Gần sáng, mưa càng to hơn, “bão số 3 này mạnh dữ lắm”, mấy tỉnh ngoài bắc lũ quét, sạt lở, trôi nhà, người chết và mất tích chưa thống kê hết… thiệt hại lên đến hàng ngàn tỉ đồng. “Kiểu này, người dân ngóc đầu lên không nổi”, ông Chín chép miệng thở dài, người dân nghèo khổ quá.
Vuốt vội mấy hạt mưa vừa tạt vào mặt, ông xách cái xô mủ đi tiếp. Đôi ủng bị nước vào, nặng trịch, bộ áo đi mưa rách toát vì vướng vào mấy nhánh cây. Cái xô mủ cũng lênh láng nước, chòng chành theo từng bước chân. Ông thoáng rầu, mấy hôm nay mủ bị nước, không bán được, toàn đánh đông, chất đống đầy chòi, vừa hao vừa hôi.
Nhắc tới mùi mủ su thum thủm ông chợt nhớ hồi mới tập tành đi cạo mủ, ông luôn cảm giác ơn ớn khi nghe mùi này. Ông viêm xoang nặng, nghe mùi lạ là hắt xì liền, rồi nhức đầu, mệt tới nỗi thở không ra hơi. Sau dần cũng quen. Bây giờ ông thấy bình thường, thậm chí “ghiền” nữa là khác. Cũng chuyện vui. Hôm đó, có người nhờ ông “khui miệng” đám cao su vừa đủ tuổi khai thác gần Bàu Sình.
Chiều hôm trước, ông vác rựa, cầm dao cạo, dò đường để đêm đi cho nhanh. Giữa đám cỏ um tùm, ông ngã dúi dụi vì vấp… một đống gì trăng trắng, có mùi hôi hôi. Phát sơ đám cỏ, ông ồ lên, thì ra một đống mủ bèo to tướng, khoảng hơn chục kí. Ông nhìn xung quanh, không có ai, rẫy su này chưa dọn, chắc của năm ngoái, tay “su tặc” nào bỏ sót đây.
Ông khẽ đằng hắng giọng, coi có ai lên tiếng không thì chỉ cho chủ, nhưng không có ai ư hử. Vậy là hôm đó, ông được mấy trăm ngàn, nhậu đã đời với mấy ông bạn làm rẫy, mua ký thuốc diệt bọ gậy phá dừa, còn vài chục ngàn dằn túi, để ai rủ nhậu thì mua rượu. Mười mấy năm làm nghề cạo mủ, mùi thum thủm đó trở nên quen thuộc, nhiều bữa mưa to quá, không đi cạo, ông cảm thấy thiếu thiếu… Thì ra cái gì rồi cũng quen!
Bệnh viêm xoang chưa bớt, nhưng ông không còn “sốc” với mùi mủ su nữa. Nói ra cũng tội cho cái mũi của ông. Nó chưa ung thư là may lắm rồi! Một ngày nó bị “tra tấn” không biết bao nhiêu mùi: mùi nồng nặc cá muối từ cám heo, mùi chuồng heo, mùi hồ cá cạn nước, mùi tanh của bầy vịt thiếu nước, mùi rơm mục… Những khi chuyển trời, nó hơi nhức nhức, ngứa ngứa, hắt hơi lia lịa, ông sai con chạy ra hiệu thuốc làm mấy liều, cứ khai “ba con viêm xoang”, uống vô hết liền.
Có người kêu viêm xoang phải chụp phim, để chữa cho đúng, uống tùm lum rồi sinh bệnh khác. Có cô giáo, bạn của chị gái ông nhức mũi hoài, và chảy nước mắt. Lúc đầu bác sĩ nói viêm xoang, uống miết không bớt, chụp X-quang kêu phải nạo mủ trong hốc xoang. Nạo xong, cũng đau hoài, tái khám mấy lần, uống thuốc liều cao cũng không giảm. Nước mắt chảy nhiều hơn, đi khám té ra viêm tuyến lệ, theo một năm ròng rã, không đỡ chút nào. Một lần nọ, gặp ông bác sĩ nước ngoài khám, mừng quá trời, ổng biểu (thông dịch nói lại): mổ.
- Xem thêm: Không kịp tạm biệt
Mất một con mắt để khỏi ảnh hưởng đến con còn lại. Kể thì dài dòng, nhưng khoảng ba bốn năm gì đó, cô này chết vì ung thư “khối u trong não”. Đúng là từ triệu chứng đi đến kết luận nhưng tới cái kết mới chắc! Thiệt tình, không biết chính xác là bệnh gì, thời này khoa học phát triển hiện đại, con người được học hành bài bản nhưng rồi cái gì cũng… Ông nhủ thầm: sao đâu mà, dễ gì chết, sống chết, nghèo giàu có số hết.
