Đó không phải là cuộc chiến dai dẳng và khốc liệt giữa ông tổng thống quyền lực hàng đầu với giới truyền thông, dù thoạt nghe nhiều người sẽ tưởng vậy. Đây là cuộc chiến… trong nhà, về chuyện… cái nhà. Khi có tiền đủ mua nhà rồi, con cái thì thích ở chung cư, cha mẹ lại “phải đất liền thổ”.
Hai bên đều có lý lẽ hùng hồn. Con nói, chất lượng sống là quan trọng. Chung cư cao cấp sẽ “như khách sạn”. Bước vào sảnh là dàn bảo vệ chạy ra mở cửa. Máy lạnh phả ra mát dịu. Cây xanh chậu đẹp bóng loáng. Mà đi lên căn hộ của mình, người ở tại nhiều chung cư cũng phải có thẻ quẹt thì thang máy mới chạy. Tức là không có chuyện cứ lên là tha hồ chu du khắp các tầng. Sàn nhà, hành lang lúc nào cũng thấy người đang lau.
- Xem thêm: Cháy ở… cái đầu
Người nước ngoài ở nhiều, dù có anh đêm thứ Bảy say xỉn, ba giờ sáng vẫn nói oang oang, cũng mặc kệ. Người ta đi bar cuối tuần uống rượu “xả hơi” nên mới vậy, còn hơn ở với một số người Việt hát karaoke ngọng líu ngọng lo!
Bể bơi, tầng để xe, nhà hàng, tiệm cà phê dù đơn giản cũng ngon chứ không xanh đỏ xào rán ngay vỉa hè, thực phẩm chẳng biết… chết khi nào. Mà không thấy quảng cáo, slogan kêu lanh lảnh “Người trẻ tài cao thích ở chung cư cao cấp, chất lượng sống xanh”, nào là “Người giàu ở phố Đông”… đó hay sao.
Phía cha mẹ cũng đưa ra vô số lý do, này các anh chị tuổi trẻ tài cao, có nghe báo chí nói, nào là “View tha ma, ngửi mùi hôi” chưa? Ai mà nghĩ ra cái họa… do gió đưa đến, làm sao “kiện ra tòa” được gió hả! Rồi là phí dịch vụ cao, khi quảng cáo thì dịch vụ du thuyền, tennis, khi vào ở chẳng thấy đâu. Tưởng cái bể bơi “nhà mình” nào ngờ xuống bơi mới biết phải… mua vé.
Nửa đêm báo cháy hay gì không rõ, chuông thích reo là reo. Khu nhà toàn tên Tây, có ai đến chơi, bà già quê ra, đánh vần trẹo cả lưỡi không ra tên nhà. Toàn tên Tây, những “Gác đân” với chẳng “Ri vờ xai” với “Xiti”, “Oét Lếch”, “Đờ ra gon”…
Làm người ta nhớ đến giai thoại xưa, có người cha ở quê ra chơi, lúc đi về đã được con đưa ra bến chờ xe, cả buổi sau thấy ông cụ về nhà, nói rằng không thấy xe buýt đâu cả, toàn xe của… cơ quan. Trên mình xe thấy toàn biển in hình nước ngọt với lại xí nghiệp sửa điện thoại… Thì ra xe buýt nào cũng in hình quảng cáo sản phẩm, ông cụ tưởng xe của xí nghiệp, chờ chán rồi về.
Trở lại câu chuyện. Đến cái nhà cũng tên Tây, đánh vần xoắn cả lưỡi, vẫn không biết chắc có đúng không nữa. Các con nói, chuyện vặt nói làm gì, chất lượng sống đẳng cấp mới quan trọng. An ninh bảo đảm, đóng cửa đi du lịch cả tháng chẳng mất mát gì. Cha mẹ tiếp tục đưa ra lý lẽ, rằng nhà phải có đất.
Hỏng hóc gì tha hồ sửa, chứ sống lơ lửng trên mây như thế, muốn sửa cái ống nước cũng liên quan đến nhà trên nhà dưới. Khoảng vài chục năm, thành “khu ổ chuột” hết, ban quản lý thu hồi vốn xong sẽ đi. Không thấy có bao người “bổ sung vào đội dân oan khiếu kiện” đó sao? Mà khi cần bán, là mất giá, lỗ ngay. Chứ nhà có đất, ở chán chê, bán đi còn lời.
- Xem thêm: Ai thích ở chung cư?
Nói mãi, “chiến tranh” vẫn không phân thắng bại. Đám trẻ vẫn không nao núng, cha mẹ liền tung chưởng độc cuối cùng: “Này nhé, nhà cao cấp ấy, có hệ thống báo cháy, mình cúng ông bà xong không được hóa vàng. Có khói lên là hú báo động nhốn nháo cả khu”. “Thì có chỗ đốt ở dưới sân chứ lo gì”. “Trời ơi, tất cả các nhà đều đem xuống đốt chung một cái thùng, ông bà sao biết cái gì của con cái mình mà nhận?”.
Nhưng cha mẹ nhầm rồi. Việc cúng tế đốt vàng mã ấy, chỉ có bậc cha mẹ mới coi làm trọng, chứ đám tuổi trẻ tài cao có thấy ý nghĩa gì đâu? Không thấy họ phê phán đanh thép trên Phây à? Cuối cùng, cãi nhau mãi chưa ra. Cuộc chiến cao cấp còn diễn ra lâu lắm…