Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng việc “đồng hóa” vỉa hè như vậy chưa thật sự cần thiết, gây lãng phí lớn. làm thế nào để việc quản lý và cải tạo vỉa hè được thực hiện một cách bài bản, hợp lý, đảm bảo mỹ quan và vẫn giữ được nét “văn hóa vỉa hè” đặc trưng là điều được nhiều người quan tâm.
Vỉa hè đường Nguyễn Huệ nên được nâng cấp tương xứng
Vỉa hè thời hư đâu, sửa đó
Vỉa hè là nơi dành cho người đi bộ, phải giữ được sự thông thoáng, nhưng với người dân ở TP.HCM, hầu như ai cũng quen với việc thấy vỉa hè gồng mình gánh nhiều chức năng khác và thường xuyên bị lấn chiếm. Thành phố cũng đã nhiều lần thực hiện chỉnh trang vỉa hè, nhưng phần lớn làm theo kiểu hư đâu sửa đó nên không phải vỉa hè được cải tạo xong là đẹp, là tốt. Có những đoạn vỉa hè chỉ sau vài năm đã xuống cấp, lại phải đào lên làm lại như theo một chu kỳ “đến hẹn lại lên”. Ông Đức, một cán bộ về hưu ở quận 1 cho biết, có những vỉa hè được làm từ thời Pháp, chỉ đơn giản là tráng xi măng hay lát đá xanh nhưng rất bền, nhưng đã dần bị mất đi, ví dụ các đoạn vỉa hè đường Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Du, Pasteur… “Những vỉa hè đó là một phần của lịch sử, là văn hóa, là ký ức của người dân Sài Gòn, đáng lẽ cần được gìn giữ” – ông nói.
Trước đây, việc chỉnh trang, cải tạo vỉa hè ở TP.HCM được giao trực tiếp cho các cấp quận, phường quản lý nên mỗi nơi làm mỗi cách, kết quả là trên cùng một tuyến đường, nhưng nếu khác phường, khác quận thì gạch lát vỉa hè cũng khác nhau! Tình trạng vỉa hè không đồng nhất về chất liệu và màu sắc gạch lát, chỗ cao chỗ thấp chẳng khác gì chiếc áo vá vụng về, thiếu thẩm mỹ. Đến cuối năm 2009, thành phố đã có chủ trương xem xét lại quy định chung đối với việc chỉnh trang, cải tạo các vỉa hè và thống nhất giao cho Sở Giao thông Vận tải quản lý.
Suốt một thời gian dài, việc đầu tư và cải tạo vỉa hè ở TP.HCM thiếu sự kết hợp đồng bộ giữa các đơn vị có liên quan như giao thông vận tải, điện lực, viễn thông… Người dân than phiền khi vỉa hè vừa mới được chỉnh trang, cải tạo đã bị đào lên để thi công nhiều công trình ngầm khác gây lãng phí lớn. Nhưng đến nay tình trạng này vẫn chưa được khắc phục.
Và “đồng hóa” vỉa hè
Là quận trung tâm thành phố, có nhiều tuyến đường tập trung đông khách du lịch nên đầu năm 2009, quận 1 chi hơn trăm tỉ đồng để đồng loạt cải tạo vỉa hè trên nhiều tuyến đường của quận. Với mục đích tăng vẻ mỹ quan đô thị bằng chủ trương “mặc đồng phục” cho vỉa hè nên dù trên một số tuyến đường như Mạc Đĩnh Chi, Lý Tự Trọng, Nguyễn Du, Đồng Khởi…, gạch con sâu lót vỉa hè còn khá tốt vẫn bị lật lên để thay mới bằng gạch terrazzo. Riêng vỉa hè ở một số tuyến đường như Lê Duẩn, Nam Kỳ Khởi Nghĩa… được thay mới bằng gạch granite đắt hơn nhiều lần so với gạch thông thường.
Thế nhưng, theo nhận định của một số chuyên gia, việc chỉnh trang, cải tạo vỉa hè đồng loạt là chưa cần thiết. Loại gạch terrazzo mới có kích thước lớn, khả năng chịu lực kém nên dễ vỡ, lại không có khả năng thấm, hút nước tốt. Mới sau hai năm sử dụng, trên một số vỉa hè, loại gạch này đã bắt đầu xuống màu, bong tróc, vỡ… Việc cải tạo vỉa hè khá đơn giản, nhưng khi thực hiện cũng phải xem xét, tính toán cho hợp lý. Chẳng hạn, chỉ nên sử dụng chất liệu đá granit cho các con đường mà ở đó hệ thống hạ tầng đã ổn định để tránh lãng phí.
TP.HCM nên có vỉa hè rộng rãi, có nhiều mảng xanh như thế này (Trong ảnh: vỉa hè đường Nguyễn Thị Minh Khai, trước công viên Tao Đàn)