Nói tới chuyện giàu nghèo, đối với ông là cả câu chuyện dài. Người ta nói “không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời”, nhằm an ủi người chưa may, còn nghèo khổ. Ý thứ nhất, ông chưa kiểm chứng được, nhưng ý thứ hai ông thấy không đúng. Từ lúc sinh ra, lớn lên và tới giờ (quá nửa đời ông) ông chưa thấy ai trong họ ông giàu; hay đại loại sống thư thả, dư giả đôi chút – tuyệt nhiên không có ai.
Ông nội của ông là dân di cư, bỏ xứ Quảng vô Nam mang theo bốn người con, trong đó chỉ có một người là trai, cha ông – Lâm, thứ mười. Quê ông nội gần biển, nhưng ông nội yếu ớt không đi biển được, ba của ông chăm chỉ nhưng cũng chẳng thấm vào đâu, bà nội buôn bán, mua cá lên Ba Tơ bán rồi đổi gạo đem về biển, cũng chỉ đủ thêm chút canh chút cháo phụ ngày mưa bão. Những năm sáu mươi, di cư vô Nam, ông già của ông đạp xích lô ở Sài Gòn vừa kiếm sống, vừa trốn quân dịch nên không dư để gởi tiền cho bà nội, cảnh nhà vừa nghèo vừa não.
Tới đời cha ông, nói nghèo cũng không đúng. Vì bấy giờ, cha mẹ ông tuy cày thuê cuốc mướn nhưng cũng dành dụm mua được ruộng, mua trâu cày. Từ cặp trâu vừa cày vừa đẻ, chỉ vài ba năm đã sinh lợi bao nhiêu. Từ tiền lời, ông Mười mua ruộng, mua trâu nên “Con trâu là đầu cơ nghiệp” rất đúng với ông bấy giờ. Ông nổi tiếng không chỉ làm giỏi, ba bốn giờ sáng ông đã có mặt ngoài đồng, tối mịt mới lùa trâu, vác cày về.
Niềm vui đọng lại là cha ông được mọi người nể trọng vì cách sống tình nghĩa, rộng rãi, thương người. Ai ở xa tới lập nghiệp, ông đều hướng dẫn, chỉ cách làm ăn, cho mượn trâu… Những năm 80 (thế kỷ trước), người dân từ các vùng xa xôi đi kinh tế, đều được cha mẹ ông tận tình giúp đỡ. Khi cho mượn trâu cày, khi thì ủng hộ xe gỗ tạp làm nhà. Mẹ ông nhân hậu khỏi phải nói.
Nhà có củ mì, có đất trồng rau, đậu các loại, bà thường sai chị em ông bưng đi cho. Khấm khá vài ba năm thì sóng gió ập tới. Anh trai của ông, nổi tiếng đẹp trai, hiếu thảo, học giỏi, một ngày mưa lớn theo bạn chăn trâu và chết đuối. Thường thì người anh này chỉ ở nhà chăm ông nội, vì ông nội đau yếu, mà anh ấy lại rất khéo chiều ông. Anh mất, ông nội ông như người mất hồn, thương cháu đến khờ người “lúc đói khát, thèm không có ăn, lúc có cái ăn thì không còn”.
Ông nội ông nhớ thằng cháu ngoan thảo, vắn số đến bỏ ăn uống, và rồi cũng theo cháu sau đó mười ngày. Tang tóc trùm phủ ngôi nhà, bà nội vì buồn thương cảnh nhà, khóc đến nỗi mù mắt, và mất sau đó năm năm vì căn bệnh ung thư vú. Vùng đất mới là nơi cha mẹ ông làm ăn khá lên, nhưng cũng cướp mất ba người thân của ông. Ông suy sụp, kinh tế khựng lại, nhà ít tiếng cười.
Những năm tám mươi ấy, đất nước bắt đầu chuyển hướng làm ăn theo hợp tác xã. Rồi, theo tình hình chung, cha mẹ ông đem số ruộng đất, trâu nghé có được vào hợp tác xã. Đó là thời nôm na gọi “bao cấp”.
Thế là, thời tuổi thơ chị em ông chưa biết sướng là gì. Hồi đó, khoảng đầu những năm tám mươi, lớn nhỏ gì cũng đi làm tính công điểm hết. Chị lớn đi cấy, đi gặt, chị kế chuyên đi hái rau, mót củ. Chỉ hôm nào đi học mới được nghỉ. Hai chị học giỏi, năm nào cũng có thưởng. Hai thằng em thì ngủ cũng mơ chăn trâu.
