Thủy tinh Murano được biết đến như loại thủy tinh nghệ thuật có một lịch sử lâu đời về sự đổi mới/cách tân trong chế tác thủy tinh bên cạnh danh tiếng mỹ thuật và hòn đảo Murano của Venice là trung tâm chế tạo thủy tinh lớn đầu tiên của châu Âu. Theo người Venice, thủy tinh Venice đã được sản xuất trong hơn 1.500 năm và việc sản xuất đã tập trung tại hòn đảo Murano của Venice từ thế kỷ 13.
Ban đầu, Venice được kiểm soát bởi Đông bộ La Mã, nhưng cuối cùng nó trở thành một chính quyền thành phố độc lập, phát triển hưng thịnh như một trung tâm thương mại và cảng biển. Các nghệ nhân chế tác thủy tinh Murano đã có thêm những kỹ năng do sự nối kết với Trung Đông – nơi đây đã có kỹ thuật chế tác thủy tinh tiên tiến hơn. Thủy tinh Venice tồn tại từ thế kỷ, nhưng bắt đầu từ năm 1291, cơ sở sản xuất được di dời đến Murano. Việc di dời này loại bỏ nhiều khả năng gây cháy nổ cho thành phố vì sản xuất thủy tinh rất dễ bắt lửa.
Từ đó, các nhà chế tác thủy tinh Murano cũng đã phát triển, cải biến những công thức và phương pháp tạo tác thủy tinh, do đó sẽ kiểm soát tốt hơn những bí quyết đó khi tập trung chế tác thủy tinh chỉ trên hòn đảo Murano. Các nghệ nhân chế tác thủy tinh cũng không thể rời khỏi hòn đảo mà không có được sự cho phép của chính phủ. Nếu không được phép mà rời đi hoặc tiết lộ các bí quyết chế tác, họ sẽ bị trừng trị bằng cái chết. Ngoài ra, việc xuất nhập khẩu có thể dễ dàng giám sát ở nơi đây.
Bất chấp những hạn chế về việc di chuyển, các nghệ nhân chế tác thủy tinh vẫn tiếp tục sinh sống trên hòn đảo xinh đẹp này, dưới sự quản lý trực tiếp của Hội đồng 10 thành viên của Venice, và có thêm những đặc quyền. Họ không phải làm việc trong suốt mùa hè nóng nực nên việc bảo dưỡng và sửa chữa lò nung được tiến hành vào thời điểm này. Trong những năm 1300, kỳ nghỉ hè hàng năm kéo dài những 5 tháng. Vào những năm 1400, kỳ nghỉ hè rút ngắn xuống còn 3 tháng rưỡi. Đôi khi, những nghệ nhân chế tác thủy tinh Murano cho rằng họ không làm việc đủ để đáp ứng yêu cầu. Các nghệ nhân cũng thích thú khi có được vị thế cao. Vào ngày 22 tháng 12 năm 1376, họ được thông báo rằng nếu con gái của một nghệ nhân chế tác thủy tinh kết hôn với một nhà quý tộc thì nhà quý tộc sẽ không bị mất đi vị thế xã hội vì con cái của họ là cao quý.
Murano trở thành trung tâm sản xuất thủy tinh ưu tú của châu Âu, đạt đến đỉnh cao trong thế kỷ 15 và 16. Sự thống trị của Venice về thương mại trên Địa Trung Hải đã tạo ra một tầng lớp thương gia giàu có; đó là những người am hiểu về các hình thức nghệ thuật. Điều này đã hình thành đòi hỏi về nghệ thuật thủy tinh phải có nhiều đổi mới hơn. Các tài năng tạo tác thủy tinh ở châu Âu ngày càng phát triển đã giảm bớt đi tầm quan trọng của những nghệ nhân chế tác thủy tinh Murano. Sự thất trận của Napoléon Bonaparte vào năm 1797 và việc chiếm đóng tạo nên nhiều thử thách cho nghề sản xuất thủy tinh Murano. Sau đó, chế tác thủy tinh Murano bắt đầu hồi sinh vào những năm 1920. Ngày nay, Murano là điểm du lịch hấp dẫn, với nhiều nhà máy thủy tinh và một vài xưởng chế tác thủy tinh của các nghệ nhân.
Tạo tác thủy tinh
Lúc ban đầu, thủy tinh Murano đa phần là thủy tinh vôi natri cacbonat chất lượng rất cao. Thủy tinh thời đó thường chứa từ 65 đến 70% silica. Một chất gây chảy, thường là natri carbonate (natri oxyde từ 10 đến 20% kết cấu của thủy tinh) được thêm vào để cho silica tan chảy ở nhiệt độ thấp hơn. Một chất ổn định, thường là vôi (canxi oxyde chiếm 10% của thủy tinh) cũng được thêm vào để cho độ bền và ngăn ngừa sự hòa tan trong nước. Một lượng nhỏ các thành phần khác đã được thêm vào thủy tinh, chủ yếu là tác động/ảnh hưởng đến diện mạo của thủy tinh.
