Một người cao tuổi chống gậy lên núi để thỉnh giáo vị cao tăng là làm thế nào để cải lão hoàn đồng, kéo dài tuổi thọ để trường sinh bất tử. Vị cao tăng mời ông lão một ly trà rồi dẫn ông lão xuống núi.
Hai người cùng đến một nhà hát kịch xem một vở kịch truyền thống vô cùng cảm động nhưng cũng vô cùng bi tráng. Sau những tràng vỗ tay như sấm vở kịch hạ màn kết thúc, có rất nhiều người cảm động rơi nước mắt. Vị cao tăng hỏi ông lão cao tuổi ngồi bên cạnh: “Ông thấy vở kịch này như thế nào?”.
“Quá là hay! Vô cùng cảm động! Vô cùng tốt đẹp!”. Ông lão vẻ xúc động thốt lên.
“Cảm động như thế nào? Tốt đẹp như thế nào?”. Vị cao tăng chậm rãi hỏi.
“Tình tiết vở kịch cảm động và kết thúc rất tốt đẹp”. Ông lão rất hài lòng nói!
“Nhưng”. Vị cao tăng mỉm cười nói: “Nếu vở kịch này cứ tiếp tục diễn, diễn mãi không thôi thì ông thấy thế nào?”.
“Như thế này là rất tốt đẹp rồi, nếu cứ diễn nữa e rằng chỉ làm dài dòng văn tự và không còn ý nghĩa gì nữa”. Ông lão vẻ say sưa. “Cái gì rồi cũng phải đến hồi kết thúc làm gì có chuyện cứ diễn mãi không thôi?”.
“Như thế mà nói, cuộc sống có như vậy không?”. Vị cao tăng vẫn nở nụ cười hỏi: “Tận hưởng cảnh sắc mùa xuân của nhân gian, được trải qua những sự tuyệt diệu của cuộc sống, để có trước sau toàn vẹn cũng là sự viên mãn cả một đời… Cuộc sống cũng như một vở kịch không thể cứ diễn ra mãi mà không dứt”.
Ông lão ngây người một lúc rồi bỗng giơ ra ngón tay cái và cười lên rất to: “Không hổ thiền sư là vị cao tăng, tôi bái phục ngài. Đúng, cuộc sống cũng phải có kết cục, sinh tử đối với con người là quy luật của tự nhiên ai cũng phải trải qua”.
Cuộc sống của con người như một vở kịch, vở diễn hay không phải ở chỗ dài ngắn, không phải do sự hoành tráng của sân khấu mà sự thành công là ở ý nghĩa cốt truyện một sự kết thúc tốt đẹp.