ (American Society of Heating and Air-Conditioning Engineers), nói. Nhưng không chỉ giới hạn nhiệt độ mà một số model có đánh lừa khách bằng những chiếc nút… “thao tác giả” (placebo function), tức là khách vẫn điều chỉnh nhiệt độ bình thường bằng remote, nhưng nhiệt độ không hề thay đổi.
“Ngoài ra, còn những máy điều hoà ‘đồ chơi’ không kết nối với hệ thống được lắp đặt tại một số phòng làm việc – ông Donald Prather thuộc hội Các công ty lắp đặt Máy điều hoà Mỹ (Air Conditioning Contractors of America) nói – Chúng được đặt để đối phó với những nhân viên than phiền là họ không thể tự điều chỉnh được nhiệt độ trong phòng”. Theo Langer, những chiếc nút giả cũng có tác dụng khá tích cực vì chúng tạo cho ta cảm giác mình “có quyền”.
Ở các giao lộ, những chiếc nút qua đường giúp tăng thêm an toàn hơn vì nó buộc người đi bộ phải quan sát chung quanh. Và cuối cùng, nhấn nút không đòi hỏi nhiều nỗ lực, tốn rất ít năng lượng và vui tai. “Nếu nút không hoạt động, người nhấn cũng chẳng tốn xu nào – Langer nói – Vì vậy, chúng ta cần thay đổi thái độ và cư xử công bằng với những chiếc nút, dù hữu dụng hay vô dụng”. Hãy nghĩ về chúng như một “liệu pháp tâm lý” hay “công cụ thư giản” bạn sẽ thấy chúng cũng cũng đáng trân trọng”.