Bản chất của cách mạng công nghiệp 4.0 là sản xuất thông minh nhờ vào tiến bộ của công nghệ số trong hai thế giới kết nối với nhau: thế giới các thực thể và thế giới các phiên bản số của các thực thể (thế giới số). Đây là thời điểm rất quan trọng để bàn về vấn đề nguồn nhân lực số.
Các công nghệ số sẽ tự động hóa nhiều việc làm trong hầu hết các ngành nghề. Dù cơ cấu các ngành nghề sẽ thay đổi, người lao động vẫn phải đảm bảo những kỹ năng thiết yếu như: Giải quyết vấn đề phức tạp; Tư duy phê phán (phản biện); Tính sáng tạo; Hợp tác với người khác; Trí tuệ cảm xúc;…
Để có thể thích nghi với sự thay đổi, những tri thức cơ bản về toán học và tin học là cần thiết cho mọi người, cho hầu hết mọi ngành nghề. Ở thời chuyển đổi số, với sự phổ biến của các công nghệ số trong những năm tới đây, hầu hết người lao động phải hiểu và quen biết với các con số, với dữ liệu, với sử dụng máy tính và các công cụ phân tích dữ liệu được tạo ra trên máy tính.
Tại các nước phát triển, những nhận thức sâu sắc và thay đổi lớn đã được thể hiện trong dự thảo chương trình giáo dục phổ thông. Toán học ở trường phổ thông được thiết kế để ai cũng có thể hiểu và dùng được, với 21% thời lượng học gắn với ứng dụng toán học, với 12% thời lượng học về hai môn xác suất và thống kê, học từ lớp 2 đến lớp 12, là môn học giúp hiểu và sử dụng được các con số và dữ liệu. Tin học từ một môn học phụ nay sắp trở thành môn học chính như Toán, Văn…
- Xem thêm: Làm sếp cũng phải học
Vài năm gần đây, để chuẩn bị các kỹ năng cho nguồn nhân lực số, chương trình STEM (cụm từ viết tắt của Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học) đã trở thành một chủ đề chính trong các cuộc thảo luận và kế hoạch của các nước đang phát triển cũng như các nước phát triển do tầm quan trọng của chương trình với bối cảnh cạnh tranh toàn cầu.
Giáo dục STEM về bản chất được hiểu là trang bị cho người học những kiến thức và kỹ năng cần thiết liên quan đến các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học. Những kiến thức và kỹ năng phải được tích hợp, lồng ghép và bổ trợ cho nhau giúp học sinh không chỉ hiểu biết về nguyên lý mà còn có thể áp dụng để thực hành và tạo ra được những sản phẩm trong cuộc sống hằng ngày.
Tuy nhiên, lại có một xu hướng cổ vũ cho chương trình giáo dục STEM đến mức cực đoan, là hạ thấp những ngành khoa học xã hội nhân văn. Theo nghiên cứu của scientificamerican.com, những sinh viên có khả năng thiết kế lịch học của mình kết hợp giữa các ngành STEM và nhân văn sẽ gặt hái nhiều thành tựu lớn trong tương lai.
Chính người sáng lập Facebook, Mark Zuckerberg là một học sinh xuất sắc trong môn tiếng Hy Lạp và tiếng Latin từ khi còn ở trường phổ thông bên cạnh việc học thêm ngôn ngữ lập trình. Vào năm 2013, Hiệp hội các trường cao đẳng và đại học Mỹ công bố kết quả khảo sát 318 nhà tuyển dụng có từ 25 nhân viên trở lên chỉ ra rằng hầu hết đều thấy năng lực suy nghĩ phê phán, diễn đạt rõ ràng, giải quyết những vấn đề phức tạp…; quan trọng hơn cả kiến thức chuyên môn của các ứng cử viên. Đây là mục tiêu giảng dạy của các ngành khoa học xã hội và nhân văn.
Những kỹ năng đó, cũng chính là những gì một người cần để kết hợp nghệ thuật thiết kế với các yếu tố kỹ thuật để tạo ra những chiếc xe ôtô, quần áo, điện thoại cao cấp nổi bật trước các đối thủ cạnh tranh. Đó cũng chính là những kỹ năng không bao giờ bị đe dọa bởi sự trỗi dậy của máy tính, của robot và những “công nghệ chiếm việc” khác.
Chương trình STEAM được xem là “cứu cánh” cho những khúc mắc này. STEAM là một mô hình ra đời tại Mỹ, có thể xem như là khởi đầu cho những bước tiến lớn và là tương lai của nền giáo dục. STEAM được tạo thành từ thuật ngữ “STEM”, kết hợp thêm yếu tố A “Art – Nghệ thuật”, nghĩa là đánh giá cao tầm quan trọng của chữ A (Art) trong việc thúc đẩy sự đổi mới và sáng tạo, sự tinh tế, thẩm mỹ cũng như tính nhân văn của những sản phẩm khoa học công nghệ.
- Xem thêm: Đi học, sếp sẽ được gì?
Năm 2013 Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020” với quan điểm chỉ đạo nêu rõ trách nhiệm học tập suốt đời của từng công dân, trách nhiệm cung ứng các cơ hội học tập và phát triển liên thông, gắn kết giữa giáo dục chính quy và thường xuyên; đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời ở ngoài nhà trường.
Việc thực hiện đề án có kết hợp với nhiều cơ quan, tổ chức trong đó có UNESCO. Trên tinh thần của tầm nhìn của đề án, nhu cầu của xã hội về giáo dục STEAM cũng như xây dựng nguồn lực cho phát triển kinh tế – xã hội, chương trình xúc tiến giáo dục STEAM đã có động lực rất lớn và nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ.