Nếu xuất hiện triệu chứng đau lưng, xin đừng xem thường! Trị liệu kịp thời và hữu hiệu sẽ giúp ta tránh được những tổn thương cột sống.
Cột sống là nơi chịu toàn bộ sức nặng của cơ thể, giúp chúng ta di chuyển, gập, duỗi và ngồi. Vì vậy, bất cứ tổn thương nào trên lưng (cơ, xương, dây chằng quanh cột sống) sẽ gây đau đớn và cử động khó khăn, thậm chí khiến cơ thể bất động nếu bị tổn thương nặng.
Chúng ta thường bị đau lưng khi bắt cơ quanh cột sống chịu một sức nặng quá mức hay khi có những tư thế sai (ngồi làm việc trong tư thế khom lưng một thời gian dài, xách vật quá nặng lên một cách đột ngột, nằm ngủ cong người, xoay người đột ngột để với một vật quá tầm tay) hay bị căng cơ cột sống (căng thẳng tinh thần, đi lại vội vàng…).
Đi giày có gót quá cao cũng dễ tạo áp lực lên cơ lưng và gây đau. Các tổn thương thường xảy ra trên đĩa đệm (thoát vị), trên mặt các khớp đốt sống (thoái hóa), viêm khớp (viêm khớp dạng thấp, viêm cứng cột sống…), thần kinh tọa (chèn ép thần kinh tọa), chấn thương cột sống hay loãng xương (xương yếu đi và dễ bị đè nén).
Các triệu chứng thường gặp là đau vùng thắt lưng, đau tăng lên khi cử động, đôi khi lan xuống mông, đùi, hai chân hoặc kèm theo cảm giác tê chân (đau thần kinh tọa).
Ngoài ra, các cử động gập, duỗi đều bị giới hạn, vùng lưng bị cứng, khó xoay trở (căng cơ) và nếu đau quá nhiều có thể làm cho lưng bị vẹo sang một bên.
Ngoài các nguyên nhân tại cột sống, chúng ta cũng có thể bị đau lưng do một số bệnh lý ở thận (sỏi, nhiễm trùng, chấn thương), tử cung (u xơ, lạc nội mạc tử cung), buồng trứng (u nang) hay một số khối u (u cột sống, tủy sống) di căn từ vị trí phát ung thư đến cơ quan khác. Đối với các trường hợp này, phải điều trị theo đúng nguyên nhân thì mới hết đau lưng.
- Xem thêm: 7 nguyên nhân gây đau lưng không ngờ tới
Nếu đột nhiên thấy đau lưng (đau lưng cấp tính) thì điều quan trọng đầu tiên là tránh làm nặng thêm các triệu chứng sẵn có (tránh động tác gập người), phải nghỉ ngơi, đắp khăn lạnh hay nóng lên vùng đau để giúp làm giãn cơ, nghe nhạc nhẹ.
Không nên massage vùng đau khi chưa loại được nguyên nhân căng cơ (càng massage thì cơ càng căng và càng đau). Có thể uống thuốc giảm đau như Paracetamol, nằm ngủ trên ván hay nệm cứng.
Các biện pháp trên thường giúp giảm bớt đau lưng, nhưng cần đến gặp bác sĩ nếu xuất hiện một trong những triệu chứng sau:
- Đi tiểu khó khăn hay tiểu ra máu.
- Đi tiểu hay đi cầu khó kiểm soát.
- Tê hay yếu hai chân.
- Đứng không vững.
- Đi lại còn khó khăn.
- Thức dậy ban đêm vì đau.
- Sốt, lạnh run.
- Các triệu chứng khác kéo dài hơn một tuần.
Bác sĩ sẽ hỏi kỹ về tình huống gây đau lưng, các triệu chứng đã kéo dài bao lâu và khám lâm sàng kỹ càng, cho làm các xét nghiệm cận lâm sàng, điện cơ, chụp phim X quang cột sống và nếu cần thì chụp MRI cột sống.
- Xem thêm: Những tư thế yoga giúp giảm đau lưng
Trong hoạt động thường ngày, nếu chú ý giữ các tư thế đúng thì chúng ta có thể giảm được nguy cơ bị đau lưng. Xin đơn cử:
- Khi cần lấy một vật ở dưới đất, không nên cúi gập người xuống, mà phải ngồi xuống từ từ, giữ thẳng lưng để nhặt vật đó lên.
- Khi muốn di chuyển một vật nặng, tốt nhất là ôm vật ấy bằng hai tay, ôm sát người, vừa ôm vừa đi.
- Khi ngồi, hãy gối sát mông vào lưng ghế. Nên kê gối sau lưng khi ngồi ghế sofa để giữ thẳng lưng. Không ngồi khom lưng vì ngồi trong tư thế đó trong một thời gian dài, cột sống có thể phải chịu một sức nặng gần 300kg.
- Đừng dùng ghế quá thấp.
- Đừng bao giờ quay lưng một cách đột ngột.
- Nên để màn hình ngang tầm mắt khi ngồi làm việc với máy tính.
Đau lưng là một triệu chứng thường gặp nhưng có thể chủ động phòng tránh. Đau lưng thường có thể được khống chế bằng chế độ tập luyện kết hợp dùng thuốc giảm đau, thuốc giãn cơ.
Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp đau lưng rất khó điều trị, gây nhiều khó khăn cho cả bệnh nhân và bác sĩ nên tốt nhất là từ sau 30 tuổi cần thận trọng trong khi làm các việc nặng để phòng ngừa đau lưng.