Thời khắc chuyển giao quan trọng của Samsung đến vào lúc tập đoàn Hàn Quốc phải đối mặt với những thay đổi cốt lõi trong cơ cấu quản trị, cũng như những thách thức khốc liệt từ các đối thủ nước ngoài.
Sự ra đi của cố Chủ tịch Samsung Lee Kun Hee vào ngày 25-10 tại thủ đô Seoul đã đặt “gã khổng lồ” Hàn Quốc vào một giai đoạn chuyển giao quan trọng.
Kế vị “ngai vàng” của cố Chủ tịch nhiều khả năng sẽ là người con trai duy nhất của ông – ông Lee Jae-yong. Đây là điều đã được định đoạt từ khi ông Jae-yong giữ chức vụ lãnh đạo trên thực tế của Samsung kể từ tháng 5-2014, thời điểm cha ông mất khả năng lao động vì một cơn đau tim.
Tuy nhiên, nhiều người đang tự hỏi liệu ông Lee Jae-yong sẽ lèo lái “con thuyền” Samsung như thế nào, khi thời khắc chuyển giao quan trọng này đến vào lúc tập đoàn Hàn Quốc phải đối mặt với những thay đổi cốt lõi trong cơ cấu quản trị, cũng như những thách thức khốc liệt từ các đối thủ nước ngoài.
Những khó khăn trước mắt
Khi ông Lee Kun Hee lên nắm quyền lãnh đạo tập đoàn Samsung vào năm 1987 sau cái chết của người cha – nhà sáng lập Lee Byung Chul, nhiều người phương Tây chỉ biết đến Samsung như một nhà sản xuất tivi và lò vi sóng giá rẻ.
Tuy nhiên sau đó, ông Lee Kun Hee đã thúc đẩy Samsung không ngừng vươn lên trong lĩnh vực công nghệ. Vào đầu thập niên 1990, Samsung đã vượt qua các đối thủ Nhật Bản và Mỹ để trở thành doanh nghiệp đi đầu về sản xuất chip nhớ. Đến nay, Samsung đã thống trị thị trường màn hình phẳng và sau đó chinh phục thị trường điện thoại di động từ trung cấp đến cao cấp.
Đến ngày 25-10-2020, ông Lee Kun Hee, một trong những doanh nhân có ảnh hưởng nhất trong thời hậu chiến của Hàn Quốc, đã qua đời ở tuổi 78, khép lại 33 năm trị vì nhà sản xuất điện thoại thông minh và chip nhớ hàng đầu thế giới.
Con trai của ông Lee, ông Jae-yong, hiện đang là Phó Chủ tịch Samsung Electronics, được kỳ vọng sẽ lãnh đạo tập đoàn với tầm nhìn mới mà không có sự dìu dắt của người cha. Tuy nhiên, việc thừa kế quyền sở hữu cổ phiếu của cha cùng sứ mệnh giúp Samsung có bước phát triển nhảy vọt là không dễ dàng đối với ông Jae-yong trong thời điểm hiện nay.
Thách thức đầu tiên của ông Jae-yong liên quan đến vấn đề pháp lý. Ông hiện đang phải đối mặt với các cuộc chiến pháp lý có thể khiến ông phải ngồi tù một lần nữa.
Cụ thể, vị “thái tử” của Samsung bị truy tố vào tháng 9-2020 với cáo buộc có liên quan đến một vụ sáp nhập gây tranh cãi và gian lận kế toán. Các công tố viên đã nghi ngờ rằng ông Jae-yong và Ban Lãnh đạo cao nhất của Samsung tham gia vào một kế hoạch được hiệu chỉnh nhằm cố tình hạ thấp giá trị của công ty con Samsung C&T Corp. trước khi sáp nhập với Cheil Industries Inc. vào năm 2015, để từ đó tạo điều kiện cho ông Lee kế thừa “ngai vàng” từ cha mình.
