Cứ 10 người thì có 1 người bị đau lưng. Việc cách ly, làm việc trực tuyến tại nhà sẽ không mang lại lợi ích gì trong việc điều trị đau lưng vì nó hạn chế vận động. Muốn giảm đau lưng, cần phải di chuyển, vận động! Nhưng hãy cẩn thận: không phải vận động một cách tùy tiện. Các nghiên cứu khoa học quan tâm đến một số thực hành như yoga…
“Phương pháp điều trị đau lưng đúng đắn nhất là vận động”. Đó là khẩu hiệu được ngành Bảo hiểm Y tế nhấn mạnh trong chiến dịch quốc gia khuyến khích những bệnh nhân đau thắt lưng tham gia hoạt động thể chất.
Mục đích của chiến dịch này là chống lại quan niệm sai lầm rằng nằm xuống là cách tốt nhất để làm giảm chứng đau lưng hay thậm chí biến mất. Vận động nhiều hơn chắc chắn là có lợi, nhưng có đơn giản như vậy không?
Đau lưng liên quan đến 1/10 người. Cơn đau dai dẳng ở các đốt sống thắt lưng, nằm trên xương cụt (coccyx) một chút, được gọi là đau thắt lưng lành tính. Nó hạn chế một số động tác, gia tăng lối sống tĩnh tại, ít vận động, làm phát sinh các suy nghĩ tiêu cực lặp đi lặp lại, ức chế cảm xúc và phải tạm nghỉ làm việc, như nghiên cứu đã ghi nhận.
Một số người cảm thấy quẫn trí và khoảng 60% người bị đau lưng cảm thấy không thể phục hồi. Họ tăng cường các phương pháp điều trị và chăm sóc mà không mang lại hiệu quả lâu dài. Các khoản chi phí mà nganh Bảo hiểm phải bỏ ra tăng vọt. Một nghiên cứu của Pháp trên một nhóm người được theo dõi trong điều trị y khoa cho thấy thời gian trị đau thắt lưng trên một năm nơi 81% bệnh nhân, với tổng chi phí cho mỗi bệnh nhân trong 6 tháng là 715 euro vào năm 2007.
Chí phí bệnh nhân phải tự chi trả cũng tăng, vì Bảo hiểm chỉ thanh toán từ 35 đến 70% chi phí y tế, tùy trường hợp.
Vận động là cần thiết
Để chữa trị đau lưng, vận động là cần thiết như chiến dịch đã nhấn mạnh. Đi cầu thang bộ thay vì thang máy, xuống tàu điện một trạm trước khi tới nơi để đi bộ một đoạn, sử dụng xe đạp để đi lại mỗi khi có thể, bơi lội… là một cách khởi đầu tốt đẹp. Những nỗ lực thể chất này có thể làm bạn mỏi mệt, nhưng sẽ mang đến cho bạn nhiều lợi ích, hiệu quả hơn nhiều so với việc nghỉ ngơi để khắc phục đau lưng.
Nghỉ ngơi là một phản xạ xấu, không có lợi. Nghĩ đến việc chữa trị đau lưng bằng cách nằm nghỉ sẽ làm cho bệnh trầm trọng hơn. Càng ít vận động càng làm cho bệnh nhân dễ tổn thương hơn đối với nhiều vấn đề về sức khỏe khác. Đau lưng sẽ trở nên phức tạp hơn và trở thành mãn tính. Quá trình này được gọi là vòng lẩn quẩn tiêu cực.
Mặt khác, mối nguy sẽ càng đi xa hơn và nhanh hơn. Uống thuốc để giảm đau, che giấu cơn đau, luyện tập thể chất quá sức hay làm cho bằng được có thể giúp quên đi đau đớn, nhưng không giải quyết được gì.
- Xem thêm: Chủ động tránh đau lưng
Vận động nhiều hơn, nhưng không phải vận động một cách tùy tiện
Vận động nhiều hơn, nhưng không được tùy tiện. Các nghiên cứu đã tìm hiểu ngày càng sâu trong lãnh vực này, nhất là các biện can thiệp không dùng thuốc ( Interventions Non Médicamenteuses-INM). Ủy ban Quốc gia về Sức khỏe và Nghiên cứu Y khoa (Institut National de la Santé et de la Recherche Médicale-Inserm) cũng như Học viện Y khoa (Académie de Médicine) rất quan tâm đến vấn đề này.
Các biện pháp can thiêp không dùng thuốc đặc thù trong điều trị đau lưng sẽ đặt trọng tâm vào các khía cạnh cơ bắp như tăng cường các cơ ở nhiều tư thế khác nhau (muscle posturaux); thần kinh cơ như tính linh hoạt, sự mềm dẻo; thần kinh như kiểm soát cơn đau, điều hòa căng thẳng; kết hợp lao động và môi trường…
Cách trị liệu bệnh đau lưng không dùng thuốc huy động các chuyên gia đã qua đào tạo, chuyên gia xoa bóp vật lý trị liệu, bác sĩ nắn xương, bác sĩ châm cứu, giáo viên về hoạt động thể chất thích ứng, các nhà tâm lý học hay chuyên gia trong lãnh vực giáo dục trị liệu.
Những người này sẽ xác định liều lượng, cường độ và tần suất của các biện pháp trị liệu không dùng thuốc cho từng bệnh nhân. Đây là yếu tố rất cần thiết để đạt kết quả mong muốn.
Các biện pháp trị liệu không dùng thuốc là chủ đề của nhiều nghiên cứu lâm sàng nhằm đánh giá hiệu quả của chúng trong điều trị và ngăn ngừa chứng đau thắt lưng. Những biện pháp điều trị này bao gồm: Pilates (hệ thống những bài tập thể dục để tăng cường sức khỏe), yoga, thái cực quyền, các chương trình hoạt động thể chất thích ứng, nắn xương, nắn khớp xương, châm cứu, chữa trị bằng nước khoáng nóng, phương pháp Mckenzie, và cuối cùng là giáo dục trị liệu cho bệnh nhân.
Chương trình nắn xương dành riêng cho người bị đau lưng
Một số nghiên cứu đặc biệt thú vị. Ví dụ, một thử nghiệm lâm sàng do một nhóm bác sĩ và nhà nghiên cứu người Anh Nefyn Howard Williams thực hiện đã đánh giá lợi ích của phương pháp nắn xương ở những người bị đau cột sống cấp tính và bán cấp tính, tức đau ở cường độ nhẹ hơn.
Thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên trên 201 người từ 16 đến 65 tuổi. Những người này đã hỏi ý kiến bác sĩ gia đình của họ về cơn đau ở cổ và ở lưng xuất hiện từ 2 đến 12 tuần trước đó.
So sánh giữa nhóm chỉ được chăm sóc thông thường và nhóm nhận được từ 3 đến 4 buổi nắn xương do các bác sĩ được đào tạo thực hiện tại 3 thời điểm: trước khi bắt đầu biện pháp điều trị không dùng thuốc, 2 tháng sau và 6 tháng sau. Các đánh giá ghi nhận liên quan đến tình trạng đau cột sống, chất lượng cuộc sống, các khía cạnh cảm giác và cảm xúc của cơn đau và mối quan hệ giữa chi phí và hiệu quả của sự chăm sóc dành cho bệnh nhân.
Các buổi điều trị nắn xương cách nhau 1 đến 2 tuần trong thời gian tối đa là 2 tháng. Chương trình bao gồm các kỹ thuật thủ công và lời khuyên về hoạt động thể chất thường xuyên. Kết quả cho thấy: sau 2 tháng điều trị nắn xương, mức độ đau cột sống giảm xuống và chất lượng cuộc sống được cải thiện đáng kể so với nhóm đối chứng.
Sau 6 tháng, chất lượng cuộc sống vẫn vượt trội so với nhóm đối chứng. Ngược lại, mức độ đau không còn khác biệt giữa 2 nhóm. Chi phí chăm sóc sức khỏe đặc thù cho chứng đau cột sống cao hơn đáng kể so với nhóm được điều trị bằng phương pháp nắn xương.
