Khi còn nghèo, người ta ở nhà chung cư, nhà thuê, ở với bố mẹ… Đến lúc có tiền, ai cũng mong xây nhà to, nhà đẹp. Trước khi có ý định cất nhà phải tham khảo những tạp chí xây dựng, kiến trúc để sưu tập, tìm kiểu, chọn lựa.
Nhà xây sau bao giờ cũng phải đẹp và tiện nghi, hiện đại hơn nhà xây trước. Bao nhiêu năm dành dụm, ai cũng cố cất cái nhà cho đàng hoàng để có nơi thư giãn sau giờ làm việc mệt nhọc.
Vậy là, nào thư phòng, phòng nghe nhạc, xem phim… Công trình phụ phải thật tiện nghi với bồn tắm, tủ tắm các kiểu… Sang hơn nữa, còn hồ bơi, phòng massage, tập thể dục. Thư giãn mà, sống bao nhiêu đâu mà không hưởng thụ?
Trang bị nội thất gấp nhiều lần tiền xây nhà. Phòng khách ngoài việc trang trí trần nhà (từng từng, lớp lớp thạch cao), đèn mắt ếch, đèn chùm các kiểu, tường thì tranh, ảnh, hoa khô, còn các hốc đặt bình gốm, lọ hoa, vật kỷ niệm sao cho thật… phá cách!
Cái tivi màn hình to, công nghệ LED, mỏng như dán vào tường tuy không phải là “điểm nhấn”, nhưng là thứ “chủ lực” cần phải có, rồi giàn âm thanh nghe nhạc phải là loại khủng.
Nói chung, phải làm sao có một phòng khách đáp ứng được các tiêu chí hiện đại, sang trọng, ấm cúng mà vẫn không mất đi tính… dân tộc!
- Xem thêm: Tận hưởng cuộc sống
Các phòng ngủ cũng phải thế, người ta có gì, mình có đó sang trọng tựa khách sạn. Phòng ăn, bếp cũng phải có đèn chùm, mắt ếch, tranh ảnh… cho tương xứng. Phía ngoài thì hồ cá, bonsai, phun nước… Nói chung, là kiểu ngôi nhà trong phim Ngôi nhà hạnh phúc.
Ở đời, cái gì mới chẳng thích, lại là thành quả cả đời làm lụng, chắt chiu. Đêm đầu tiên ở nhà mới, lòng ai không xôn xao cảm giác khó tả.
Vợ chồng con cái sum họp ở phòng khách với cảm giác được tận hưởng thật sự, hết on đèn chùm rồi đến off đèn mắt ếch, hết bấm remote tivi lại đến giàn máy nghe nhạc. Hạnh phúc làm sao!
Mọi phiền muộn trong những ngày cất nhà cực khổ đã tan biến. Chồng nhìn vợ ấm áp, vợ nhìn chồng với nụ cười viên mãn. Các con nhìn nhau: không nhà nào bằng nhà mình!
Thời gian qua đi, ngày nối ngày. Phòng khách có lẽ chỉ đông đủ những ngày đầu như thế, rồi ai nấy rút vào thế giới của riêng mình.
Phòng riêng cũng đâu thiếu gì, thậm chí còn “ngon” hơn phòng sinh hoạt chung, bởi còn có cái laptop hay cái vi tính màn hình LCD 21 inch để tha hồ chat với bạn bè.
Nhà bốn người bốn máy, ai cũng chìm đắm vào thế giới riêng tư, không xâm phạm đến tự do của nhau. Đến lúc ăn thì mạnh ai nấy tác chiến, chén cơm nguội cũng được mà tô mì gói cũng xong để rồi còn bao nhiêu việc.
Chiều tối về, mọi người rộn lên chút rồi rút êm! Tivi hay giàn âm thanh ngoài phòng khách giờ chỉ biết làm bạn với cô giúp việc mỗi ngày cùng với cái khăn lau. Tranh tường, hoa khô, bình gốm cũng buồn hiu bởi chẳng ai còn mê ngắm nghía nữa.
Có ngày nào nghỉ thì vợ chồng lại tranh thủ đi uống cà phê, vào nhà hàng, liên hoan, tiệc tùng. Con cái cũng thế!
Rồi chiếc xe hơi xuất hiện. Nhà không có chỗ để xe, thế là tháng tốn gần “chai” tiền gửi xe. Chiều thứ Bảy đáng lý ở nhà “hưởng thụ” thì ông chủ lại quần short, áo thun ba lỗ đi bộ cả cây số ra chỗ gửi xe chỉ để … lau xe, nổ máy rồi ngắm nghía, rờ rẫm chiếc xe và cuối cùng ngồi vào trong xe một chút gọi là thư giãn với máy lạnh và nghe nhạc!
Năm thì mười họa mới có cơ hội lái xe đi, mà biết đi đâu nữa bây giờ? Ra đường thì xe cộ đông nườm nượp, đi xe máy còn nhanh hơn nhiều.
Có người nghe thế lại bảo rằng thôi thì còn mấy ngày nghỉ tết, làm cả năm tết nhất đến nhà thăm nhau đã có cái mà… khoe! Nhưng cũng có người “quái” hơn, tính rằng cả năm lao động vất vả, đến tết bỏ nhà, “trốn” khách đi chơi cho khỏe cái thân!
- Xem thêm: Quan niệm hưởng thụ
Ngẫm cho cùng, đâu là hưởng thụ cuộc sống khi mà công việc cứ đuổi phía sau, ngày mau hết, ăn trưa xong chưa kịp làm gì đã tối?
Đến khi nhìn lại thì đời đã xanh rêu, bệnh tật thay nhau hoành hành. Thôi thì, được ngày nào hay ngày đó, theo kiểu nói vui, cố sống chậm lại một chút để hưởng thụ.
Nhiều người nhân cơ hội đó lại khuyên rằng, con cái là tài sản, sống chậm lại để ngó tới con cái học hành cũng là một trong những kiểu để dành tài sản mà sau này… hưởng thụ!