Trước tình trạng cả chất lượng lẫn giá của gạo xuất khẩu đều sụt giảm trong thời gian qua, một buổi hội thảo với chủ đềNâng cao giá trị gạo xuất khẩu Việt Nam đã được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh sáng 12-9. Ngoài các vấn đề vĩ mô được các chuyên gia nhắc đi nhắc lại như xây dựng thương hiệu, phát triển logistics, quy hoạch vùng lúa gạo… thì nỗi khổ của người nông dân cũng được nhắc đến tại hội thảo, dù chỉ “lướt qua”. Cần nhận thấy rằng trong chuỗi giá trị lúa gạo, người nông dân vẫn là cái gốc, nhưng lại phải chịu nhiều thiệt thòi, ngay cả khi thực thi các chính sách hỗ trợ nông nghiệp của nhà nước.
Từ bị doanh nghiệp ép giá
Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) là đơn vị quyết định giá sàn xuất khẩu gạo (hay còn gọi là giá định hướng xuất khẩu). Việc tính toán giá sàn gạo xuất khẩu theo từng tiêu chuẩn, phẩm cấp gạo bình quân chung của ngành, công bố giá sàn gạo xuất khẩu ngay từ đầu vụ và phù hợp với từng thời kỳ để làm cơ sở cho các doanh nghiệp ký kết hợp đồng xuất khẩu gạo. Trước đây, VFA thường quy định cụ thể giá sàn xuất khẩu gạo tối thiểu của từng chủng loại gạo 5%, 15% và 25% tấm để kiểm soát tình trạng doanh nghiệp bán phá giá lẫn nhau trong ký kết hợp đồng. Đầu năm 2013, nhận định tình hình xuất khẩu gạo ngày càng khó khăn, VFA đã điều chỉnh quy định đối với giá sàn theo hướng buông, không quản lý chặt, nhằm giúp khơi thông dòng chảy xuất khẩu gạo, giải cứu thị trường nội địa hay nói đúng hơn là giải cứu doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Theo đó, VFA chỉ công bố một mức giá sàn duy nhất đối với chủng loại gạo có chất lượng thấp nhất (gạo 25% tấm) với 370 đôla Mỹ/tấn. Và doanh nghiệp được tự do ký hợp đồng xuất khẩu, miễn không dưới mức giá sàn này.
Bốc xếp gạo xuất khẩu
Ngay sau khi giá sàn được thay đổi, tình hình xuất khẩu gạo của doanh nghiệp trong nước được cải thiện một cách rõ rệt. Trong quý I năm 2013, xuất khẩu gạo trên cả nước đạt gần 1,4 triệu tấn với tổng giá trị trên 616 triệu USD, tăng trên 34% về lượng nhưng lại giảm gần 6% về giá trị so với cùng kỳ. Ban đầu, VFA đã nhận định một cách lạc quan rằng giá gạo xuất khẩu sụt giảm liên tục là do cạnh tranh ngày càng gay gắt từẤn Độ, Thái Lan và một số nước xuất khẩu gạo lớn khác. Nhưng trên thực tế, giá giảm bắt nguồn từ việc giảm giá sàn. Thương nhân “vô tư” hạ giá xuất khẩu để giành hợp đồng mà vẫn an toàn về hiệu quả kinh doanh còn nông dân mới là người chịu thiệt. Vì doanh nghiệp căn cứ vào giá gạo xuất khẩu (có khấu trừ chi phí hao hụt) để thu mua nguyên liệu đầu vào. Giá xuất khẩu giảm dẫn đến tình trạng nông dân bị ép bán lúa, gạo cho thương nhân với giá rẻ hơn.
Một số trường hợp thương nhân ký hợp đồng mua lúa gạo với giá sàn nhưng đến khi thu mua trực tiếp thì ép giá thấp hơn giá thỏa thuận với lý do giá xuất khẩu gạo trên thị trường sụt giảm. Thậm chí có doanh nghiệp còn tự ý chào bán dưới giá sàn mà vẫn chưa có chế tài để xử lý hoặc cảnh cáo. Sự “tự tung tự tác” của doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong thời gian qua chính là nguyên nhân khiến người nông dân có thói quen giao thương với thương lái, cò lúa, cò gạo để có thể bán lúa gạo với giá tốt hơn.
