UBND TP.HCM đã ban hành Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc khu đô thị mới Thủ Thiêm (Q.2).
Quy chế này nhằm quản lý việc xây dựng, khai thác sử dụng công trình theo định hướng tổ chức không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị trong phạm vi ranh giới khu đô thị mới Thủ Thiêm phù hợp quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 khu đô thị mới Thủ Thiêm được duyệt; quy định trách nhiệm quản lý quy hoạch, kiến trúc của Ban Quản lý Đầu tư – Xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm; các sở, ngành, cơ quan chính quyền và các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Các thiết kế trong khu phải đảm bảo chức năng “Đô thị mới Thủ Thiêm là khu trung tâm mới, hiện đại và mở rộng của trung tâm thành phố, với các chức năng chính là trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ cao cấp của thành phố, khu vực và có vị trí quốc tế; là trung tâm văn hóa, nghỉ ngơi, giải trí; đảm nhiệm một số chức năng mà trung tâm thành phố hiện hữu còn thiếu và hạn chế phát triển”.
Việc quản lý phải theo nguyên tắc tập trung đầu tư xây dựng các khu vực chức năng đô thị hiện đại, đồng bộ về hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật đô thị; các công trình kiến trúc mới, hiện đại, có chất lượng thiết kế tốt và thân thiện, bền vững với môi trường; cảnh quan hài hòa với điều kiện tự nhiên từng khu vực, tạo lập được môi trường sống tốt và đặc trưng riêng của từng khu chức năng đô thị.
Quy chế này có hiệu lực thi hành từ ngày 25-3-2018.
Thủ Thiêm sẽ là trung tâm thương mại mới của TP.HCM
Theo đơn vị tư vấn JLL Việt Nam, khu đô thị mới Thủ Thiêm của quận 2 sẽ là trung tâm thương mại mới của TP.HCM trong tương lai.
Thủ Thiêm nằm đối diện với khu trung tâm kinh tế hành chính hiện tại qua bờ bên kia sông Sài Gòn. Quy mô toàn khu bao gồm 176 lô đất, Thủ Thiêm sẽ là nơi sinh sống và làm việc của 145.000 cư dân và 217.000 nhân viên.
Khu trung tâm tài chính mới sẽ là nơi có nhiều trụ sở chính của các tập đoàn kinh tế và sẽ trở thành một điểm đến sôi động kết hợp các khu nhà ở, văn phòng, trung tâm mua sắm, khách sạn và căn hộ dịch vụ.
JLL cho rằng theo kinh nghiệm rút ra từ các thị trường tương tự như Cửu Long ở Hongkog, Phố Đông ở Trung Quốc và thành phố Bonifacio Global ở Philippines, những người đến sớm và sử dụng được diện tích lớn dọc bờ sông sẽ được hưởng các lợi thế đầu tiên về cơ hội, vị trí và tầm nhìn.
“Tuy nhiên, chúng tôi tin chắc rằng những bước đi đầu tiên trong hầu hết các dự án phát triển có quy mô lớn thường mất khá nhiều thời gian. Chỉ khi những dấu ấn phát triển đầu tiên được hoàn thành, dự án mới thực sự thu hút được sự quan tâm của thị trường”, bà Trang Bùi, Giám đốc Thị trường Việt Nam tại JLL cho biết.
“Với 35% cơ sở hạ tầng chính đã hoàn thành, chúng tôi hoàn toàn tin tưởng “đường chân trời Thủ Thiêm” sẽ là giải pháp cho những thách thức hiện tại”, vị này cho biết thêm.
Theo JLL, khu trung tâm hành chính kinh tế hiện hữu của thành phố hiện đang thiếu hụt nguồn cung cấp văn phòng hạng A, chính điều này đã góp phần làm tăng giá thuê.
Khi cơ sở hạ tầng của Thủ Thiêm được cải thiện, JLL dự kiến các công ty lớn sẽ bắt đầu xem Thủ Thiêm như là một giải pháp khả thi để đặt trụ sở thay cho khu trung tâm hành chính kinh tế hiện hữu, khu quận 1.