Thời gian gần đây, các chuyên gia môi trường đã lên tiếng cảnh báo rằng chất lượng môi trường sống của TP. Hồ Chí Minh ngày càng tỷ lệ nghịch với sự phát triển kinh tế – xã hội. Khi những tòa nhà cao tầng, những công trình xây dựng bằng bê tông thi nhau mọc lên, đường sá càng trở nên chật chội và những mảng xanh vốn đã ít ỏi của đô thị càng bị thu hẹp dần khiến nhiều người dân bức xúc. Đây là một bất cập lớn trong quy hoạch đô thị cần được các cơ quan chức năng xem xét và sớm điều chỉnh. Theo quy hoạch tỷ lệ 1/500 đã được phê duyệt, các dự án kinh doanh địa ốc trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh phải có diện tích dành cho cây xanh hợp lý, đúng quy định, nhưng tiếc rằng khi triển khai xây dựng, nhiều chủ đầu tư dự án đã không thực hiện đúng quy hoạch, thậm chí còn cố tình bớt xén diện tích trồng cây xanh để xây thêm hạng mục công trình khác.
Sai phạm trong quy hoạch: Cứ kiểm tra là thấy!
Theo kết quả vừa được công bố của đoàn kiểm tra liên ngành TP. Hồ Chí Minh, trong số 55 dự án ở các quận 7, 9, 12 và Bình Chánh thì có tới 15 dự án làm sai quy hoạch, “xà xẻo” diện tích mảng xanh, 17 dự án chưa xây dựng mảng xanh và 16 dự án còn lại vẫn bỏ trống, chưa xây dựng. Như vậy, có tới gần 50% dự án đã vi phạm về diện tích mảng xanh! Tình trạng xây dựng theo kiểu “quy hoạch một đằng, làm một nẻo” khá phổ biến, cứ kiểm tra là có sai phạm. Trong các dự án cắt xén mảng xanh thì thường là diện tích cây xanh dành cho đường nội bộ, công viên, thể dục thể thao… bị chiếm dụng trái phép. Nhà đầu tư thừa biết những không gian đó là cần thiết, phục vụ cho cuộc sống cộng đồng nhưng vì lợi ích trước mắt, họ cứ làm liều!
Đại lộ Nguyễn Văn Linh là một trong những con đường xanh của thành phố
Chẳng hạn ở quận 7, trong dự án xây dựng khu nhà ở Him Lam do Công ty Him Lam làm chủ đầu tư có diện tích dành cho cây xanh và khu thể dục thể thao rộng hơn 47 ngàn m2, nhưng công ty này không thi công hạng mục đó theo đúng dự án, mà xây hàng loạt nhà cho công nhân, nhà vệ sinh, nhà trưng bày, nhà để xe, nhà điều hành… Tương tự, diện tích dành cho cây xanh ở dự án căn hộ chung cư Quốc Cường của Công ty Đầu tư phát triển nhà Quốc Cường cũng bị cắt xén. Lẽ ra toàn bộ phía sau chung cư phải dành cho mảng xanh thì lại bị dùng làm nơi để xe, trạm biến thế.
Ở quận 12, dự án chung cư Tín Phong do Công ty Xây dựng Tín Phong làm chủ đầu tư cũng thế. Theo quy hoạch, trong tổng diện tích gần 9.000m2, phải dành hơn 1.000m2 làm công viên, nhưng chủ đầu tư đã xây trên diện tích đất ấy hồ bơi và dãy nhà bằng bê tông cốt thép. Dự án chung cư Thới An của Công ty Đất Lành làm chủ đầu tư cũng sử dụng phần diện tích dành cho mảng xanh để xây nhà ở. Tại Bình Chánh, Công ty Đầu tư xây dựng và thiết kế giao thông 584 đã “gặm nhấm” đáng kể vào diện tích dành cho cây xanh tại công viên số 1, số 2 của dự án khu dân cư và căn hộ cao tầng 584.
