Một hoạt động được giới kinh doanh, đầu tư bất động sản chú ý tuần qua là hội thảo “Thực trạng, tiềm năng, giải pháp và định hướng phát triển thị trường bất động sản TP.HCM giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030” do Sở Xây dựng TP.HCM tổ chức ngày 12-11 vừa qua.
Là một thị trường bất động sản sôi động hàng đầu, có thể nói những năm qua TP.HCM đã làm khá tốt nhiệm vụ “tạo xu hướng” của mình. Xu thế phát triển ổn định, trầm lắng hay “đóng băng” của thị trường bất động sản cả nước đều bắt nguồn từ nơi đây. Tại hội thảo, đại diện Sở Xây dựng TP.HCM nhận định rằng trong mười năm qua (2006-2015), thị trường bất động sản thành phố đã có những đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế chung. Nếu như năm 2006, tổng giá trị sản phẩm trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản mới đạt 22.669 tỉ đồng, chiếm 12% tổng cơ cấu nền kinh tế thì đến năm 2014 đã lên đến 89.460 tỉ đồng, chiếm 17,4% trong cơ cấu nền kinh tế. Nguồn lực đất đai được khai thác sử dụng ngày càng hiệu quả hơn, thu hút một số lượng lớn vốn đầu tư nước ngoài, góp phần tích cực trong công cuộc phát triển kinh tế. Tổng các khoản thu về đất đai và bất động sản giai đoạn 2006-2014 đạt 70.105 tỉ đồng. Diện tích bình quân nhà ở toàn thành phố đã tăng từ 10,3m2/người (năm 2006) lên 17,32m2/người vào năm 2015. Nhiều dự án phát triển đô thị, nhà ở được xây dựng, trong đó tập trung phát triển chính về các hướng đông, nam và đông nam, phù hợp với định hướng phát triển chung của thành phố, tạo ra sự liên kết mạnh giữa các khu vực với nhau. Hệ thống các khu công nghiệp, khu chế xuất, các công trình hạ tầng kỹ thuật và xã hội, văn phòng, trung tâm thương mại,… cũng phát triển cả về quy mô cũng như tính đồng bộ, hiện đại, góp phần quan trọng vào việc lập cơ sở hạ tầng đô thị, cơ sở vật chất, kỹ thuật, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, thu hút đầu tư, tạo nhiều việc làm, thu hút nguồn nhân lực lao động, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đội ngũ doanh nghiệp kinh doanh bất động sản và những ngành nghề liên quan cũng ngày càng phát triển, từ 1.264 doanh nghiệp năm 2006 lên 4.750 năm 2014.
Tuy nhiên, thị trường bất động sản TP.HCM vẫn bộc lộ những mặt hạn chế cần sớm khắc phục như phát triển thiếu ổn định, cơ cấu sản phẩm nhà ở mất cân đối, lệch pha cung – cầu, loại hình sản phẩm nhà ở chưa đa dạng. Việc đầu tư phát triển các dự án bất động sản chưa có kế hoạch, chưa đảm bảo các quy luật của thị trường, không ít doanh nghiệp đầu tư kinh doanh bất động sản tham gia thị trường có năng lực kém cả về tài chính lẫn quản lý dự án, thị trường còn thiếu sự minh bạch, giá bất động sản chưa ổn định (giá nhà ở đã tăng gần bốn lần chỉ trong vòng bảy năm, từ năm 2003 đến năm 2010). Ngoài ra, các dự án nhà ở phân bổ không đồng đều, đa số tập trung ở những quận ven và quận mới thành lập, dự án phát triển không đi cùng hệ thống giao thông công cộng (chỉ gần 20% số dự án nằm trong bán kính phục vụ trực tiếp của các tuyến metro trong tương lai).
Một vấn đề quan trọng là hiện TP.HCM không có nguồn dữ liệu tốt để thực hiện công tác dự báo, vì vậy khó có quyết sách tốt cho thị trường bất động sản. Thiếu minh bạch thông tin cũng là đặc điểm chung của thị trường bất động sản nước ta. Theo báo cáo hằng năm của Tập đoàn John Lang LaSelle, Việt Nam đứng thứ 68 trong bảng xếp hạng Chỉ số minh bạch bất động sản toàn cầu. Chính sự thiếu minh bạch thông tin là nguyên do quan trọng dẫn tới hiện tượng đầu cơ, khi trong giai đoạn từ năm 2011-2014, có tới 20% người mua nhà mang mục đích đầu cơ. Chính vì vậy, để thị trường bất động sản TP.HCM phát triển lành mạnh và bền vững, cần phải có quy hoạch tổng thể cho cả vùng cũng như phát triển toàn diện các phân khúc thị trường. Đặc biệt, cần sớm xây dựng hệ thống quản lý thông tin vì đây là yếu tố cơ bản để thị trường bất động sản phát triển bền vững.
Thành Việt (DNSGCT)