Theo số liệu mới nhất của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), trong giai đoạn 2013-2017, vận chuyển hàng hóa quốc tế bằng đường hàng không của Việt Nam xếp thứ 7 thế giới về tốc độ tăng trưởng với con số 6,6%/năm. Tuy nhiên, nhiều người trong ngành cho rằng vận tải hàng không Việt Nam vẫn chưa phát triển đúng tầm với những tiềm năng đang có.
Tại hội nghị Hậu cần vận tải hàng không Việt Nam 2017 diễn ra ngày 22-4 vừa qua, ông Đỗ Xuân Quang – Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam cho biết hiện nay, mỗi tuần cả nước có khoảng 1.000 tấn hàng hóa được vận chuyển qua đường hàng không. Năm 2016, trong 1,4 triệu tấn tổng hàng hóa vận chuyển bằng máy bay thì hàng hóa vận chuyển trong nước chiếm gần 1 triệu tấn.
Theo ông Xuân Quang, thương mại điện tử đang và sẽ tiếp tục góp phần vào sự tăng trưởng của logistics đường hàng không. Còn theo nhận định của ông Rodrigo Reye – Quản lý IATA về hàng hóa tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương thì thương mại điện tử ngoài việc gây ảnh hưởng đến chi phí dịch vụ của logistics hàng không, mặt khác cũng là một trong những thách thức đối với ngành này. Chính vì vậy ngành hàng không Việt Nam cần áp dụng các tiến bộ của công nghệ như thương mại điện tử vào quản lý, vận hành, kinh doanh để giảm được chi phí logistics.
Ông Stanlay Lim, Giám đốc quản lý hàng hóa khu vực châu Á – Thái Bình Dương của IATA cho rằng trong bối cảnh Việt Nam cùng các nước trên thế giới đang có những bước đi mạnh mẽ nhằm dỡ bỏ các rào cản thương mại giữa các nước, nhu cầu vận chuyển hàng hóa trên thế giới sẽ ngày càng gia tăng. Các vấn đề logistics quốc tế và trong nội địa đang đặt ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp Việt Nam, nên đây cũng là lộ trình mà các doanh nghiệp cần phải hiểu được yêu cầu của thị trường để đổi mới, phát triển theo xu thế chung của thế giới.
Cũng nói về thương mại điện tử, Giám đốc Khu vực hàng hóa Thổ Nhĩ Kỳ, châu Á – Thái Bình Dương Husenyin Ceyhan cho rằng cần gia tăng sự hợp tác về vận chuyển hàng hóa để tạo ra mối liên kết, hợp tác tốt hơn giữa các hãng vận chuyển hàng không. “Sự hợp tác giữa gửi hàng và hàng không tạo ra đơn hàng ổn định và mức lợi nhuận hợp lý cho hãng hàng không, hàng hóa”, ông Husenyin Ceyhan cho biết thêm.
Theo ông Đỗ Xuân Quang, việc kết nối sản xuất với tiêu dùng, kết nối các phương tiện vận tải chưa chặt chẽ… là điểm yếu của ngành hàng không Việt Nam hiện nay. Ngoài ra, các hãng hàng không nội địa dù đã có mức tăng trưởng nhanh nhưng chưa đủ năng lực cạnh tranh với hãng hàng không quốc tế ở những đơn hàng lớn; bến bãi, đường bay còn nhỏ hẹp, quá tải. Bên cạnh đó, ngành vận tải hàng không Việt Nam cũng đang phải đối mặt với không ít thách thức do khủng hoảng kinh tế thế giới chưa được khôi phục hoàn toàn ở các thị trường lớn như Mỹ, EU; giá xăng dầu dao động ở biên độ lớn; thị trường còn phụ thuộc theo mùa…
Số liệu của IATA cho biết đến nay đã có 58 hãng hàng không vận chuyển hàng hóa ở Việt Nam, sự tăng trưởng này đặt ra yêu cầu các sân bay phải liên tục đầu tư và phát triển để đáp ứng được nhu cầu thực tế. Hiện tại và sắp tới, việc thiếu nhân lực trong ngành hàng không cũng là một trong những thách thức lớn cho logistic hàng không Việt Nam.