Trong hai ngày 9 và 10 vừa qua, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh, các tỉnh Bắc bộ và Bắc Trung bộ có mưa to, lũ sông lên cao khiến hàng loạt đê điều, ở Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình nước tràn gây ngập lụt. Các tỉnh miền núi như Yên Bái, Sơn La, Hòa Bình bị lũ quét, sạt lở đất. Tính đến ngày 15-10, theo thống kê chưa đầy đủ đã có 59 người chết, 39 người mất tích, con số này có thể tăng thêm trong vài ngày tới bởi nhiều khu vực đang bị mưa lũ chia cắt, chưa thể cập nhật thiệt hại về nhân mạng và tài sản của đợt thiên tai nghiêm trọng nhất trong năm 2017 này.
Ở nước ta năm nào cũng có bão lụt, chúng ta đã có kinh nghiệm phòng chống thiên tai nhưng từ góc độ quản lý thì số người thiệt mạng quá lớn vì lũ lụt như đã biết khiến phải xem lại vấn đề quy hoạch như thế nào khi mà vẫn còn nhiều cụm dân cư phát triển trong không gian tuyến thoát lũ nhưng đến nay vẫn chưa khắc phục được để có thể hạn chế tối đa thiệt hại.
Nước ta có bốn vùng thường xuyên bị lũ lụt:
Một là đồng bằng và trung du Bắc bộ chịu tác động chủ yếu của lũ, úng, nước biển dâng cao. Vùng này được bảo vệ bởi hệ thống đê sông, đê biển, hồ chứa, công trình phân lũ.
Hai là Đồng bằng sông Cửu Long hằng năm lũ kéo dài nhiều tháng trên diện rộng, nhưng với phương châm “sống chung với lũ” một cách tích cực, đã chủ động thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ trong đó có việc quy hoạch dân cư để dần dần chế ngự mặt thiệt hại, thậm chí phát huy mặt thuận lợi của mùa nước nổi khi lũ lụt tràn về.
Thứ ba là miền Trung “trời hành cơn lụt mỗi năm” tiếp sau các cơn bão, áp thấp nhiệt đới trên diện rộng. Lũ miền này lên nhanh và xuống cũng nhanh nhưng mức độ tàn phá rất ác liệt mà thiệt hại lớn nhất là ở vùng trũng thấp thoát lũ kém.
Thứ tư là vùng cao bao gồm các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên thường chịu tác động của lũ quét và lũ lớn trên các sông chính, các thị trấn, thị xã gây thiệt hại nặng nề cho các khu dân cư mà vấn đề quy hoạch chưa được tuân thủ chặt chẽ.
Với độ cao và địa hình khác nhau trên một dải đất quá dài lại thêm đặc tính cư dân từng vùng khác nhau, rõ ràng công tác quy hoạch dân cư lâu nay đã được nghiên cứu rất kỹ và có nhiều giải pháp khác nhau.
Chẳng hạn như Đồng bằng sông Cửu Long địa hình thấp so với mực nước biển lại có hệ thống sông rạch chằng chịt nên quy hoạch vùng này không xây dựng trung tâm đô thị và khu dân cư sát bờ sông để tránh sạt lở, nhà cửa xây nhằm tiết kiệm đất và bảo vệ chống lũ.
Hay như các đô thị vùng Trung bộ với địa hình chia cắt, sông suối ngắn, việc hạn chế thiệt hại do lũ lụt dựa vào hệ thống đê sông và đập dẫn nước để các thị trấn chỉ ngập cục bộ nhất là nơi nào hệ thống thoát nước được xây dựng hoàn chỉnh. Một số nơi chọn giải pháp xây dựng hồ đầu nguồn.
Các nhà quy hoạch cho rằng, đối với các thành phố, thích ứng với lũ được hiểu là khả năng chịu đựng với thiên tai để bảo toàn, không bị tàn phá và khả năng tổ chức mọi hoạt động khi ngập lụt đang diễn ra. Điều này cần thiết có các biện pháp phù hợp với chế độ lũ chứ không phải ngăn chặn lũ như nhiều người lâu nay vẫn nghĩ mà cụ thể là biện pháp xây đê chống lũ. Suy nghĩ của nhà môi trường cũng tương tự khi cho rằng nếu chỉ dựa vào các cơ sở hạ tầng kiểm soát lũ để giảm nguy cơ thiệt hại thì các thành phố càng dễ bị tổn thương hơn.
- Hoàng Hà