Để góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, những năm gần đây, phong trào tiêu dùng xanh đã được phát động trên cả nước nhằm kêu gọi mọi người tiêu dùng thông minh, chọn những sản phẩm vừa có lợi khi sử dụng, vừa có tính năng thân thiện với môi trường. Với sự nhiệt tình và hiểu biết của mình, giới trẻ cũng tham gia, vào cuộc bằng nhiều cách khác nhau. Một trong những ý tưởng sáng tạo nhỏ nhưng mang lại hiệu quả lớn là “Cẩm nang xanh cho người nội trợ” của Đặng Huỳnh Mai Anh – sinh viên Trường Đại học Ngoại thương, cơ sở II tại TP.HCM.
Mai Anh đã tham dự chương trình tìm kiếm Đại sứ Môi trường của Công ty Bayer năm 2012 bằng dự án này và được chọn làm đại sứ của Việt Nam sang Đức hội tụ cùng các đại sứ thế giới, và là một trong ba người được vinh dự trao tặng danh hiệu Nhà lãnh đạo môi trường toàn cầu. Trở về sau chuyến đi, Mai Anh tích lũy thêm nhiều kiến thức về môi trường và tiếp tục phát triển dự án của mình để đưa cẩm nang xanh đến tay nhiều người nội trợ hơn. Cùng với những cộng sự là những bạn trẻ chung chí hướng, nhóm bạn của Mai Anh đã gặt được quả ngọt mùa đầu tiên khi những cuốn Cẩm nang xanh ra đời, được nhiều bà nội trợ xa gần đón nhận, ngợi khen.
Xuất phát điểm của ý tưởng
Dự án “Cẩm nang xanh cho người nội trợ” xuất phát rất ngẫu nhiên từ một câu hỏi của mẹ tác giả. Mai Anh kể: “Trong một lần xem tivi cùng mẹ có chương trình về môi trường và mẹ tôi đã hỏi tại sao các phong trào về môi trường đều dành cho giới trẻ mà không có chương trình nào dành cho những người nội trợ. Câu hỏi của mẹ quả là hợp lý. Tôi bắt đầu suy nghĩ và thấy rằng đúng là người nội trợ có vai trò quan trọng trong việc tái chế và bảo vệ môi trường, vì họ là người thu gom những phế liệu trong gia đình. Sau đó, tôi để ý thấy phần lớn những người nội trợ rất yêu thích những cuốn cẩm nang nấu ăn nên tự hỏi tại sao mình không làm một cuốn cẩm nang tương tự về vấn đề tái chế và bảo vệ môi trường. Thế là tôi bắt tay vào thực hiện dự án này”.
Mai Anh cùng với mẹ và bản thảo Cẩm nang xanh
Khi nhắc đến công việc nội trợ, người ta nghĩ đến nấu nướng, bếp núc, dọn dẹp nhà cửa… nhưng Mai Anh lại nghĩ việc nội trợ rất gần gũi với việc tái chế phế liệu và bảo vệ môi trường. Mai Anh tự hỏi và trả lời, trong công việc hằng ngày, người nội trợ sử dụng nhiều điện, nước, vậy tại sao không hướng dẫn cho họ cách sử dụng hiệu quả điện, nước? Rồi trong việc thu dọn chai, lọ, giấy báo, vật dụng cũ… cũng có thể vận dụng nhiều cách tái chế khác nhau để tái sử dụng, nhưng không phải ai cũng nghĩ đến và biết cách làm. Những người nội trợ thường có thời gian rảnh, có thể đóng góp cho xã hội một cách thiết thực về môi trường thì tại sao không khuyến khích họ tham gia? “Tôi muốn mẹ không chỉ vui vì đi chợ mua được những món hàng ngon và rẻ, mà còn vui hơn khi tự tái chế, tái sử dụng đồ vật, tiết kiệm một khoản chi tiêu. Chúng tôi sẽ không phải ráng ăn hết thức ăn thừa, vì bỏ thì tiếc rẻ khi có thể tái chế biến phần thức ăn thừa thành món ăn ngon lành mới. Tôi muốn những bà nội trợ hàng xóm thay vì tán gẫu những câu chuyện phiếm sẽ có chủ đề trò chuyện về môi trường, chia sẻ những kinh nghiệm tiết kiệm và tái chế. Những bà nội trợ không chỉ loanh quanh với việc nhà cửa, bếp núc mà mỗi ngày qua đi của họ đều được ghi nhận bằng hành động vì môi trường, vì hành tinh xanh và vì sự phát triển bền vững” – Mai Anh bày tỏ suy nghĩ của mình.
Hành trình ra đời Cẩm nang xanh
Dù là những người không chuyên về thiết kế nhưng Mai Anh cùng các bạn mày mò phác thảo, chỉnh sửa nhiều lần sao cho nội dung thể hiện được súc tích, cách trình bày dễ hiểu. Cuốn sách mỏng gồm 20 trang, tập hợp những thông tin bổ ích, cung cấp cho người nội trợ nhiều phương pháp tiết kiệm và sử dụng sản phẩm xanh trong gia đình. Từ những thông tin đơn giản như rửa chén như thế nào để tiết kiệm nước, cách nhận biết các sản phẩm xanh…, các bà nội trợ sẽ thấy dù đó là những điều rất nhỏ nhặt, nhưng nếu biết cách xử lý đúng thì sẽ góp phần tạo được kết quả lớn.
