Trận động đất 7,8 độ Richter ngày 25-4 vừa qua chẳng những làm thiệt mạng 7-8 ngàn người mà còn để lại nhiều di chứng nặng nề, ảnh hưởng lâu dài lên đời sống kinh tế – xã hội Nepal. Với tâm chấn là quận Lamjung nằm ở phía tây bắc thủ đô Kathmandu và phía nam biên giới với Trung Quốc, trận động đất làm rúng động cả lãnh thổ Nepal, làm sụp đổ nhiều mảng tuyết ở dãy Himalaya, gây thương vong cho nhiều người đang cắm trại trên đỉnh Everest. Theo tin từ Liên Hiệp Quốc, trong 75 quận ở phía tây và trung tâm của Nepal thì có đến 35 quận bị ảnh hưởng nặng nề của thiên tai này. Đó cũng là khu vực nghèo đói và bị bỏ quên nhiều nhất ở Nepal, nơi phần lớn nông dân phải cho con cái họ tha phương làm những việc cực nhọc, lương thấp tại Ấn Độ, Malaysia, các nước vùng Vịnh.
Đất nước Nepal có 27,8 triệu dân, xếp thứ 145 trong 187 nước về chỉ số phát triển con người (HDI), là một trong những nước nghèo nhất thế giới. Số nợ nước ngoài của Nepal hiện là 3,8 tỉ USD, trong đó chỉ riêng nợ Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã là 3 tỉ USD, chia đều mỗi nơi 1,5 tỉ USD. Ngoài ra, Nepal còn nợ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) 54 triệu USD, nợ Nhật Bản 133 triệu USD và nợ Trung Quốc 101 triệu USD. Để tìm một giải pháp cho nước này sau trận động đất khủng khiếp vừa qua, Jubilee USA Network, một liên minh của trên 75 tổ chức có trụ sở đặt tại Mỹ, cho rằng cần phải vận dụng Quỹ trợ giúp ngăn chặn và giảm nhẹ tai họa thuộc IMF (CCR) giúp Nepal trả phần lớn nợ nần để có điều kiện tái thiết nền kinh tế đã quá suy sụp, khi sự thiệt hại vừa qua lên đến trên 10 tỉ USD, bằng nửa tổng giá trị nền kinh tế cả nước. CCR mới được thành lập vào tháng 2 năm nay nhằm giúp các nước nghèo hồi phục sau những thiên tai nghiêm trọng hoặc các cuộc khủng hoảng y tế bằng cách cung cấp tiền giúp họ giảm nợ. Vừa đi vào hoạt động, CCR đã giúp nhiều nước bị dịch bệnh Ebola tấn công xóa gần 100 triệu USD nợ nần.
Bên cạnh những hỗ trợ về mặt tài chính, nhiều nước trên thế giới cũng đang nỗ lực giúp Nepal giải quyết nhiều mặt trong đời sống. Các đoàn cứu trợ xuất phát từ Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Ấn Độ, Pakistan, Trung Quốc, Israel, Singapore đổ về Kathmandu và tỏa ra nhiều hướng. Bộ Quốc phòng Mỹ cử một chuyến bay qua Nepal chở theo 70 nhân viên cứu nạn và vật dụng, hàng hóa trị giá 700 ngàn USD. Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) ước tính có 940 ngàn trẻ em sống trong những vùng bị tác động mạnh bởi trận động đất đang mòn mỏi chờ đợi viện trợ nhân đạo. Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) cũng đã cung ứng các khẩu phần thực phẩm khẩn cấp cho người bị nạn, trong khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) gửi thuốc men đủ cho nhu cầu của 40 ngàn người bệnh. Theo các chuyên gia y tế, số người cần hỗ trợ y tế trong thời gian tới đây sẽ còn cao hơn. Hiện nay, hàng chục ngàn người dân Nepal đang phải sống trong các lều trại tạm bợ, thiếu chăn màn, nước sạch, các điều kiện vệ sinh tối thiểu. Tại thung lũng Kathmandu, bệnh viện đông chật người, không đủ cả chỗ chứa tử thi, vật dụng y tế thiếu thốn. Trong lúc IMF và tổ chức trực thuộc CCR đang triển khai những nỗ lực ban đầu thì Ngân hàng Thế giới (WB) chưa đưa ra một chương trình tương tự. Các chuyên gia và tổ chức hoạt động xã hội hy vọng là định chế tài chính này sẽ sớm phát động những chương trình hành động phù hợp với chức năng của họ.
Lê Nguyễn tổng hợp (DNSGCT)