Hàng ngày, ông vừa chăn trâu nhà, vừa chăn trâu của Hợp tác xã để tính công điểm. Chăn trâu cực nhưng mà vui phải biết. Chuyện gì cũng biết, nào là hái trâm, hái gùi, hái dâu… đủ loại theo mùa. Bọn chăn trâu lì kinh khủng. Cái gì cũng dám làm, nhất là khi đói, mà đói thì phải làm càn. Thường thì, tụi nhóc nho nhỏ như ông thì coi chừng trâu ăn bậy, giẫm lúa, canh “bảo nông”, còn mấy anh chị lớn hơn thì đi thám thính, dò la.
- Xem thêm: Giếng nước mắt
Đối tượng là mấy rẫy mía, bắp, khoai lang… canh me bảo nông nghỉ là nhào vô “thu hoạch”, chất lửa nướng, có khi nấu luôn. Mấy đứa nhỏ thường được ưu tiên hơn… Phá phách vậy nhưng bọn ông không giấu giếm gì, về kể hết, rồi ba má đứa nào đứa nấy vừa đánh vừa la con, dắt con tới nhà ông “đội trưởng”, lúc xin lỗi, lúc phải đền. Nhiều khi ông nhớ lại thấy cũng vui vui. Thời đó trộm vì đói và nghèo!
Từ bao giờ cũng không nhớ, người trong xóm đặt cho ông cái tên trở thành số phận “Chín nghèo” ông chỉ cười mà không giận, vì ông nghèo thiệt. Mình nghèo, người ta kêu nghèo, sao đâu! Triết lý của nông dân luôn đơn giản, chân phương, dễ hiểu. Nhiều lúc ông cũng không hiểu vì sao mình nghèo? Làm đâu trật đó. Ông không chơi không ngày nào, có nhậu nhưng không bê tha, không cà phê thuốc lá, đề đóm ông mù tịt, vậy mà… “Hay do số mình?”. Nghĩ vậy, ông thấy nhẹ nhàng hơn, lúc bất mãn quá ông bám víu vào cái không tưởng đó…
Đặt xô mủ xuống, ông uống tô nước thuốc mới sắc hồi khuya. Vị đăng đắng nước thuốc nấu từ cây nhân trần làm ông chợt thèm tô canh cá bay bay bỏ lá me húp với củ mì. Cá bay bay không làm ruột nên hơi đắng đắng, vò ít lá me và thêm xíu bột ngọt là được nồi canh ngon, cha mẹ con cái húp xì xụp no căng bụng. Cá bay bay Bàu Sình là đặc sản đối với trẻ con xóm nghèo quê ông bấy giờ. Chiều chiều, sau khi lùa trâu về, bọn trẻ lại vác lưới xách thau, cầm rổ vô bàu.
Thường thì hai ba đứa một nhóm, có khi là anh chị em trong nhà, có khi anh em hàng xóm. Hai đứa hai đầu lưới, đứa còn lại rê cái thau, trên để cái rổ tre dày. Kéo được mẻ nào trút vô rổ, đi tiếp. Đứa kia ngồi lượm rác, rửa và trút vô thau, gọn gàng, thành thục. Nhiều hôm, mưa lất phất là hấp dẫn nhất, vì nước mát tép nhảy lên, tha hồ đuổi vô lưới. Nhìn những con tép tươi roi rói, búng tanh tách là… không cách chi tả hết sự khoái chí của bọn nhóc.
Có hôm, đi làm về, mình ướt như chuột, lạnh run nhưng anh ông vác lưới lên, nói “vô kéo một chặp là ấm”. Vậy là, anh đi trước, em lon ton xách đồ chạy theo. Tối thui mới hì hục vác lưới về, mặc nguyên đồ ướt, lượm rác, rửa, gặp con cá kìm, cá sơn (loài cá không ruột, dài, ít xương), anh ông xâu thành xâu dài nướng cho mấy em. Làm xong, đồ cũng khô luôn. Ông chợt như nghe mùi cá nướng còn vương đâu đây. Nhớ quá!
Thời đó nghèo khổ thiệt, mà vui và bình yên. Suốt thời tuổi thơ dường như ông không nghe ba má ông, hay hàng xóm chửi nhau, thiếu thì mượn rồi trả chứ hổng nghe ai cướp của ai cái gì (trừ lũ chăn trâu ăn lén ngoài đồng). Niềm vui theo bước chân trâu hấp dẫn ông hơn chuyện đi học. Cha ông, rất quan tâm chuyện học hành của con cái. Ông luôn lấy người có ăn có học trong làng, trong xã ra để khen, để nêu gương cho con cái.