Cát là một nguồn vật liệu phổ biến cho silica. Đối với một số loại thủy tinh, nhà chế tác thủy tinh Murano đã sử dụng thạch anh làm nguyên liệu cho silica. Đá cuội thạch anh được nghiền thành bột mịn. Từ hai nguồn cát là Creta và Sicily, đá cuội thạch anh được lấy từ sông Ticino và Adige ở miền Bắc nước Ý. Nguồn nguyên liệt để cho natri carbonate là thứ mà người ta gọi là allume catina – tro thực vật được tìm thấy ở các quốc gia phía Đông Địa Trung Hải của Trung Đông. Bắt đầu từ thế kỷ 16, allume catina cũng được nhập khẩu từ vùng duyên hải Địa Trung Hải của Tây Ban Nha và Pháp.
Sự pha trộn và tan chảy mẻ nguyên liệu là một quá trình có 2 giai đoạn. Đầu tiên, silica và chất gây chảy với một lượng gần bằng nhau được khuấy/trộn liên tục trong một lò nung đặc biệt. Lò nung này được gọi là lò calchera và hỗn hợp được gọi là fritta. Trong giai đoạn thứ hai, fritta được trộn với thủy tinh tái chế đã lựa chọn (thủy tinh vụn) và tan chảy trong lò nung khác. Tùy theo loại và màu sắc của thủy tinh mà các chất phụ gia khác được thêm vào. Chì và thiếc được cho thêm vào để thủy tinh có màu trắng đục (latimo). Cobalt (cho màu xanh dương thẫm) được sử dụng trong việc chế tác thủy tinh cho sắc màu xanh dương. Đồng và sắt được sử dụng cho màu xanh lá cây và các sắc thái khác nhau của màu xanh lá cây, xanh dương và vàng.
Mangan được sử dụng để loại bỏ màu sắc. Mặc dù khí tự nhiên là nhiên liệu lò nung được chọn cho sản xuất thủy tinh ngày nay, nhưng nhiên liệu cho Murano suốt thế kỷ 13 là gỗ cây tổng quán sủi và cây liễu. Trong giai đoạn thứ hai này, bề mặt của thủy tinh nóng chảy được tách ra để loại bỏ các hóa chất không mong muốn ảnh hưởng đến diện mạo của thủy tinh. Các kỹ thuật bổ sung cũng được sử dụng để phát triển chế tác thủy tinh. Để cải thiện rõ ràng hơn, thủy tinh nóng chảy được đưa vào nước và sau đó lại được nấu chảy. Một kỹ thuật khác để làm sạch chất làm chảy là đun sôi và lọc.
- Xem thêm: 10 kiểu in đặc sắc trên vải Ấn Độ
Công cụ
Những nghệ nhân của Venice có một bộ dụng cụ rất ít thay đổi để chế tác ít nhất trong hàng trăm năm nay. Một sbuso ferro, còn được gọi là canna da soffio, là ống thổi thủy tinh cần thiết để rút thủy tinh nóng chảy và bắt đầu quá trình tạo hình. Borselle là một công cụ giống cái kẹp/cái cặp có nhiều kích cỡ khác nhau được sử dụng để tạo hình thủy tinh khi còn dẻo. Còn borselle puntata là một dụng cụ tương tự, có mẫu hình hoa văn được đóng/in trên thủy tinh.
Và pontello là thanh sắt giữ thủy tinh trong khi tạo tác để thực hiện trên các gờ/cạnh của thủy tinh. Tagianti là một cái kéo lớn dùng để cắt thủy tinh trước khi nó cứng lại. Scagno – chiếc bàn làm việc được sử dụng bởi những nghệ nhân chế tác thủy tinh. “Các dụng cụ tốt, nhưng bàn tay khéo léo thì tốt hơn”, nghệ nhân Murano luôn có quan điểm cho rằng chế tác thủy tinh cần phải dựa vào kỹ năng của mình thay vì bất kỳ lợi thế có được nhờ vào các công cụ đặc biệt.
Các nghệ phẩm và những biến đổi
Những nghệ nhân Murano được biết có nhiều đổi mới và cải tiến trong chế tác thủy tinh. Ngoài các hạt/hột Murano, cristallo/pha lê, lattimo/thủy tinh sữa, đèn chùm và gương… mhững cải tiến hoặc sáng tạo mới được thêm vào là đá vàng, thủy tinh nhiều màu (millefiori) và thủy tinh giả đá quý.