Đến “trả ruộng, trống chuồng”
Những khó khăn trong tiêu thụ lúa gạo đã dẫn đến tình trạng nông dân bỏ ruộng ngày càng nhiều từ đầu năm đến nay. Tại hội thảo, các chuyên gia cũng đã tỏ ra lo ngại khi đề cập đến phong trào “trả ruộng, trống chuồng” diễn ra trên cả nước. Tuy chưa có báo cáo chính thức từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, nhưng theo con số sơ bộ các tỉnh thì diện tích ruộng nông dân bỏ hoang trung bình mỗi tỉnh là trên 100ha. Nhiều người quen với đồng ruộng đã quyết định bỏ nông thôn để tìm kiếm cơ hội “đổi đời” ở các thành phố lớn, nhất là những người trẻ tuổi. Sức hút từ đô thị có thể là một lý do khiến nông dân bỏ làng nhưng đó không phải là nguyên nhân chính. Bức tranh về nông thôn, nông dân Việt Nam được phản ánh từ báo cáo “Tiếp cận nguồn lực hộ gia đình” do nhóm nghiên cứu thuộc các tổ chức phi chính phủ kết hợp với Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông thôn Việt Nam mới đây cho thấy, hiện đã có hơn 80% tổng số lao động trẻ từ nông thôn di cư đến các khu công nghiệp, khu chế xuất ở các thành phố lớn. Hơn một nửa trong số đó cho biết nguyên nhân là do họ không hài lòng với thu nhập từ đồng ruộng.
Nếu trồng một năm hai vụ lúa thì thu nhập bình quân của nông dân miền Trung chỉ đạt 120 ngàn đồng/tháng, còn nông dân ở Đồng bằng sông Cửu Long là khoảng 550 ngàn đồng/tháng. Như vậy, có khoảng 50% số hộ gia đình không đủ tài chính để vượt qua các “cú sốc” như thiên tai, dịch bệnh chứ chưa nói đến việc thu hồi đất… Hiện nay, tình trạng bỏ ruộng ở miền Bắc và miền Trung phổ biến hơn miền Nam, cho đến nay đã là có đến 1.000ha đồng ruộng bỏ hoang. Các chuyên gia đều nhận định đây là một sự lãng phí lớn về đất đai cũng như nguồn lực đặc biệt nhưng biện pháp để cải thiện tình trạng này vẫn còn bỏ ngỏ. VFA khuyến khích nông dân bán lúa khô để có giá tốt hơn lúa tươi nhưng hầu hết nông dân đều nôn nóng bán nhanh để trang trải nợ nần. Cũng khó trách người nông dân khi họ bán lúa, gạo một cách manh mún, không tập trung vì từng hộ bán cho thương lái dễ dàng và nhanh chóng hơn rất nhiều so với việc tập hợp nhiều hộ để cùng bán cho một doanh nghiệp. Thêm vào đó, chính phủ vẫn chưa có chiến lược thu mua, tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp một cách khả thi nên nông dân phải chịu vừa mất mùa, vừa mất giá.
Đã nghèo lại càng nghèo hơn
Người nông dân với thu nhập rất thấp lại phải đóng góp nhiều khoản phí khác nhau. Năm 2012, thu nhập bình quân của mỗi hộ gia đình nông dân chỉ đạt 1.458.000 đồng/tháng, tức là chỉ khoảng 4,2 triệu đồng/năm. Trong khi đó, bình quân mỗi hộ phải chịu từ 30 đến 40 khoản đóng góp, mỗi khoản có mức giá từ 250-800 ngàn đồng/hộ/năm, trong đó hai khoản nặng nề nhất là xây dựng công trình giao thông nông thôn và xây dựng trường học, bình quân là từ 672-872 ngàn đồng/hộ/năm.
