Ngày 1-5, Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2012 chính thức có hiệu lực với nhiều quy định có lợi hơn cho người lao động. Một trong những quy định được người lao động quan tâm là mức lương tối thiểu phải đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu của người lao động. Tuy nhiên, như mọi người đều biết, dù đã 10 lần điều chỉnh nhưng lương tối thiểu vẫn chưa đảm bảo được yêu cầu trên.
Trong tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp năm 2013 dự báo sẽ tiếp tục khó khăn, nếu điều chỉnh ngay mức lương tối thiểu theo quy định của Bộ luật Lao động 2012 thì nhiều doanh nghiệp sẽ không kham nổi, thậm chí có khả năng phá sản như doanh nghiệp dệt may, da giày, gia công và khi đó người lao động sẽ mất việc làm.
Công nhân làm việc trong một nhà máy sản xuất phụ tùng cao su
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ, TB & XH) cho rằng trong điều kiện hiện nay cần phải cân nhắc lộ trình điều chỉnh mức lương tối thiểu cho phù hợp, bảo đảm có sự chia sẻ giữa doanh nghiệp và người lao động để có thể đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu cho người lao động vào năm 2016 hoặc 2017. Vậy phải chăng từ nay đến thời điểm ấy, đời sống người lao động vẫn không cải thiện chút nào? Câu trả lời là trong quá trình thực hiện, nếu điều kiện kinh tế xã hội, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thuận lợi thì điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng nhanh hơn lộ trình dự kiến.
Mới đây, Bộ LĐ, TB & XH vừa đề nghị Chính phủ giãn lộ trình, kéo dài thời gian điều chỉnh lương tối thiểu thêm từ ba đến bốn năm nữa.
Lý do được đưa ra là trong tình hình kinh tế khó khăn, nếu điều chỉnh đúng lộ trình thì mức tăng lương năm 2014-2015 sẽ rất lớn và doanh nghiệp khó mà chịu được. Vụ Tiền lương cũng đã tính toán và đưa ra hai phương án điều chỉnh lộ trình tăng lương vào hai thời điểm. Theo phương án 1, lương tối thiểu sẽ đảm bảo nhu cầu tối thiểu vào năm 2017 thì mức tăng bình quân chung trong các năm từ nay đến 2017 sẽ khoảng 16,5 – 20% mỗi năm. Còn nếu theo phương án chỉ kéo dài lộ trình điều chỉnh lương đến năm 2016, thì mức tăng bình quân chung cũng sẽ cao hơn, khoảng từ 18 đến 23%/năm.
Trong khi đó, nếu căn cứ vào Bộ luật Lao động mới, mức lương tối thiểu sẽ phải đảm bảo được nhu cầu sống tối thiểu vào năm 2013 và mức cụ thểở vào khoảng từ 2,6 đến 3,4 triệu đồng/tháng, tùy từng vùng.
Có vẻ như để trấn an, Bộ trưởng Bộ LĐ, TB & XH Phạm Thị Hải Chuyền cho biết bộ này đang xây dựng lộ trình, với tinh thần tích cực nhất, phấn đấu chậm nhất đến năm 2017, mức lương tối thiểu phải bảo đảm mức sống tối thiểu. Nhưng phương án 1 có khả thi hay không còn chịu sự chi phối bởi khả năng phát triển kinh tế của đất nước, nếu vẫn khó khăn như hiện nay thì mục tiêu này cũng không dễ thực hiện.
Ai cũng biết “lương tối thiểu” là câu chuyện dài. Giai đoạn 2008-2012, Chính phủ đã năm lần điều chỉnh mức lương tối thiểu chung với cán bộ, công chức và sáu lần điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng với các doanh nghiệp. Mặc dù vậy, lương tối thiểu của người lao động vẫn không đáp ứng được mức sống tối thiểu. Viện dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê, bà Phạm Thị Hải Chuyền cho biết mức lương tối thiểu hiện hành, dù đã qua nhiều lần điều chỉnh vẫn chỉ đáp ứng 60% mức sống tối thiểu của người lao động.
Tại hội thảo về “Mức sống tối thiểu và những vấn đề đặt ra đối với việc xác định lương tối thiểu và lương đủ sống cho người lao động” do Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức mới đây, ông Lê Xuân Thành, Phó vụ trưởng Vụ Lao động – Tiền lương (Bộ LĐ, TB & XH) thừa nhận lương tối thiểu hiện nay chỉ chi trả được 50% mức sống tối thiểu của người lao động ở khu vực hành chính – sự nghiệp và 70% ở khu vực sản xuất. Vấn đề đặt ra là giữa mức lương tối thiểu và mức sống tối thiểu hiện nay có một sự chênh lệch quá lớn và quan trọng hơn là chúng ta chưa xác định được thế nào là mức sống tối thiểu để làm cơ sở điều chỉnh lương tối thiểu phù hợp. Do vậy, như thực tế những năm qua, việc điều chỉnh lương chỉ dựa trên khả năng ngân sách chứ không dựa trên thực tiễn cuộc sống, giá cả thị trường, chi tiêu sinh hoạt tối thiểu của người dân.
Cũng tại hội thảo trên, các đại biểu băn khoăn lương tối thiểu của Việt Nam đã rơi xuống mức quá thấp nên có điều chỉnh, có tăng lên đến mấy vẫn không thể cân đối, theo kịp mức sống tối thiểu, nhất là trong bối cảnh giá cả hàng hóa, dịch vụ liên tục gia tăng. Đáng nói hơn, với nền lương quá thấp này, ước có gần 10 triệu người hiện đang tham gia bảo hiểm xã hội sẽ trở thành lớp người nghèo mới sau khi nghỉ hưu.
Bộ luật Lao động mới quy định tiền lương tối thiểu phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ. Mức lương tối thiểu được xác định theo tháng, ngày, giờ và được xác lập theo vùng, ngành. Căn cứ vào điều kiện sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, điều kiện kinh tế – xã hội và mức tiền lương trên thị trường lao động, Chính phủ công bố mức lương tối thiểu. Theo các chuyên gia, đưa quy định này vào Bộ luật Lao động là rất cần thiết trong bối cảnh hàng chục năm nay mức lương tối thiểu chỉ đáp ứng 60% mức sống tối thiểu. Để luật hóa, ông Đặng Quang Điều, Viện trưởng Viện Công nhân – Công đoàn (Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam), cho rằng cần quy định cụ thể, chi tiết về mức lương tối thiểu đáp ứng mức sống tối thiểu để làm cơ sở thỏa thuận lương giữa chủ sử dụng lao động và người lao động. Bên cạnh đó, phải có những khảo sát chính xác về thị trường lao động và mức sống tối thiểu để các quy định trong luật không còn là chiếc bánh vẽ như lâu nay.
Dù chưa thể áp ngay quy định lương tối thiểu đủ sống tối thiểu nhưng vẫn còn chút yên lòng là từ sau ngày 1-5, khi làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, ngoài những quy định đang hiện hành, người lao động được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày. Trong thời gian thử việc, mức lương do hai bên thỏa thuận nhưng ít nhất phải bằng 85% mức lương của công việc đó, cao hơn tiền lương thử việc cũ là 70%.
Ngọc Anh