Đây là những nghệ phẩm thủy tinh tuyệt mỹ, có thể kể ra như sau:
1. Thủy tinh Aventurine, còn gọi là thủy tinh đá vàng, có màu nâu mờ với đặc trưng kim loại (đồng). Chúng được phát triển bởi các nhà chế tác thủy tinh của Venice vào đầu thế kỷ 15. Những trích dẫn sử liệu đầu tiên về chúng là vào năm 1626. Tên gọi Aventurine được sử dụng vì nó được phát hiện một cách tình cờ.
2. Hạt thủy tinh (còn gọi là hạt Murano) được chế tác bởi người Venice bắt đầu từ những năm 1200, được sử dụng làm chuỗi và đồ trang sức. Chúng cũng phổ biến ở châu Phi. Christopher Columbus đã ghi nhận rằng người dân của Tân thế giới (người Mỹ bản địa) “vui mừng” với các hạt/hột như một món quà tặng, và chúng trở nên phổ biến với thổ dân châu Mỹ.
3. Calcedonio là thủy tinh cẩm thạch, Angelo Barovier – nghệ nhân chế tác thủy tinh lớn của Murano tạo ra chúng trong những năm 1400. Barovier là một nghệ nhân thổi thủy tinh, đã hồi sinh men màu cũng như tạo tác với kính màu. Gia đình ông đã tham gia vào việc chế tác thủy tinh ít nhất từ năm 1331, và gia đình tiếp tục công việc này sau khi ông qua đời. Ông mất năm 1460.
4. Nghệ phẩm đèn chùm: Suốt những năm 1700, Giuseppe Briati nổi tiếng với nghệ phẩm trang trí gương soi và đèn chùm. Phong cách đèn chùm của Briati được gọi là ciocche – được tạo tác như những bó hoa. Đèn chùm Briati điển hình lớn với nhiều nhánh trang trí các vòng hoa, hoa và lá. Đèn chùm Murano loại lớn được sử dụng chiếu sáng bên trong nhà hát và các căn phòng quan trọng trong cung điện.
Briati sinh ra ở Murano năm 1686, và công việc mưu sinh của gia đình ông là chế tác thủy tinh. Ông từng làm việc trong một nhà máy thủy tinh Bohemian, ở đó ông đã học được những bí quyết trong việc chế tác pha lê/tinh thể Bohemia – chúng đã trở nên phổ biến hơn cả cristallo Murano.
Năm 1739, Hội đồng 10 thành viên cho phép ông chuyển xưởng từ Murano đến Venice để tránh sự ganh ghét, cạnh tranh không lành mạnh với ông (cha ông đã bị đâm chết vào năm 1701). Briati nghỉ hưu năm 1762, cháu trai của ông trở thành người quản lý việc chế tác thủy tinh. Briati qua đời tại Venice năm 1772, và được chôn cất tại Murano.
5. Cristallo là thủy tinh natri-carbonate, được sáng tạo vào thế kỷ 15 bởi Angelo Barovier. Tham chiếu lâu đời nhất về Cristallo là ngày 24.5.1453. Vào thời điểm đó, cristallo được xem như là loại thủy tinh sáng trong nhất của châu Âu, cũng là một trong những lý do chính khiến Murano trở thành “trung tâm thủy tinh quan trọng nhất”. Nó giống như thạch anh, được cho là có đặc tính ma thuật và thường được sử dụng trong các vật thể tín ngưỡng/tôn giáo.
Cristallo đã trở nên rất nổi tiếng. Loại thủy tinh này mỏng manh và khó cắt, nhưng có thể được tráng men và in khắc sâu. Mangan là một thành phần quan trọng trong công thức bí truyền sử dụng để tạo tác cristallo. Một biến thể về cristallo trong tạo tác ở Murano là chế tác phiên bản mờ hoặc rạn.
6. Filigrana (cũng được biết như filigree) phát triển ở Murano vào những năm 1500. Bằng cách đưa các thanh thủy tinh (thường là màu trắng) vào thủy tinh không màu tạo nên thủy tinh có dạng sọc/vằn. Vetro a fili có những sọc trắng thẳng, vetro a retortoli có hoa văn xoắn/bện hoặc xoắn ốc và vetro a reticello có hai bộ những đường xoắn/bện theo hướng đối nghịch nhau. Francesco Zeno được đề cập đến như là người sáng chế ra vetro a retortoli.
7. Lattimo hay thủy tinh sữa, bắt đầu được chế tác ở Murano vào thế kỷ 15, và Angelo Barovier được cho là đã tái khám phá và phát triển chúng. Loại thủy tinh này có màu trắng đục, tương tự sứ tráng men. Nó thường được trang trí bằng men cho thấy những cảnh tượng linh thiêng hay quang cảnh về Venice.
