Ở Việt Nam, việc duy trì chính sách neo tỷ giá trong hàng thập niên qua đã giúp ổn định tỷ giá giữa đồng Việt Nam và đồng USD. Tuy nhiên ngoại thương của Việt Nam ngày càng mở rộng ra với các ngoại tệ khác, những ngoại tệ này ngày càng “nhảy múa” mạnh hơn quanh đồng USD. Những điệu nhảy này liệu có ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp?
Mới đây, trong buổi giao lưu với các doanh nghiệp tại trung tâm Nest by AIA, ông Huỳnh Bửu Sơn, chuyên gia cao cấp về tài chính ngân hàng đã trao đổi với các doanh nghiệp về chủ đề này.
Cơ chế neo tỷ giá với USD
Trong chế độ neo tỷ giá, giá trị của đồng bạc Việt Nam sẽ được “buộc” cố định vào đồng USD, nên luôn biến động cùng nhau. Đối với một nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu như Việt Nam, chế độ neo tỷ giá giúp đảm bảo cho hoạt động giao thương dựa trên đồng USD không phải lo về việc tỷ giá lên hay xuống.
Hiện nay, hầu hết các hợp đồng xuất nhập khẩu được thanh toán bằng đồng USD với nhiều quốc gia trên thế giới. Nên việc neo tỷ giá USD/VNĐ đã hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu giảm được rủi ro tỷ giá.
Về việc neo tỷ giá ở mức nào cũng là điều cần phải xem xét hai mặt. Nếu giữ tỷ giá ở mức thấp (đồng nội tệ có giá trị cao) thì doanh nghiệp xuất khẩu bị thiệt hại. Trong khi đó, các doanh nghiệp nhập khẩu được lợi, và tạo điều kiện thuận lợi cho hàng ngoại xâm nhập thị trường Việt Nam.
Tuy nhiên, nếu giữ tỷ giá ở mức cao (đồng nội tệ có giá trị thấp), thì gánh nặng trả nợ cho các khoản nợ phải trả bằng USD cũng sẽ cao lên. Những doanh nghiệp vay ngoại tệ sẽ phải chi nhiều tiền đồng hơn để mua USD trả nợ. Đối với quốc gia cũng vậy.
Trong cuộc trao đổi, ông Nguyễn Hoàng Dũng, Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển của Viện Kinh tế và Quản lý TP. Hồ Chí Minh, có ý kiến là nếu không neo tỷ giá thì nhiều người sẽ xem ngoại tệ là một loại hàng hóa đặc biệt, có xu hướng “găm giữ”, chờ tỷ giá lên xuống hưởng chênh lệch. Tình trạng găm giữ ngoại tệ có thể tạo ra xu hướng đôla hóa trở lại. Có lẽ chúng ta nên cần có sự cân đối lại, số ngoại tệ dư ra các doanh nghiệp phải bán lại cho các NHTM (một phần hoặc toàn bộ) để tránh tình trạng nắm giữ làm căng thẳng tình hình tỷ giá.
Tình trạng các ngoại tệ nhảy múa quanh USD
Nhờ nỗ lực kìm giữ, tỷ giá VND/USD tại Việt Nam trong nhiều tháng qua đã không quá biến động khiến đồng Việt Nam đang là đồng tiền ổn định nhất khu vực châu Á khi so với đồng USD. Tính đến ngày 9-8-2017, so với đầu năm tỷ giá USD/VND chỉ giảm 0,12%, biên độ dao động lớn nhất cho tới nay là giảm 0,92% tại thời điểm cuối tháng 1. Chính vì sự bám sát với diễn biến của USD nên đồng Việt Nam cũng mất giá so với hầu hết các đồng tiền chủ chốt, như giảm giá 11,79% so với euro, giảm 6,42% so với yen Nhật… Việc đồng nội tệ giảm giá so với một số đồng tiền chủ chốt như vậy giúp nâng cao sức cạnh trạnh của hàng hóa, dịch vụ của các doanh nghiệp Việt Nam, từ đó đẩy mạnh sản xuất trong nước, có lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu.
Ông Nguyễn Tôn Quyền, Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, cho biết hiện tại, EU, Mỹ và Nhật là ba thị trường xuất khẩu lớn nhất của sản phẩm gỗ Việt Nam. Đồng yen tăng giá giúp xuất khẩu sang Nhật hưởng lợi.
Tương tự, xuất khẩu thủy sản cũng đang thu lợi từ đồng yen tăng giá, bởi thị trường này chiếm tới 20% tổng lượng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam. Theo các doanh nghiệp xuất khẩu trong ngành này thì nhờ yen Nhật tăng giá, thủy sản Việt Nam cạnh tranh hơn. Trong khi đó, các doanh nghiệp chọn thanh toán bằng USD thì cho biết đối tác Nhật thường đàm phán hạ giá sản phẩm nếu như yen tăng giá quá mạnh so với USD.
Trong khi doanh nghiệp xuất nhập khẩu hầu như không mấy chịu ảnh hưởng từ biến động của tỷ giá, thì việc yen Nhật tăng mạnh từ đầu năm đến nay lại đang khiến các doanh nghiệp vay vốn bằng tiền yen đau đầu. Cuối tuần qua, tỷ giá yen Nhật niêm yết tại Vietcombank là 201 VND/yen, tăng 9,5% so với đầu năm. Điều này có nghĩa, chi phí vay bằng yen của các doanh nghiệp đã tăng gần 10% trong năm nay. Chỉ tính riêng sáu tháng đầu năm, khoản lỗ do tỷ giá của EVN do yen Nhật tăng giá mạnh đã lên tới gần 6.400 tỉ đồng. Tương tự, khoản vay 15.600 tỉ đồng bằng yen Nhật qua Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) để thực hiện dự án xây dựng Nhà ga hành khách quốc tế Sân bay Tân Sơn Nhất đang khiến ACV nhận khoản lỗ tỷ giá lên tới gần 1.400 tỉ đồng.
Theo ông Huỳnh Bửu Sơn, hầu hết các ngân hàng đều đã có cơ chế bảo hiểm tỷ giá của ngoại tệ chủ chốt so với USD. Trên thực tế sản phẩm này hiện đã được nhiều ngân hàng thực hiện dưới các hình thức và tên gọi khác nhau, nhưng đều có mục đích chung là phòng ngừa rủi ro tỷ giá cho khách hàng.
Ví dụ, một doanh nghiệp có hợp đồng xuất khẩu bằng một ngoại tệ khác với USD, thì hoàn toàn có thể dùng hợp đồng đó để ký với ngân hàng một bảo đảm tỷ giá, để phòng khi nhận được tiền mà tỷ giá biến động thì doanh nghiệp đó cũng không bị ảnh hưởng. Đối với doanh nghiệp nhập khẩu cần một lượng ngoại tệ trong tương lai để thanh toán, ngân hàng cũng có cơ chế bảo hiểm tương tự.
Lâu nay, doanh nghiệp Việt Nam thường ít sử dụng công cụ này do tỷ giá khá ổn định, song trong bối cảnh các đồng tiền lớn trên thế giới có nguy cơ biến động mạnh như hiện nay, việc sử dụng công cụ bảo hiểm này là rất cần thiết để đề phòng rủi ro tỷ giá.
- Ảnh Q. Định