Tuần qua, Nga đã đưa ra nhóm giải pháp mới tại Liên Hiệp Quốc về vấn đề Ukraina, trong một nỗ lực nhằm hối thúc Hội đồng Bảo an vốn đang trong tình trạng chia rẽ sâu sắc phải nhanh chóng xử trí các vấn đề nhân đạo ngày càng tồi tệ cũng như căng thẳng leo thang tại khu vực phía đông quốc gia này, nơi chính phủ và lực lượng nổi dậy đang ngày đêm giao tranh. Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc Vitaly Churkin cho biết bản dự thảo mới bao gồm hai phần từng được Moscow đề ra trước đây nhằm kêu gọi cứu trợ nhân đạo, ngưng bắn và một cuộc đối thoại cấp quốc gia tại Ukraina. Ngoài ra, còn có nhiều vấn đề được cân nhắc bởi các thành viên Hội đồng Bảo an khác như hội nghị về tình trạng nợ công, độc lập quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ cho Ukraina. Tại vị trí chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an trong tháng 6 này, Nga ra sức tạo nên bước ngoặt quan trọng nhằm cố gắng giành được nhiều hơn sự ủng hộ của quốc tế và để đạt được sự thỏa thuận của các nước thành viên trong Hội đồng Bảo an.
Ông Vitaly Churkin (giữa)
Tuy nhiên, Nga có thể phải đối mặt với những chỉ trích và phản đối của thế giới bởi việc sáp nhập Crimea tháng 3 vừa qua và các hoạt động hỗ trợ lực lượng nổi dậy chống chính phủ tại miền Đông Ukraina. Đối với sự chia rẽ nội bộ tại Hội đồng Bảo an, ông Churkin cho hay Nga vô cùng thất vọng trước việc Liên Hiệp Quốc không ủng hộ việc công bố tin về cuộc tấn công vào Đại sứ quán Nga tại thủ đô Kiev mới đây. Theo quy tắc, một bản tin chính thức của Liên Hiệp Quốc phải được sựủng hộ của tất cả 15 thành viên trong Hội đồng Bảo an, nhưng Lithuania là quốc gia duy nhất bỏ phiếu phản đối. Đại sứ của Lithuania tại Liên Hiệp Quốc, bà Raimonda Murmokaite, trả lời thông tấn xã AP rằng tất cả các nước đều ủng hộ việc đưa tin đại sứ quán bị tấn công nhưng cũng muốn có lời thông báo chính thức song song về việc máy bay quân sự của chính phủ Ukraina bị quân nổi dậy ủng hộ Nga bắn hạ khiến toàn bộ 49 binh sĩ thương vong, theo đó, vì Nga không thể chấp nhận điều kiện ấy nên họ đã chủ động hủy bỏ lời yêu cầu Liên Hiệp Quốc đưa tin chính thức. Theo Murmokaite, chính phủ của bà sẽ xem xét nhóm giải pháp mới và đặc biệt quan tâm đến vấn đề chính yếu là toàn vẹn lãnh thổ cho khu vực Crimea. Bà Murmokaite còn khẳng định Lithuania tuyệt đối không thể đặt ngang hàng một nhà nước hợp pháp với một quân đội bất hợp pháp chỉ vì họ được trang bị vũ khí tối tân hơn Ukraina và đang tấn công vào lãnh thổ Ukraina và chống lại chính phủ Kiev.
Trước khi bản dự thảo mới của Moscow được lưu hành, Hội đồng Bảo an cũng vừa nhận được một bản tóm lược mới về tình hình nhân đạo tại Ukraina. Đến nay, đã có khoảng 34.000 người Ukraina phải rời khỏi nhà họ, bao gồm 10.000 từ khu vực Crimea, 4.600 người đã nộp đơn xin tị nạn tại Nga. Nếu không có bất kỳ một cuộc dàn xếp chính trị nào, theo Liên Hiệp Quốc, khả năng xảy ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo tại đây là rất lớn.
Trong một diễn tiến khác, Tổng thống Ukraina Poroshenko ngày 20-6 đã công bố lệnh ngừng bắn một tuần. Theo lệnh ngừng bắn, các lực lượng tham gia chiến dịch chống khủng bốở Đông Nam Ukraina sẽ ngừng các hoạt động quân sự từ 23g ngày 20-6 đến 11g ngày 27-6 nhằm tạo điều kiện cho những người phản đối chính quyền Ukraina có thể hạ vũ khí. Quân đội Ukraina sẽ chỉ đáp trả trong trường hợp binh sĩ bị tấn công trước. Tổng thống Poroshenko khẳng định Ukraine sẽ làm tất cả để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia là không thể thương lượng.
Sau khi lệnh ngừng bắn của Tổng thống Poroshenko có hiệu lực, thủ lĩnh lực lượng ủng hộ liên bang hóa ở Đông Nam Ukraina đã bác bỏ những điều kiện trong kế hoạch hòa bình của Tổng thống Poroshenko, đồng thời khẳng định sẽ không hạ vũ khí cho tới khi chính phủ Ukraina rút các lực lượng của họ.
Lâm Kiên theo AP