Vấn đề ra đi hay ở lại với EU từng gây chia rẽ sâu sắc trên cả chính trường lẫn ngoài xã hội nước Anh nay đang được rút ngắn dần và có thể tạo thuận lợi cho bà thủ tướng Theresa May trong kỳ bầu cử sớm vào tháng 8 tới đây.
Hồi tháng 6-2016, đa số cử tri Anh đã chọn Brexit nhưng chênh lệch giữa phe ra đi và phe ở lại với EU không nhiều, 52% so với 48%. Theo kết quả thăm dò dư luận gần đây nhất, khoảng cách nay đã được nới rộng khi Thủ tướng May và chính phủ đã thành công trong nỗ lực lèo lái nền kinh tế đất nước vượt khó.
Hiện có 69% người dân Anh mong muốn tiến trình ra khỏi EU và chỉ 21% muốn điều ngược lại. Một số ít người không có ý kiến trong cuộc thăm dò. Rõ ràng bà May đang thành công trong mục tiêu chiến lược rất quan trọng: đoàn kết quốc gia và củng cố quyền lực bằng tính chính danh để rộng đường triển khai các chính sách đối nội lẫn đối ngoại.
Khi tuyên bố bầu cử sớm, bà Theresa May cho rằng người dân Anh mong muốn tự mình kiểm soát luật lệ, tài chính và đường biên giới, đồng thời sẽ tập trung khai thác những quan ngại của cử tri về vấn đề chủ quyền, nhập cư, an ninh cũng như triển vọng kinh tế để thu hút lá phiếu.
Theo nhận định của giới chuyên gia người Anh, trong cuộc tuyển cử tới đây sự chia rẽ về quan điểm giữa các chính đảng sẽ tập trung vào các lĩnh vực kinh tế, lương hưu, giáo dục và cả việc người dân Scotland muốn sớm tiến hành cuộc trưng cầu dân ý lần thứ hai về nền độc lập, tức tách khỏi Vương quốc Anh.
Hiện nay giới chuyên gia đang nêu lên một số khía cạnh tác động lớn đến cuộc tổng tuyển cử, cho dù Brexit vẫn giữ vai trò chủ đạo. Vấn đề trước tiên và quan trọng nhất là làm thế nào để kinh tế Anh tiếp tục đi lên.
Kinh tế Anh nhìn chung đã rất thành công trong vấn đề việc làm kể từ sau khủng hoảng tài chính, nhưng vẫn chưa nâng cao được chất lượng và năng suất của người lao động mà các đảng vẫn chưa thống nhất được đâu là nguyên nhân của tình trạng này.
Công đảng cho rằng sự can thiệp của nhà nước sẽ đưa nền kinh tế thành công. Đảng này cam kết đầu tư 500 tỉ bảng vào lĩnh vực công nghiệp thông qua một ngân hàng đầu tư quốc gia, đồng thời muốn kiểm soát chi phí nhà đất, chính sách năng lượng và mức tăng lương tối thiểu.
Đảng Bảo thủ lại ủng hộ chiến lược công nghiệp trong đó nhắm tới việc thành lập các trung tâm sáng tạo trong những lĩnh vực như công nghệ pin, các kế hoạch phối hợp đào tạo và bổ sung ngân sách cho lĩnh vực khoa học.
Về vấn đề lương hưu, thuế và phúc lợi, trong khi Công đảng và đảng Dân chủ – Tự do muốn phân phối lại của cải của người giàu cho người nghèo, cũng như hỗ trợ việc đánh thuế tài sản thì đảng Bảo thủ luôn giữ quan điểm phản đối. Các đảng còn lại đều phản đối đề xuất cắt giảm phúc lợi cho những người không lãnh lương hưu.
Chính những bất đồng quan điểm giữa các đảng sẽ đặt cử tri trước sự chọn lựa trong cuộc bầu cử sắp tới.
- Đ.N
Xem thêm: