Thường thì nhắc đến tuổi hưu, ai cũng mơ ước sẽ có những ngày tháng an nhàn, có một cuộc sống viên mãn. Ước mơ có thể giống nhau nhưng thực tế sẽ đa dạng và hạnh phúc không chia đều cho tất cả. Tôi vẫn mong là sẽ tự cho phép được “nghỉ” trước tuổi hưu, bởi khi ấy, còn sức khỏe, còn đam mê và có thời gian để làm những gì mình thích mà không bị ràng buộc bởi công việc và những nỗi lo cơm áo. Được vậy, nghỉ hưu không có nghĩa là kết thúc mọi việc mà là được toàn quyền, toàn thời gian để chuyên tâm vào một điều gì đó chỉ vì niềm đam mê, không bị chi phối bởi bất cứ thứ gì khác.
Nếu vậy, ở tuổi nào thì hưu là vừa? Khi nảy ra câu hỏi này, người đầu tiên tôi nghĩ đến là bạn. Bởi có lần bạn nói rằng sẽ về hưu vào tuổi 35. Để khách quan, phải biết rằng những ấn tượng về bạn và công ty bạn, tôi được nghe từ chính các đồng nghiệp mà trong công việc tạm gọi là đối thủ cạnh tranh của bạn. Tất cả đều thừa nhận một điều là công ty bạn rất mạnh về ý tưởng. Mà trong lĩnh vực thiết kế sáng tạo, ý tưởng là tiên quyết.
Khi nhiều bạn bè cùng trang lứa còn đang loay hoay với chuyện khởi nghiệp hoặc đối diện với việc xoay xở để làm sao có đủ tiền trả lương cho nhân viên hằng tháng, bạn đã đường hoàng là đầu tàu của một công ty thiết kế tên tuổi trong lĩnh vực của mình, khách hàng là những tập đoàn lớn, những công ty nước ngoài mà văn phòng của họ phải nằm ở những tòa cao ốc hạng A của Sài Gòn… Có cùng xuất phát điểm, cùng lĩnh vực và cạnh tranh với nhau nhưng đến một thời điểm, nhiều đồng nghiệp phải tự khoanh vùng trong phân khúc thấp hơn hoặc né các cuộc “đấu” phương án thiết kế khi biết có công ty bạn tham gia, một cách tâm phục khẩu phục! Đó cũng có thể xem là một thành công trong nghề.
Là người có dịp tiếp cận và quan sát kỹ đội ngũ thiết kế dưới trướng bạn, tôi nhận ra một điều: đội ngũ ấy không có “ngôi sao” nhưng ai cũng “được việc”, sự kết nối giữa các cá nhân trong từng nhóm chính là yếu tố quan trọng nhất đem lại hiệu quả, và hiệu quả ấy cũng là thước đo, là giá trị được chia sẻ mà mọi năng lực đều được nhìn nhận, đánh giá đúng và đủ. Chắc chắn, sự không có ngôi sao ấy hay tất cả đều sáng như nhau cũng là một cách để mọi người nhận ra sự cần thiết của mình trong một tập thể và cái cách dùng người như thế không phải người quản lý nào cũng áp dụng được.
Có dịp tham dự một buổi tất niên của công ty bạn, có dịp ghé thăm văn phòng bạn mới hiểu được vì sao bạn thành công sớm như vậy. Ở đó toát lên sự gắn kết, sự tự tin của mỗi người trẻ, một nguồn năng lượng làm cho người ta tin rằng đây là một tập thể mà mỗi người đều đang muốn thể hiện, nỗ lực làm việc, vì tập thể và cũng là vì chính mình. Để khơi gợi được sự tự tin cho mỗi cá nhân, để tạo nên một khát vọng chung như thế, tất nhiên những người quản lý không chỉ có tầm nhìn mà còn phải thực sự tin tưởng vào đội ngũ của mình, khơi nguồn cảm hứng sáng tạo của mỗi cá nhân.
Nhớ hồi đó chưa đầy 30 tuổi, bạn đã xác định rằng sẽ về hưu ở tuổi 35. Sao lại có thể như thế, khi mà ở lứa tuổi 35, người ta đang ở độ chín trong nghề nghiệp hoặc bắt đầu gặt hái những thành quả đầu tiên? Tôi hoài nghi và im lặng chờ. Cho đến gần đây, khi giờ G sắp đến – là cái tuổi 35 của bạn – tôi nhắc lại, và lưu ý thêm rằng bạn đã có hai đứa con, đều còn nhỏ mà nếu theo truyền thống của người Việt thì đường lo cho tụi nó còn dài.
Bạn tuyên bố: Đủ rồi! Tôi không đến nỗi “shock” nhưng cũng vẫn bất ngờ. Đủ là đủ trải nghiệm thương trường hay là đủ tích lũy về vật chất để an tâm hưởng già hoặc lo cho con cái? Và thế nào là đủ khi mà người ta còn trẻ, còn có rất nhiều cơ hội, đặc biệt là khi mà người ta nắm trong tay một công ty đang ăn nên làm ra? Ở đời, không phải ai cũng biết đủ. Bởi nhiều người, ngay cả khi đã già, đã ở tuổi “tri thiên mệnh” mà vẫn còn sân si. Tất nhiên, bạn cũng nói thêm rằng vấn đề của bạn bây giờ không phải là hưu hay làm việc mà là trách nhiệm với đội ngũ nhân viên, với những người đã đồng hành với bạn trong suốt thời gian vừa qua, trách nhiệm với lĩnh vực công việc mà bạn đã gắn bó từ ngày khởi nghiệp.
Tôi tin rằng bạn chân thành. Qua cách bạn sống, cách điều hành công việc, tôi nhận ra rằng bạn cũng đang âm thầm điều chỉnh, chuyển hướng để có được sự cân bằng giữa những mong muốn cá nhân đã hoạch định trong cuộc đời mình với những trách nhiệm mà dù muốn dù không thì ở cương vị của một người lãnh đạo doanh nghiệp có tâm phải cân nhắc. Bạn cũng đang tiệm cận cái đích về “hưu” theo cách của riêng bạn.
Chúng tôi không gặp nhau thường xuyên, nhưng mỗi lần gặp đều có thể chia sẻ với nhau nhiều thứ: về một quyển sách tôi đang đọc, một dự án bạn đang làm, một vấn đề mà xã hội đang quan tâm… Cả hai đều nhận ra rằng chúng ta có nhiều khác biệt, nhưng sự khác biệt ấy không hề là rào cản mà nhiều khi nó lại là những bù đắp, bổ sung để tình bạn ấy vẫn còn nguyên vẹn qua thời gian, sau những nhặt thưa của các lần gặp gỡ. Tôi nhận ra rằng bạn thúc đẩy tôi đi, khiến tôi phải suy nghĩ nhiều hơn về công việc của mình, bạn “đọc” được tính cách của tôi và lý giải cho tôi tại sao mà tôi đang phát triển ở c, d, e, f chứ không phải z. Rồi lại cười xòa với nhau: cứ vậy đi, vì chúng ta khác nhau, và chúng ta đều đang ổn, ổn trong mối quan hệ, ổn trong cả hiện tại và những dự định tương lai của mình.