Bên cạnh đó, ông Lee cũng liên quan đến một vòng xét xử khác trong vụ án tham nhũng dẫn đến việc lật đổ cựu Tổng thống Park Geun-hye. Ông từng phải ngồi tù khoảng một năm vì việc này.
Song song với các cuộc chiến pháp lý nhiều khả năng sẽ kéo dài trong nhiều năm, ông Jae-yong và các chị em gái của mình có lẽ cũng đang “đau đầu” tính cách giữ chặt quyền kiểm soát tập đoàn, mặc dù điều này có thể gây ra những thay đổi cấu trúc quản trị.
Những người trong ngành ước tính rằng gia đình của cố Chủ tịch Samsung sẽ phải trả hơn 10.000 tỷ won (tương đương 8,85 tỷ USD) tiền thuế thừa kế cho số cổ phiếu Samsung mà cố Chủ tịch Lee sở hữu. Để có tiền trả khoản thuế kếch xù này, người ta cho rằng ông Jae-yong và gia đình có thể bán một số cổ phần của họ tại các chi nhánh/công ty con của Samsung.
Ông Jae-yong hiện đang kiểm soát tập đoàn Samsung theo cấu trúc sở hữu kiểu “mạng nhện”, là liên kết giữa các công ty Samsung C&T, Samsung Life Insurance và Samsung Electronics. Nhờ vậy, ông Jae-yong tuy chỉ nắm giữ 0,7% cổ phần trong tập đoàn công nghệ khổng lồ, song lại kiểm soát Samsung thông qua việc nắm giữ 17,33% cổ phần ở Samsung C&T.
Mặc dù vậy, khó khăn đã xuất hiện khi có thông tin cho rằng một dự luật đang được thiết kế để hạn chế việc một công ty bảo hiểm được nắm giữ cổ phần ở các công ty liên kết. Theo dự luật do các nhà lập pháp của đảng cầm quyền đề xuất, giá trị cổ phiếu của các công ty liên kết mà một công ty bảo hiểm được nắm giữ không vượt quá ngưỡng 3% tổng tài sản của công ty đó và giá trị cổ phiếu này phải được tính theo giá thị trường.
Do vậy, dự luật này nếu được thông qua sẽ buộc Samsung Life Insurance phải từ bỏ phần lớn cổ phần của mình trong Samsung Electronics, khiến “sự kìm kẹp” của ông Jae-yong đối với Samsung chắc chắn sẽ giảm đi.
Hướng đi trong tương lai
Trên khía cạnh kinh doanh, việc củng cố các chiến lược toàn tập đoàn trong thời kỳ hậu đại dịch COVID-19 và tìm ra các động lực tăng trưởng trong tương lai là sứ mệnh của “thái tử” Jae-yong trên cương vị mới.
Tập đoàn Samsung hiện sở hữu 59 công ty thành viên, hoạt động trong hầu hết các lĩnh vực kinh doanh như điện tử, xây dựng, đóng tàu, tài chính và thậm chí cả công viên giải trí.
Các nhà quan sát trong ngành kỳ vọng, dưới thời ông Jae-young, Samsung sẽ nới rộng khoảng cách với đối thủ bằng việc đẩy mạnh các thương vụ đầu tư và mua bán sáp nhập lớn trong tương lai để báo hiệu rằng tập đoàn này đang hướng tới một mục tiêu mới.
Trong giai đoạn các năm 2014-2015, Samsung đã thực hiện tinh giản nhiều danh mục kinh doanh, bằng việc bán đi các mảng hoạt động trong lĩnh vực hóa chất và quốc phòng cho Tập đoàn Hanwha và Tập đoàn Lotte. Đến năm 2016, họ mua lại tập đoàn ô tô khổng lồ Harman International Industries có trụ sở tại Mỹ. Mặc dù những thương vụ lớn như vậy đã không được thực hiện kể từ năm 2016, nhưng thời gian qua Samsung đã công bố nhiều kế hoạch đầu tư lớn.
