Nguyên tên tiếng Anh của trào lưu này là Mid-Century Modern. Trào lưu thiết kế này đã bị lãng quên sau những năm 1960. Tuy nhiên, cuối thập niên 1980, nó bắt đầu quay trở lại, khi thế giới bắt đầu ưa chuộng phong cách hoài cổ. Để rồi trong thế kỷ XXI, nó lại “bùng nổ” trở lại.
Đây là một trào lưu thiết kế theo dòng Chủ nghĩa hiện đại (Modernism), phát triển ở Mỹ từ khoảng năm 1945 đến năm 1969. Sau thế chiến thứ hai, các nhà thiết kế và kiến trúc sư háo hức phát triển những ý tưởng mới, kết hợp sản xuất hàng loạt với công nghệ được phát minh trong nửa đầu thế kỷ XX với một cái nhìn lạc quan hơn cho tương lai. Nó xuất hiện phổ biến trong các lĩnh vực thiết kế nội thất, thiết kế sản phẩm, đồ họa, kiến trúc và đô thị.
Đặc điểm của trào lưu thiết kế “hiện đại trung thế kỷ”
Các thiết kế của trào lưu này vẫn tuân theo nguyên tắc của Chủ nghĩa hiện đại nên đường nét rõ ràng và đơn giản, thể hiện đúng chất vật liệu và không tô điểm trang trí. Người ta thường tóm tắt thành bốn đặc điểm như sau:
- Tối giản: Đồ nội thất thường rất đơn giản với các đường nét thanh mảnh và chú trọng công năng.
- Kết hợp vật liệu với tính thẩm mỹ: Vật liệu nhân tạo (như vinyl, nhựa, sợi thủy tinh) và vật liệu tự nhiên (như gỗ, thủy tinh, kim loại, đá cẩm thạch) thường được sử dụng cùng nhau trong đồ nội thất.
- Kiến trúc hòa trộn với thiên nhiên: Công trình được mở rộng cửa để tạo cảm giác liên tục giữa trong và ngoài nhà.
- Sự nổi bật của màu sắc: sử dụng màu nhấn tươi sáng dựa trên các nền màu trung tính là trắng, đen và màu gỗ.
Tạm dịch “Mid-Century Modern” là “Trào lưu Hiện đại Trung thế kỷ”. Thuật ngữ này đã được tác giả Cara Greenberg dùng đặt tên cho một trào lưu thiết kế ở Mỹ trong cuốn sách “Mid-Century Modern: Furniture of the 1950s”, xuất bản năm 1984. Hiện nó đã được các học giả và các viện bảo tàng trên toàn thế giới công nhận là một trào lưu thiết kế quan trọng.
Một số mẫu ghế của trào lưu “hiện đại trung thế kỷ” vẫn còn sử dụng trong các nội thất đương đại
Những thiết kế ghế thuộc trào lưu “Hiện đại Trung thế kỷ” này là một cuộc cách mạng trong thời đại của chúng. Trước đây, chưa từng có ai tạo ra được những thiết kế có tính tương lai như vậy. Những chiếc ghế này đã có tác động lâu dài đến cách chúng ta nghĩ về thiết kế đồ nội thất ngày nay.
Ghế Womb
KTS danh tiếng Eero Saarinen đã thiết kế chiếc ghế Womb trên lý thuyết rằng nhiều người chưa bao giờ thực sự cảm thấy an toàn và thoải mái kể từ khi họ rời khỏi bụng mẹ. Ghế được thiết kế cuộn tròn, lưng tựa cao, viền bọc xung quanh và tay vịn giúp người ngồi cảm thấy an toàn và chắc chắn hơn.
Ghế Wishbone
Ghế Wishbone (còn được gọi là ghế CH24 hoặc ghế Y) có mặt ngồi bằng dây đan và tay vịn bằng gỗ uốn cong. Tên Wishbone của chiếc ghế này là do tựa lưng có hình xương đòn. Nó được thiết kế bởi Hans Wegner vào năm 1949. Hình dáng duyên dáng của chiếc ghế được lấy cảm hứng từ đường nét Á Đông kết hợp với chủ nghĩa hiện đại.
Ghế hoa tulip
Được thiết kế bởi kts Eero Saarinen. Mặt ghế Tulip thường có thể xoay với chân đế bằng nhôm và vỏ bằng sợi thủy tinh đúc. Ghế Tulip thường có màu trắng với màu nhấn là tấm đệm ngồi. Các đường cong làm cho chiếc ghế này mang lại cảm giác thời tương lai.
Ghế Eames
Ghế Eames được làm bằng ván ép và da. Hai nhà thiết kế Charles và Ray Eames đã thiết kế kiểu ghế phòng chờ nổi tiếng của họ vào năm 1956. Mặc dù chiếc ghế này đã được giới thiệu cách đây gần 70 năm, nhưng mẫu ghế này vẫn còn mang tính biểu tượng cho đến ngày nay.