Dù nhà luôn trăm công ngàn chuyện nhưng vì xin đi lên trường, ông cho đi hết. Nhưng bản thân ông lại không ham học, ngồi ê a vài chữ là cặp mắt nhíu lại muốn ngủ rồi. Mặc hai bà chị dò bài, giảng toán, ông cứ gật gật rồi tìm cớ trốn biệt. Cuối năm lớp 8, ông thi lại môn toán. Cô và hai bà chị kèm cặp suốt mùa hè, thi lại cũng chỉ 4 điểm. Năm đó, chị gái lớn của ông đi ngành sư phạm, chị kế học mười một, nhà bắt đầu tốn tiền gởi cho chị, ông có cớ ở nhà phụ cha mẹ, nghỉ luôn.
Chị lớn nghe chuyện, đòi bỏ học, “em không đi học nữa, chị nghỉ luôn, chị về đi cấy”. Cả hai chị em bị ba má la một trận, ông hứa đi học cho chị yên tâm, nhưng thực ra… Tội nghiệp chị, viết thư cứ nhắc nhở thằng em cố gắng chăm học. Đọc thư chị, ông cười thầm đắc ý. Chị ông học giỏi, viết thư hay, chữ đẹp nữa, ông luôn kiêu hãnh về hai người chị của mình. Sau này, hai bà chị của ông đều làm giáo viên. Tuy không giàu có, nhưng đó là niềm tự hào duy nhất của gia đình ông, và cũng là mơ ước của ông. “Con gái ông sẽ trở thành giáo viên, giáo viên giỏi như hai người cô nó” – ông luôn ao ước điều đó.
Năm ông lên mười ba, mẹ ông đột ngột qua đời sau một tai nạn kinh hoàng, cha tàn tật sau thời gian dài chữa trị, của cải dành dụm dần tiêu tán. Ông thoáng rùng mình khi chợt nghĩ sao rủi ro, tang thương cứ chực đổ lên gia đình ông! Khi cả nhà ông vừa “xốc” lại tinh thần như người sắp chết đuối vừa mới ngoi lên mặt nước thì liền bị lớp sóng dữ ào lên. Chỉ còn chăng ánh mắt ngơ ngác của mấy chị em đang tuổi ăn tuổi ngủ! Chuỗi ngày tủi cực, đau xót, mất mát cũng ngót hơn hai mươi năm rồi. Thời gian có thể chữa lành mọi vết thương, và người ta không thể sống mãi với hoài niệm, với dư vị buồn. Nhưng mỗi khi trở trời, đêm lặng, làm sao quên được…?
Đốt điếu thuốc, ông lóng ngóng hít một hơi, rồi vội vàng nhả khói. Ông không hút thuốc, nhưng luôn có gói thuốc trong túi. Trước khi rời khỏi chòi, ông không bao giờ quên đốt một điếu thuốc, bập vài hơi cho đỏ, rồi cẩn trọng lấy chân nhang gắn vào đầu lọc xong cắm lên bàn thờ vọng. Ở đó, có hình ảnh người anh kế của ông mới mất hôm mùng hai Tết ba năm trước.
- Xem thêm: Dõi mắt theo sông
Đối với gia đình ông, đó là ngày ám ảnh tang thương đến không thể khóc. Hai người chị của ông dường như đi không nổi, cha ông lặng lẽ vô hồn. Mỗi khi sắp khóc, ông luôn dằn lòng, luôn rướn sức mỗi khi muốn ngã quỵ, tim ông nhói đau khi chợt nhớ. Ông giấu nỗi buồn trong hơi men. Sau hai năm ông sụt gần chục ký, xét nghiệm: bệnh gan. Đất trời như sụp đổ. Ông muốn buông xuôi, kệ mẹ hết, cùng lắm là chết. Nhưng con ông thì sao? Còn ông già của ông cũng đâu lành lặn gì…?
Tiếng chuông điện thoại cắt đứt dòng suy nghĩ của ông.
– Alo!
– Ba – tiếng reo của con gái ông – ba ơi có điểm thi của con rồi ba.
– Con được nhiêu? Đậu không?
– Dạ, con được hai mốt điểm, mừng quá.
– Điểm vậy cao hay thấp? Đủ đậu không?
Ông hỏi huyên thuyên, không để con trả lời. Ông thấy như đang ở trên mây, cảm giác nhẹ tênh, bồng bềnh. Ông mỉm cười đắc ý một mình. Lô su trước mắt ông như bỗng chốc biến thành con đường nhựa phẳng lì, trên cao tốc Long Thành êm ru, mát rượi. Con đường đó ông đều đặn mỗi tháng một lần đi tái khám. Mai mốt, con ông cũng sẽ được khám phá con đường đó và nhiều con đường khác mới hơn, đẹp hơn, nó không phải mang nỗi lo kết quả xét nghiệm như ông, mà đem niềm vui về cho cha mẹ.
Cái xô mủ đã đầy tràn từ bao giờ ông không hay. Nó đầy bởi niềm hạnh phúc lớn lao được dành dụm, hy vọng từ bao năm nay!