Mai Anh (đứng giữa) cùng hai đại sứ đến từ Kenyavà Costa Rica nhận giải thưởng Nhà lãnh đạo môi trường Bayer toàn cầu 2012
Sau khi bản kế hoạch dự án được hình thành và gửi cho chương trình Đại sứ Môi trường Bayer, đến tháng 6-2012, Mai Anh bất ngờ khi biết dự án của mình được chọn và cô trở thành đại sứ chính thức của chương trình với phần thưởng là một chuyến đi khảo sát và giao lưu tại Đức. Niềm vui cũng là áp lực đối với Mai Anh vì kế hoạch có nhiều thay đổi so với dự tính ban đầu. Nhóm phải mất suốt hai tháng cho việc thiết kế, phải tham khảo hơn 50 nguồn khác nhau, thực hiện bốn cuộc khảo sát đối với hơn 200 người nội trợ tại TP.HCM để giới thiệu phiên bản chính thức.
Dự án dù được sự quan tâm của truyền thông, nhưng để phát triển lại không đơn giản vì gặp nhiều khó khăn, nhất là về kinh phí. Sau nhiều lần “gõ cửa” trình bày với nhiều doanh nghiệp nhưng không nhận được sự hợp tác, các bạn trẻ phải tự thực hiện. “Không tìm được tài trợ, chúng tôi nghĩ ra ý tưởng phiên bản thương mại của cẩm nang. Thế là dự án nhận đặt hàng qua internet và bán hết 600 bản cẩm nang tích hợp thiệp trong ba ngày cho đối tượng chính là các bạn trẻ, vượt 100 so với số lượng đặt” – Mai Anh nhớ lại. Có người nói Mai Anh “bất thường” khi làm cẩm nang cho người nội trợ mà lại bán cho sinh viên, học sinh, nhưng cô lại suy nghĩ, trong gia đình những người có tác động lớn đến người mẹ chính là con của họ. Không thể nhanh chóng tiếp cận trực tiếp với các bà nội trợ, thông qua các bạn trẻ, Mai Anh vẫn chuyển thông điệp của Cẩm nang xanh đến các bà nội trợ. Đó là món quà thể hiện sự quan tâm, yêu thương của con cái đối với mẹ của họ.
Cẩm nang tới tay người nội trợ
Nhóm trưởng Mai Anh chia sẻ: “Qua cuốn cẩm nang này, tôi không có tham vọng thay đổi được cách nghĩ và cách làm của tất cả các bà nội trợ, nhưng tôi sẽ làm tất cả những gì có thể để thay đổi thói quen của những bà nội trợ mà tôi biết”. Trên trang Facebook cá nhân, sau khi chia sẻ thông tin về việc thực hiện Cẩm nang xanh, Mai Anh hỏi các bạn của mình: “Có bao nhiêu bà nội trợ xuất hiện trong cuộc sống của bạn? Tuy bạn có thể thay đổi họ bằng những việc rất to lớn, nhưng cũng có đôi khi là những điều rất nhỏ. Hãy tìm một công thức tái chế thiết thực và mách cho mẹ bạn. Chỉ thế thôi, bạn đã thay đổi được một người nội trợ rồi đấy”.
Cùng các bạn trong nhóm mang Cẩm nang xanh đến với người nội trợ
Cầm trên tay “đứa con tinh thần” của mình, Mai Anh muốn Cẩm nang xanh nhanh chóng đến với nhiều người nội trợ hơn. Tháng 11-2012, tài liệu này đã được giới thiệu tại Trung tâm Thể dục thẩm mỹ huyện Hóc Môn và tại tỉnh Bến Tre thông qua Chi hội phụ nữ. Tháng 12-2012, dự án tặng Cẩm nang xanh cho người nội trợ tại Tây Ninh được các mẹ, các chị rất quan tâm tìm hiểu. Cuối năm 2012, dự án nhận được tài trợ của mạng lưới Thế Hệ Xanh, in thêm 1.500 cuốn và tiếp tục phân phát cho người nội trợ. Sau đó, chuỗi dự án giới thiệu dự án được khởi động bằng buổi Coffee Share ở TP.HCM với sự tham gia của các bạn trẻ và người nội trợ nhằm chia sẻ câu chuyện làm cẩm nang, truyền cảm hứng và kết nối bạn trẻ với những người nội trợ trong việc bảo vệ môi trường.
Sự quan tâm của người nội trợ khi đón nhận Cẩm nang xanh từ tay các bạn trẻ
Vẫn đang tìm kiếm nhiều cách thức để làm phong phú hơn cho phiên bản mới của Cẩm nang xanh, Mai Anh nói: “Ai dám nói người nội trợ có tư tưởng bảo thủ, tôi thấy họ hay tìm tòi và rất ham học hỏi”. Hẳn đó là điều mà cô đã ghi nhận được khi đi tiếp xúc, giới thiệu Cẩm nang xanh đến tay các bà nội trợ trong suốt năm qua.
Ngân An
Ảnh Huỳnh Phạm