Ghế Paulistano
Ghế Paulistano mang đến sự thoải mái tối ưu. Khung được làm bằng một thanh thép uốn cong liên tục duy nhất dài gần 5,2m. Mặt ngồi và lưng bằng da hoặc vải. Ghế rất chắc chắn và mặt cong theo người ngồi để thư giãn tối đa. Ghế được thiết kế bởi Paulo Mendes da Rocha.
Ghế Panton
Chiếc ghế có hình chữ S và được đúc hoàn toàn bằng nhựa với chỉ một khối duy nhất. Ghế Panton được thiết kế bởi nhà thiết kế người Đan Mạch Verner Panton vào những năm 1960. Ghế có thể xếp chồng lên nhau một cách gọn gàng nên có thông tin nói rằng Panton đã lấy cảm hứng từ một đống xô nhựa chồng lên nhau.
Ghế Eames
Thiết kế ghế của Eames có dạng vỏ sò. Mặt ngồi bằng sợi thủy tinh hoặc nhựa chắc chắn với lưng tựa bo tròn và các cạnh cao mang đến khả năng thích ứng và đa dạng với nhiều phiên bản. Chân có thể có hai miếng thép uốn cong hoặc bốn chân riêng lẻ.
Ghế bành Platner
Được thiết kế bởi Warren Platner vào năm 1966, chiếc ghế này bao gồm hàng chục thanh kim loại hướng lên trên để hỗ trợ đệm ngồi, tựa lưng và tay ghế. Ghế là sự pha trộn hoàn hảo giữa ghế bành và ghế thư giãn.
Ghế Bertoia
Còn được gọi là ghế Kim cương. Chiếc ghế ra đời năm 1952 này của Harry Bertoia là một chiếc ghế bằng kim loại và được lấy cảm hứng từ các tác phẩm điêu khắc. Mặt ngồi có thể là tấm đệm hoặc chỉ là phần tiếp nối của dây lưới.
Ghế Ball
Chiếc ghế Ball (trái bóng) được thiết kế vào năm 1963 bởi Eero Aarnio, một nhà thiết kế nội thất Phần Lan từng theo học tại Học viện Nghệ thuật Công nghiệp ở Helsinki. Nó có dạng hình cầu đã được cắt làm đôi để tạo chỗ ngồi bên trong. Aarnio đã tạo ra một chiếc ghế mà anh và vợ có thể ngồi thoải mái cùng nhau. Có một phiên bản khác có thể treo được trên trần nhà.
Ghế Easy
Thiết kế bởi Hans Wegner vào những năm 1950. Các đường nét của ghế thanh thoát tự nhiên. Chiếc ghế đơn giản về đường nét với hình dáng đặc trưng. Nó được gọi một cách khéo léo là “Ghế dễ dàng”.
Ghế Shell
Một trong những chiếc ghế thú vị nhất của trào lưu Trung thế kỷ là chiếc ghế Shell. Được thiết kế bởi Hans Wegner vào năm 1963. Chiếc ghế này là sự pha trộn tuyệt vời giữa sự thoải mái và phong cách. Ghế được làm từ một mảnh ván cong nhẹ có dạng miệng cười nên đôi khi nó còn được gọi là “Ghế cười”. Ghế có ba chân và một mặt lưng đơn giản. Ban đầu nó đã bị công chúng Đan Mạch chê bai vì ba chân của nó, nhưng theo thời gian, nay nó đã trở thành biểu tượng của thiên tài Wegner.
Ghế Palermo
Ghế này còn được gọi là ghế “Bướm”. Ghế được thiết kế vào năm 1938 bởi các kiến trúc sư người Argentina làm việc tại văn phòng của Kts Le Corbusier.
Ghế trứng
Chiếc ghế Egg được thiết kế năm 1958 bởi nhà sáng tạo đồ nội thất người Đan Mạch Arne Jacobsen. Ông tạo hình những chiếc ghế của ông như là một tác phẩm điêu khắc. Jacobsen là nhà thiết kế chủ chốt theo chủ nghĩa hiện đại của Đan Mạch.
Ghế Jetty
Ghế Jetty là kiểu ghế có mặt ghế và lưng được bọc hoàn toàn. Chân ghế có thể có dạng thẳng hoặc khung uốn cong. Đây là loại ghế thường thấy trong các văn phòng hiện đại ngày nay.
Ghế Swan
Ghế Thiên Nga được thiết kế vào năm 1958 bởi Arne Jacobsen cho khách sạn Hoàng gia ở Copenhagen, Đan Mạch. Người ngồi có thể xoay người trên đế xoay với tay vịn thoải mái. Chiếc ghế này thể hiện phong cách nội thất hiện đại của Đan Mạch. Chiếc ghế không có bất kỳ đường thẳng nào khiến cho nó trở thành một kỳ tích thiết kế độc đáo.
– Ảnh tư liệu