Vào tháng 8-2018, Samsung tuyên bố sẽ đầu tư 180.000 tỷ won trong ba năm để phục hồi nền kinh tế quốc gia và thúc đẩy các động cơ tăng trưởng mới, trong đó 130.000 tỷ won, tương đương 72% khoản đầu tư này, sẽ được phân bổ tại Hàn Quốc.
Đặc biệt, các nhà quan sát cho biết, Samsung Electronics sẽ cố gắng để tiếp tục “bỏ xa” các đối thủ dưới triều đại của ông Jae-yong. Công ty này hiện là nhà cung cấp chip nhớ, điện thoại thông minh và TV lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, thời điểm lãnh đạo của ông Jae-yong cũng sẽ chịu thử thách khi các thị trường chip và điện thoại thông minh thế giới đang chuẩn bị cho môi trường kinh doanh mới giữa thời dịch COVID-19.
SK Hynix Inc., nhà sản xuất chip bộ nhớ lớn thứ hai thế giới, mới đây đã công bố thỏa thuận trị giá 9 tỷ USD nhằm mua lại mảng kinh doanh bộ nhớ flash NAND của Intel Corp để bắt kịp Samsung Electronics.
Trong phân khúc điện thoại thông minh, hãng công nghệ Hàn Quốc từng đánh mất vị thế nhà kinh doanh số 1 thế giới một thời gian ngắn vào tay Huawei Technologies Co. đầu năm nay, trước khi “gã khổng lồ” công nghệ Trung Quốc dính đòn trừng phạt của Mỹ vì vấn đề an ninh.
Với việc đối thủ truyền thống Apple Inc. cũng cho ra đời những chiếc điện thoại thông minh hỗ trợ 5G đầu tiên vào tháng này, các nhà nghiên cứu thị trường cảnh báo rằng sự hiện diện của Samsung trên thị trường điện thoại thông minh có thể không còn mạnh mẽ như quá khứ.
Nếu nói về tìm ra động cơ tăng trưởng mới, Samsung Electronics đã tìm cách mở rộng sự hiện diện của mình ở mảng sản phẩm không bộ nhớ và thị trường thiết bị mạng 5G. Tháng 4 năm ngoái, Samsung Electronics đã công bố tầm nhìn trở thành nhà sản xuất chip logic số 1 thế giới vào năm 2030 bằng cách đầu tư 133.000 tỷ won và tăng cường sức cạnh tranh trong ngành mạch tích hợp cỡ lớn và đúc chíp.
Samsung Electronics hiện đứng thứ hai trong thị trường đúc chíp, sau Taiwan Semiconductor Manufactoring Co. (TSMC), vốn chiếm hơn 50% thị phần. Trong thị trường thiết bị mạng 5G, Samsung xếp thứ 4 sau Huawei, Ericsson và Nokia.
Ngoài ra, Samsung còn có thể đầu tư lớn vào các ngành phương tiện điện (EV) và công nghệ di động trong tương lai, có thể là hợp tác với các nhà sản xuất xe hơi khác.
Đầu năm nay, ông Jae-yong đã gặp gỡ lãnh đạo của Hyundai Motor Group Chung Euison, người dẫn đầu hãng xe hơi lớn nhất Hàn Quốc. Samsung hiện chế tạo pin cho EV thông qua chi nhánh Samsung SDI Co. Các nhà quan sát trong ngành cho rằng sẽ rất thú vị khi theo dõi cách Jae-yong thay đổi văn hóa tập đoàn ở Samsung sau bộ quy tắc tuân thủ của ông.
Tháng 5 vừa qua, ông Jae-yong đã có lời xin lỗi hiếm hoi vì những tranh cãi xung quanh việc ông kế nhiệm và cam kết sẽ không trao quyền quản lý cho các con mình. Ông cũng hứa sẽ hủy bỏ chính sách “không công đoàn” của tập đoàn và tích cực đối thoại với xã hội dân sự để gia tăng văn hóa tuân thủ của tập đoàn.
Trước đó hồi tháng 2, Samsung đã lập một ban tuân thủ độc lập thể theo dõi các công tác tuân thủ nguyên tắc của mình.