Bây giờ các bậc cha mẹ trẻ đã văn minh, hiểu biết tâm lý, nên khi chuẩn bị có thêm đứa con thứ hai, không ai còn nói với đứa đầu là con sắp bị ra rìa vì có em bé.
Nhưng cuộc sống luôn cho ra rìa thực sự một số người. Thí dụ như chị dâu tôi. Hồi anh Hai cưới chị, bao nhiêu người chê bai và ngạc nhiên: “Thằng Hai bao nhiêu cô đẹp theo, kén cá chọn canh, cuối cùng vớ ngay cô vợ kém nhất”. Tôi thấy chị dâu hiền lành, hay nhường nhịn. Các cô ngày xưa bao vây quanh anh, thiếu gì cô đẹp, có người là tiến sĩ, đi học nước ngoài về, có cả một cô làm luật sư, bác sĩ cũng có luôn.
Nhưng rồi một thời gian sau khi bước vào cuộc sống hôn nhân, anh Hai nói: “Chúng mày mở mắt ra chưa. Bây giờ má bệnh nằm một chỗ, có đứa nào phục vụ đâu. Giỏi lắm thì mua sữa mua quà cho má, ghé qua hỏi má có khỏe chưa, thấy trong người thế nào. Chứ có đứa nào dám rước má về nhà mình chăm sóc nuôi nấng không?”. Câu hỏi chí lý quá khiến cả lũ chúng tôi im thin thít. Ừ, mà kể cũng lạ, đau đớn thật.
- Xem thêm: Trong xó bếp mới hạnh phúc
Không hiểu xã hội văn minh tân tiến tới đâu mà cuối cùng thì con người lao vào học hành, phấn đấu, công việc, nuôi con cái, một hồi lâu ngửng đầu dậy thì đã già và… ra rìa cuộc sống, chẳng ai cưu mang. Mới nghĩ ra cái thứ viện dưỡng lão, nhà già, hay là nhà y tá… gì đó để tá túc cái đoạn ỉa đùn đái dầm không ai chăm nổi. Rồi ra đi, chứ sống mãi lấy đâu ra đất cho người khác ở.
Nhưng cậu Ba lý sự, anh lấy vợ cho mình, hay là tìm người giúp anh nuôi má (ý cho rằng công việc này giờ đã có ôsin, ta chỉ kiếm tiền là được). Không ngờ anh Hai nghiêm giọng: “Tao có bao giờ dám coi chị Hai bay là người giúp việc đâu. Nuôi mẹ là bổn phận của tao, tình cảm của tao, nhưng tao không biết làm, do đó chị Hai chia sẻ cùng chồng.
Đó là một tiêu chuẩn chọn vợ mà lũ thanh niên tụi bay lú lẫn không bao giờ đặt ra khi chọn vợ. Tụi bay còn nảy sinh bao nhiêu lý thuyết mất dạy, nào là con cái cần ở riêng để có tự do. Nào là người già lạc hậu, ở chung không nổi. Nội cái kiểu vặn tivi rồi nằm đó ngủ thiu thiu, uống xong cốc sữa để quên cho kiến bò, là đã không thể nào chấp nhận nổi.
Và người già xứng đáng phải ở một mình. Chính thằng con trai đã nghĩ như thế rồi nên lũ con gái chuẩn bị làm dâu cũng nghĩ như thế luôn, cho là tân tiến. Lũ con dâu đó chuẩn bị gì để đi lấy chồng? Chẳng chuẩn bị gì cả! Cũng đi học, kiếm lấy một nghề, rồi lo sắc đẹp, các kiểu ăn chơi… Vì các cô ấy biết đàn ông ngu lắm, mù dở, nhìn gà hóa cuốc!”.
Nhiều bà mẹ thắc mắc hỏi nhau: “Lạ thật, các cô ấy cũng yêu con mình, hợp với con mình, vậy mà sao không cô nào hợp với mẹ của chồng. Hai người phụ nữ cùng hợp với một người, vậy mà lại không hợp nhau là sao?”. Khi bà hỏi vậy thì người bạn nói: “Bà nhầm, chứ làm gì có đứa nào hợp nhau đâu, cô ấy thực sự cũng chẳng hợp với con trai bà. Lúc yêu là lúc mắt chúng mù mãn tính. Lấy nhau rồi, chúng sống trong cuộc tranh đấu giành quyền lực trong gia đình, bà mẹ ra rìa là phải”.
Chị Hai tôi chẳng bao giờ đặt vấn đề hay thắc mắc vì sao chị lại không là nhân vật quan trọng. Chị vui lòng với công việc và vui lòng khi làm được gì cho những người thân. Không quan tâm người ta đánh giá mình như thế nào, chị rất yêu và hãnh diện vì chồng chị là người hiếu thảo. Chị giúp đỡ chồng thực hiện nghĩa vụ hiếu thảo này, như một chuyện tự nhiên.
- Xem thêm: Đi tìm cái… “ta” đã mất
Mỗi khi tụ tập, giỗ tết, liên hoan gia đình, chị lặng lẽ lo công việc bếp núc, chú ý chăm sóc miếng ăn, nước uống sao cho tươm tất, làm như bữa tiệc thành công là sự chứng nhận lòng thành của chị, vậy thôi. Cô Út đi học nước ngoài về, thấy thế, nói: “Chị Hai là người hiền hậu nhất nhà, biết hy sinh vì người khác”.
Nhưng chị Hai sống vậy có thiệt thòi không? Các cô em hiện đại nhìn chị một cách thương hại vì chị là người bây giờ khó kiếm. Lối sống của con gái bây giờ là lo kiếm được anh chồng nào lo kinh tế, chiều chuộng chăm sóc, để cô không phải làm gì. Gia đình chồng, mẹ chồng là những khái niệm đã tuyệt chủng trong đầu các cô gái hiện đại. Vì họ mà đạo đức truyền thống dân tộc đang xấu đi. Và những cô gái cùng lứa với họ đang ươm ở các gia đình khác chuẩn bị “xuất xưởng” đi làm dâu cũng giống họ y chang.