8. Millefiori là một biến thể của kỹ thuật murrine thể hiện những thanh màu trong thủy tinh trong suốt, và thường được sắp xếp theo các hoa văn giống như những bông hoa. Trong tiếng Ý, từ millefiori nghĩa là hàng nghìn bông hoa. Kỹ thuật này được hoàn thiện ở Alexandria, Ai Cập và bắt đầu được sử dụng ở Murano vào thế kỷ 15.
9. Những chiếc gương nhỏ được sản xuất tại Murano mở đầu từ những năm 1500, và các nhà chế tác gương có phường hội riêng bắt đầu vào năm 1569. Các tấm gương Murano được biết đến như những nghệ phẩm thể hiện trên khung gương làm tăng thêm giá trị về chất lượng. Đến những năm 1600, nhu cầu về gương Murano rất lớn. Tuy nhiên, vào cuối thế kỷ, những chiếc gương do Anh tạo ra có chất lượng tốt hơn nên chỉ duy nhất một nhà ở Murano vẫn còn chế tác gương vào năm 1772.
10. Kỹ thuật Murrine bắt đầu với lớp thủy tinh màu lỏng, được nung nóng đến 1.900°F (1.040°C), sau đó kéo thành các thanh dài. Khi nguội, những thanh này được cắt theo mặt ngang, cho thấy mô hình phân lớp. Ercole Barovier, hậu duệ của nhà chế tác thủy tinh vĩ đại nhất của Murano, Angelo Barovier đã giành được nhiều giải thưởng trong suốt những năm 1940 và 1950 cho những đổi mới và cải tiến khi ông sử dụng kỹ thuật Murrine.
- Xem thêm: Mỹ nghệ khay kim loại Zhostovo
11. Sommerso (“chìm” trong tiếng Ý), là một hình thức nghệ thuật thủy tinh Murano khi có các lớp màu tương phản (thông thường là hai lớp màu), được hình thành bằng cách nhúng thủy tinh màu vào thủy tinh nóng chảy khác và sau đó thổi kết hợp tạo thành hình dạng như mong muốn. Lớp ngoài cùng, hay vỏ, thường sáng rõ. Sommerso được phát triển ở Murano vào cuối những năm 1930. Flavio Poli được biết đến với việc sử dụng kỹ thuật này, và nó đã phổ biến bởi Seguso Vetri d’Arte và gia đình Mandruzzato trong những năm 1950. Quá trình này là một kỹ thuật phổ biến trong chế tác bình/lọ, và đôi khi được sử dụng cho nghệ thuật điêu khắc.
Ngày nay, một số xưởng chế tác thủy tinh có lịch sử lâu đời ở Murano vẫn là những thương hiệu nổi tiếng từ xa xưa, bao gồm De Biasi, Gabbiani, Venini, Salviati, Barovier & Toso, Pauly, Berengo Studio, Seguso, Formia International, Simone Cenedese, Alessandro Mandruzzato, Vetreria Ducale, Estevan Rossetto 1950… Nhà máy thủy tinh lâu đời nhất là Antica Vetreria Fratelli Toso, được thành lập vào năm 1854.
Nhìn chung, ngành chế tác thủy tinh Murano đã bị thu hẹp do nhu cầu giảm. Những nghệ phẩm mô phỏng đến từ châu Á và Đông Âu chiếm khoảng 40 đến 45% thị trường kính Murano, cũng như thị hiếu cộng đồng đã thay đổi trong khi thiết kế ở Murano phần lớn vẫn giữ nguyên. Bên cạnh đó, một nhóm các công ty và cá nhân có liên quan đã tạo ra một nhãn hiệu thương mại vào năm 1994 để xác nhận cho những sản phẩm chính gốc được sản xuất tại Murano. Cho đến năm 2012, có khoảng 50 công ty đã sử dụng nhãn đăng ký xuất xứ về nguồn gốc thủy tinh nghệ thuật Murano.
- Xem thêm: Nghệ nhân vẽ tranh kiếng Thạch Thị Phiên
Chế tác thủy tinh là một nghề khó khăn, vất vả vì phải làm việc ở nhiệt độ cực kỳ cao cũng như không được hưởng bất kỳ đặc quyền, hay giàu có hơn, nên ngày nay, rất khó có thể thu nạp được những thợ chế tác thủy tinh trẻ khiến số lượng nghệ nhân thủy tinh chuyên nghiệp ở Murano giảm từ khoảng 6.000 người vào năm 1990 xuống còn dưới 1.000 người vào năm 2012.
Một số nghệ phẩm thủy tinh Murano