Liệu pháp tâm lý trị liệu thích ứng với chứng đau thắt lưng
Một nghiên cứu khác, lần này với phương pháp tâm lý trị liệu. Thử nghiệm của nhà nghiên cứu Thụy Điển Steven Linton, công bố năm 2015, đánh giá hiệu quả của cách điều trị thực hiện trên những người lao động và người sử dụng lao động nhằm ngăn ngừa tàn tật do đau lưng gây ra. Điều trị này được so sánh với việc chăm sóc đau lưng theo cách thông thường.
140 người từ 27 đến 65 tuổi đã tham gia cuộc thử nghiệm và được thực hiện tại một viện dưỡng lạo tại Thụy Điển. Họ bị đau thắt lưng và có nguy cơ cao dẫn đến mắc chứng rối loạn cơ xương mãn tính. Các nhà nghiên cứu đã tính cho mỗi người số ngày nghỉ làm liên quan đến rối loạn cơ xương, nhu cầu chăm sóc, tình trạng nhận thức và cường độ của các cơn đau. Các dữ liệu được ghi nhận trước và sau thử nghiệm, và sau đó 6 tháng.
Ngoài ra, những người trong nhóm thử nghiệm còn được can thiệp tâm lý ngắn gọn dựa trên các nguyên tắc của liệu pháp hành vi nhận thức. Họ đã tham gia 3 buổi trị liệu trực tiếp đối mặt với một nhà tâm lý học lâm sàng. Mỗi buổi điều trị kéo dài từ 60 đến 90 phút.
Mục tiêu chính của thử nghiệm là nâng cao năng lực của người lao động, tự quản lý bản thân hàng ngày, và đặc biệt là tại nơi làm việc, những khó khăn liên quan đến trải nghiệm đau đớn.
Nghiên cứu ghi nhận số ngày nghỉ làm việc giảm trung bình một nửa sau 6 tháng điều trị. Về mặt thống kê, sự khác biệt là đáng kể so với nhóm đối chứng. Các nhà nghiên cứu cũng thấy sự cải thiện về nhận thức và sự chăm sóc đối với nhóm tham gia thử nghiệm cũng giảm đi. Cường độ của cơn đau cảm nhận được đều giảm ngang bằng nhau giữa 2 nhóm.
Yoga, một phương pháp không dùng thuốc
Yoga cũng là một phần của các biện pháp trị liệu không dùng thuốc chống lại chứng đau lưng. Một bảng phân tích tổng hợp công bố vào tháng 1 năm 2017 đánh giá lại tổng thể các nghiên cứu khoa học về sử dụng yoga trong điều trị đau lưng và chỉ ra những lợi ích. Các chương trình yoga này bao gồm các bài tập thể chất, các bài tập thở, kỹ thuật thư giãn và thiền định, đồng thời thúc đẩy chánh niệm và củng cố mối liên kết giữa cơ thể và tâm trí.
Trong điều trị đau lưng, vai trò của bác sĩ đa khoa và/hay chuyên gia là xác định nguồn gốc của cơn đau, mức độ nghiêm trọng và diễn tiến của nó.
Vì vậy, phương pháp trị liệu không dùng thuốc có thể được áp dụng phù hợp trong chữa trị chứng đau lưng của bệnh nhân, thậm chí có thể đề xuất nhiều phương pháp khác nhau. Cách chữa trị này có thể đi kèm với thuốc giảm đau. Lựa chọn này được thực hiện trên cơ sở cân bằng tốt nhất giữa lợi ích và nguy cơ, dựa trên dữ liệu của khoa học, kinh nghiệm của bác sĩ, sở thích của bệnh nhân và tính khả thi của cách chữa trị.
Các bác sĩ đa khoa và bác sĩ chuyên khoa ngày càng hiểu biết nhiều hơn về cách điều trị không dùng thuốc và mạng lưới y tế địa phương ứng dụng nó. Muốn chống đau lưng, bạn phải vận động nhiều hơn, nhưng trên hết là vận động đúng cách hơn.
- Xem thêm: Những tư thế yoga giúp giảm đau lưng