Sau cuộc bầu cử mới đây của Nghị viện châu Âu, các thành viên châu lục này sẽ tập trung vào vấn đề chính là phục vụ người dân và tái lập tính pháp chế của các dự án lớn giúp tăng trưởng kinh tế khu vực. Một cách cụ thể hơn, châu Âu sẽ thực hiện ba sứ mệnh sau đây. Trước tiên, cần tái xác lập giá trị cho đồng tiền chung euro với một chính sách tài khóa thống nhất, một vì tất cả. Thứ hai, cần đầu tư vào tương lai hơn là theo đuổi chính sách thắt lưng buộc bụng nền kinh tế như hiện nay. Cuối cùng, nền kinh tế lớn nhất khu vực – Đức – cần phải tiêu thụ nhiều hơn. Cụ thể hơn, người dân Đức cần phải nâng tầm mức sống của họ.
Trong khi hai sứ mệnh đầu tiên đã khá hiển nhiên thì điều cuối cùng khiến nhiều người kinh ngạc. Trong nghiên cứu mới nhất của Paul De Grauwe và Yuemei Ji về khảo sát sự giàu có của hộ gia đình châu Âu do Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) phát động, Đức là nước có sự chênh lệch giàu nghèo cao nhất khu vực eurozone. Xét trên phương diện quốc tế, sự bất bình đẳng tại Đức thậm chí còn hơn cả Ấn Độ và Trung Quốc. Bản báo cáo cho hay thu nhập trung bình của một hộ gia đình thuộc nhóm 20% có thu nhập cao nhất nhiều gấp 74 lần so với nhóm 20% có thu nhập thấp nhất. Bảng khảo sát của ECB cũng cho thấy tài sản trung bình của một người dân Đức thua xa so với tài sản của người dân tại Bỉ, Tây Ban Nha, Ý và Pháp, dù thu nhập bình quân đầu người tại nền kinh tế số 1 châu Âu này cao hơn bất kỳ quốc gia châu Âu nào, kể cả Hà Lan và Anh. Đó là do hầu hết tài sản quốc gia Đức đều thuộc về tay các doanh nghiệp và chính phủ hơn là người dân.
Xét trên phương diện này, Đức đang gặp phải một vấn đề tương tự Trung Quốc, một nền kinh tế xuất siêu và có khuynh hướng tiết kiệm. Để vượt qua thách thức đó, Berlin cần phát huy những chính sách nhằm tái cân bằng nền kinh tế và tạo ra nguồn tài sản lớn hơn cho người dân thông qua việc kích thích tiêu dùng. Khi ấy, không chỉ người dân Đức được lợi mà cả những quốc gia láng giềng của họ cũng hứng khởi hơn khi có thể xuất khẩu nhiều hàng hóa hơn vào Đức.
B. Trịnh theo Huffington Post