Đó chỉ là vài trường hợp cụ thể. Trong danh sách của đoàn kiểm tra liên ngành còn có hàng loạt dự án khác vi phạm lỗi tương tự. Nhẹ hơn cả là các dự án “quên” xây dựng mảng xanh mà theo các chủ đầu tư, lý do là hạn chế về năng lực tài chính do có phát sinh so với thời điểm phê duyệt, vướng các thủ tục pháp lý về đền bù giải phóng mặt bằng… Thuộc loại này có 17/55 dự án, đơn cử là chung cư Ngọc Lan, dự án cao ốc căn hộ và biệt thự cao cấp BMC – Hưng Long, dự án căn hộ cao cấp Hoàng Anh (cùng ở quận 7), khu nhà ở cao tầng phường Hiệp Phú, khu cao ốc Phố Đông Hoa Sen (quận 9) với cùng tình trạng là khu nhà ở hầu như đã xây xong, nhưng phần dành cho cây xanh vẫn chỉ nằm trên bản thiết kế.
Cần quyết tâm trong chấn chỉnh quy hoạch và thực thi dự án
Kết quả kiểm tra đã đặt ra nhiều vấn đề: Công tác giám sát thực hiện dự án như thế nào? Tại sao không thể phát hiện sớm để ngăn chặn ngay từ đầu, tránh được nhiều sai phạm dẫn đến thiệt hại phải khắc phục, chưa kể nhiều hệ lụy khác? Một người môi giới bất động sản nói rằng nếu tiến hành kiểm tra tất cả các dự án bất động sản trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, con số vi phạm chắc chắn còn lớn hơn rất nhiều. Để chấn chỉnh công tác quy hoạch xây dựng, bảo đảm có được diện tích cây xanh cần thiết, hướng tới mục tiêu phát triển đô thị bền vững, hài hòa với môi trường, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra định kỳ, xử lý thật nghiêm những chủ đầu tư cố tình “xà xẻo” diện tích trồng cây xanh.
Chung cư 584 (Bình Chánh) thu hẹp diện tích công viên để làm văn phòng
Ông Nguyễn Tấn Bền – Giám đốc Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh cho biết trước mắt sẽ kiên quyết phạt nặng các chủ đầu tư vi phạm và buộc phải hoàn trả phần diện tích đã bị xây cất sai so với thiết kế, buộc trả lại diện tích cây xanh theo đúng quy hoạch đã được duyệt. Đồng thời, chủ đầu tư phải cam kết cụ thể thời gian tháo dỡ phần xây dựng sai phép và đầu tư hoàn thiện mảng xanh. Trong trường hợp doanh nghiệp không tự động tháo dỡ, chính quyền địa phương sẽ tiến hành cưỡng chế theo luật định. Với các dự án đã xây xong nhà ở nhưng chưa đầu tư mảng xanh thì chủ đầu tư phải nhanh chóng tạo cho được mảng xanh theo đúng quy hoạch.
Về lâu dài, đoàn kiểm tra kiến nghị UBND TP. Hồ Chí Minh chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các quận, huyện khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và các quyền sở hữu nhà ở, tài sản gắn liền với đất cho những dự án địa ốc phải xem xét thật kỹ các yếu tố hệ thống cơ sở hạ tầng, trong đó có hệ thống cây xanh và công viên, tránh tình trạng các chủ đầu tư dự án không tạo thành mảng xanh hoặc đầu tư không đúng quy hoạch được phê duyệt.
Để các đô thị nói chung, TP. Hồ Chí Minh nói riêng phát triển một cách hợp lý, hài hòa với môi trường, không chỉ công tác quy hoạch cần thực hiện thật khoa học, trong đó đặc biệt coi trọng lợi ích cộng đồng, mà việc thực thi nghiêm túc quy hoạch cũng quan trọng không kém. Do đó, các cơ quan có trách nhiệm cần nhanh chóng thúc ép các chủ đầu tư đã “cắt xén” mảng xanh phải làm lại theo đúng dự án đã được phê duyệt, đồng thời có thêm các biện pháp chế tài để tình trạng này không thể tái diễn.
Ngân An