Triển lãm chuyên đề “Chủ quyền biển đảo của Việt Nam” đang diễn ra tại Nhà triển lãm 29 Hàng Bài, Hà Nội được coi như thông điệp của giới mỹ thuật trước tình hình nóng bỏng tại Biển Đông kể từ khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Năm mươi họa sĩ, nhà điêu khắc, trong đó có nhiều gương mặt nổi tiếng như Thành Chương, Phạm Luận, Lê Trí Dũng, Đặng Xuân Hòa, Đinh Quân, Đào Hải Phong, Hoàng Phượng Vỹ, Trần Hậu Yên Thế… cùng các nghệ sĩ – giảng viên của Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Đặc biệt, trong số các tác giả tham gia triển lãm có nhiều người vừa từ Trường Sa trở về. Tất cả đã cùng có mặt trong một triển lãm được tổ chức khá bất ngờ, bởi đã không có đợt vận động sáng tác về đề tài này của hội chuyên ngành mà chỉ từ lời kêu gọi từ Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm “cùng chia sẻ trách nhiệm nghệ sĩ cũng như ý thức công dân của mình” như lời Cục trưởng Vi Kiến Thành.
Triển lãm trưng bày 55 tác phẩm được các họa sĩ, nhà điêu khắc sáng tác trong vòng một tháng trở lại đây với nhiều cách bày tỏ về tình yêu Tổ quốc trước sự xâm phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam và thái độ ngang ngược, bất chấp dư luận quốc tế của Trung Quốc. Có những tác phẩm thể hiện cái nhìn trực diện của tác giả vào chủ đề hay vẫn còn nóng hổi hình ảnh những người lính và ngư dân đang can trường gìn giữ biển đảo quê nhà, có thể kể: Bóng ma trên biển của Đặng Xuân Hòa, Bảo vệ biển đảo Việt Nam của Lê Trọng Lân, Cá lớn của Đinh Quân, Lũy thép của Đoàn Thu Hương, Chiến lũy Biển Đông của Vũ Đình Tuấn, Đảo thép tiền tiêu của Nguyễn Xuân Thành, Ngư dân vượt sóng bám biển quyết giữ biển đảo quê hương của Nguyễn Văn Thủy… Và ở một góc nhìn khác là những tác phẩm thể hiện cuộc sống ngày thường cũng như sự yên bình trên biển đảo, nhưước mơ ngàn đời của ngư dân Việt Nam. Đào Hải Phong là một trong các họa sĩ có cách nhìn như thế: Đêm nơi biển đảo của anh đầy tình cảm bình yên, ấm áp. “Tôi muốn gửi thông điệp rằng, bất cứ hải đảo nào ở Việt Nam rộng ra là khắp thế giới đều phải có sự sống cho dù không hẳn là chúng ta phải nhìn thấy người ở đó. Tôi vẽ biển về đêm vì ban đêm là khi con người sâu lắng nhất, bình yên nhất và người ta sống thật nhất…” – Đào Hải Phong chia sẻ. Họa sĩ Thành Chương góp mặt với hai bức tranh sơn mài vẫn còn ướt nước sơn. Nếu bức Nơi nước sạch biển xanh là hình ảnh biển thật bình yên thì tác phẩm Biển Đông của ông đi thẳng vào thời sự bằng phong cách trừu tượng.
Còn các họa sĩ và nhà điêu khắc như Lê Thiết Cương, Phạm Bình Chương, Lê Vân Hải, Vương Trọng Đức, Hoàng Mai Thiệp, Ngô Tuấn Phong, Lê Trần Anh Tuấn, Nguyễn Văn Thủy…, mỗi người bằng tác phẩm của mình đã góp sức làm nên một phòng triển lãm khá đầy đặn và ý nghĩa, đa dạng về phong cách, kỹ thuật và chất liệu tạo hình. Đào Hải Phong – người rất ít khi tham gia các cuộc triển lãm tranh có tính chất phong trào – chia sẻ: “Triển lãm này quy tụ nhiều họa sĩ tài danh. Họ đến với triển lãm rất hào hứng, nhưng giá như triển lãm được tổ chức như một cuộc đấu giá thì tôi tin rằng những người có trách nhiệm với xã hội, những người khá giả cũng có cơ hội được tương tác với nghệ sĩ, cùng tham gia vào sự kiện có ý nghĩa này thì triển lãm sẽ tốt hơn nữa. Trước tình hình biển đảo nóng bỏng như hiện nay, tôi tin rằng mỗi một người, ở vị trí của mình, sẽ có những cách biểu đạt, tham gia khác nhau”.
Họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cho biết, sắp tới, giới mỹ thuật sẽ có thêm hai cuộc triển lãm nữa về chủ quyền biển đảo dành cho các họa sĩ vẽ tranh cổ động và tranh châm biếm.
- Trương Hoàng