Từ đầu năm đến nay, giá lúa gạo ngày càng giảm còn giá phân bón, vật tư nông nghiệp không ngừng tăng, ước tính tới 30% so với năm ngoái. Thêm vào đó, giá các mặt hàng sinh hoạt thiết yếu cũng tăng chóng mặt càng đẩy nông dân vào cảnh khốn khó. Không ít hộ nông dân này càng lún sâu trong vòng xoáy nợ nần, từ vay tiền đầu tư mùa vụ đến tiền chi tiêu sinh hoạt hằng ngày với mức lãi suất không dưới 10%/tháng.
Nhà nước đã đề ra nhiều chính sách đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, chính sách cho sản xuất lúa gạo cũng không ít, nhưng vẫn quá xa tầm tay với của người nông dân vì nhiều lý do. Chẳng hạn như nghị quyết 63/NQ-CP về an ninh lương thực, đảm bảo lợi nhuận của người nông dân phải đạt 30%. Tuy nhiên, trên thực tế thì chưa đến 7% hộ nông dân bán lúa, gạo trực tiếp cho doanh nghiệp xuất khẩu thì khó mà thực thi chính sách này. Hay như quyết định 63 hỗ trợ nông dân mua máy gặt đập liên hợp nhưng lại “làm khó” người dân bằng cách buộc họ phải mua máy trong nước với 60% thiết bị nội địa mới được hỗ trợ. Dù được hỗ trợ ngay 20 triệu đồng, 160 triệu còn lại được vay với lãi suất 0% nhưng nông dân vẫn tỏ ra thờơ vì chất lượng máy trong nước rất kém, tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch lớn, lại mau hỏng, có trường hợp đã mua máy rồi chỉ được tận dụng vào việc chuyên chở lúa thay vì cắt lúa.
Chính sách cấp tỉnh tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hiện chủ yếu tập trung khuyến cáo người nông dân tập trung sản xuất các giống lúa nhằm nâng cao chất lượng lúa gạo. Trong khi đó, thương lái và các nhà máy xay xát ở khu vực này chủ yếu thu mua giống lúa gạo tẻ thường, người nông dân không bán được lúa càng khốn đốn hơn. Giá bán lúa chất lượng cao chỉ chênh lệch từ 200-500 đồng/kg nên dù chủ trương hạn chế sử dụng giống lúa IR50404 nhưng khá nhiều hộ nông dân tại An Giang vẫn ưu tiên trồng giống lúa này vì năng suất cao, dễ trồng, ít sâu bệnh, chịu đất phèn.
Chính phủ có lẽ không thể thực hiện được giải pháp bình ổn lúa gạo như cách làm của chính phủ Thái Lan và Ấn Độ, mua lúa của nông dân tồn đọng trữ vào kho của nhà nước rồi chờ đến khi giá thích hợp mới bán để nông dân luôn đảm bảo được lợi nhuận tối thiểu. Nhưng ít nhất, chính phủ nên có những chính sách lúa gạo phù hợp hơn dựa trên việc đi sâu, đi sát nguyện vọng của người nông dân. Cần nhận thấy đã có rất nhiều chủ trương không phù hợp với điều kiện sống của người dân chân lấm tay bùn, chẳng hạn như việc mua bảo hiểm nông nghiệp. Có đến 45% hộ nông dân vẫn đang vay nợ để trồng trọt, chăn nuôi thì lấy đâu ra tiền để mua bảo hiểm, đó là chưa kể đến những điều khoản bảo hiểm quá phức tạp đối với người nông dân.
Đối với những người làm chính sách thì cần tâm niệm rằng: nông dân chính là cái gốc của ngành, gốc của chuỗi giá trị gia tăng trong xuất khẩu lúa gạo, gốc phải an thì ngành xuất khẩu lúa gạo mới thật sự bền vững. Thiết nghĩ, Quỹ dự trữ lúa gạo quốc gia là yêu cầu bức thiết khi Quỹ bình ổn lúa gạo quốc gia hoạt động không hiệu quả như hiện nay, để người nông dân luôn yên tâm là lúa trồng ra luôn có người mua.
Xuân Lộc