Jeff Bezos đã trở thành người đàn ông giàu nhất thế giới, với tài sản khoảng 125 tỉ đôla. Nhà sáng lập của Amazon này là một trong những người đầu tiên hiểu được những “luật lệ mới” của nền kinh tế kỹ thuật số.
Ông nắm bắt những quy tắc luật lệ của thị trường trực tuyến nhanh hơn những người khác. Điều này là do chính ông đã viết nên những quy tắc đó. Lá thư của ông gửi những cổ đông của công ty được công bố hằng năm kể từ khi Amazon trở nên phổ biến vào năm 1997 là lời lý giải tốt nhất cho việc làm cách nào để phát triển mạnh trong nền kinh tế kỹ thuật số.
Những nội dung chính trong thư ông viết có thể được tóm tắt ngắn ngọn bởi các cụm từ sau: nghiên cứu khách hàng, đầu tư dài hạn, khai thác mạng lưới khách hàng để tiến xa hơn, và tập trung vào việc cung cấp trải nghiệm khách hàng tốt, kết hợp cung cấp giá cả cạnh tranh trên môi trường trực tuyến. Vào năm 1999, Bezos viết: “Tầm nhìn của chúng tôi là sử dụng thị trường này để xây dựng nên một công ty toàn cầu tập trung vào khách hàng – là nơi khách hàng có thể tìm đến và khám phá bất kỳ thứ gì họ muốn có và muốn mua hàng trực tuyến”.
Theo Financial Times, tại Amazon, ông Bezos đã triển khai việc thực hiện tầm nhìn đó rất tốt và hiệu quả. Một cuốn sách mới của Viktor Mayer-Schönberger và Thomas Rangecũng đã đề cập đến nội dung về việc trên lý thuyết, tầm nhìn đó sẽ có hiệu quả như thế nào.
Trong kỷ nguyên của thị trường dữ liệu kỹ thuật số như hiện nay, các nhà nghiên cứu đưa ra các đối số tương quan nhưng trái ngược. Thứ nhất, họ cho rằng dữ liệu kỹ thuật số đã thay thế phương pháp bán hàng truyền thống trên diện rộng, và là dấu hiệu tích cực cho sự phát triển hiệu quả của nền kinh tế. Thứ hai, thị trường dữ liệu kỹ thuật số sẽ khiến phương thức hoạt động của các công ty truyền thống trở nên “lỗi thời”, gây ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế và lực lượng lao động của nước ta.
Theo các tác giả, trong nhiều thế kỷ, giá cả đóng vai trò là một cơ chế thị trường kỳ diệu, kết nối người bán và người mua, người tiêu dùng và nhà sản xuất. Hàng triệu giao dịch đã diễn ra hằng ngày trên toàn thế giới và được điều chỉnh bằng “bàn tay vô hình” của thị trường.
Friedrich von Hayek, nhà kinh tế học người Áo, cho hay: “Thị trường về cơ bản là một cơ chế đặt hàng, nó lớn lên mà không ai hoàn toàn hiểu về nó, nó cho phép chúng ta sử dụng thông tin rộng rãi về dấu hiệu của những thói quen mà chúng ta thường bỏ qua “.
Tuy nhiên, hiện tại, sự hấp dẫn lại xuất hiện ở những thị trường trực tuyến với lượng dữ liệu khổng lồ. Những thị trường đó tập trung đầu tư vào cơ chế đặt hàng hiện đại hơn, giúp cấu trúc lại kho thông tin và giảm bớt việc bỏ sót thông tin từ khách hàng tiềm năng. Thị trường này giúp kết nối người mua và người bán bằng cách tìm hiểu “khẩu vị” mua hàng của người mua, ví dụ như sở thích cá nhân, thời gian linh hoạt, sự tiện lợi, v.v… Những yếu tố này có sức hấp dẫn hơn rất nhiều so với giá rẻ.
Nếu các dữ liệu kỹ thuật số thực sự có thể thay thế giá cả để trở thành cơ chế mua hàng thuận tiện, cung cấp các thông tin liên quan, kết nối người mua và người bán dựa trên nền tảng thông tin, giúp cho nền kinh tế hoạt động hiệu quả hơn, thì điều này sẽ “đe dọa” rất nhiều doanh nghiệp truyền thống. Về bản chất, các doanh nghiệp tồn tại bởi họ có thể phối hợp các hoạt động của con người hiệu quả hơn thị trường phân cấp. Các doanh nghiệp hoạt động với tư cách pháp nhân, huy động vốn chủ sở hữu, phòng vệ rủi ro và chia nhỏ việc quản lý tài sản doanh nghiệp.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng cho rằng sự tăng lên và lớn mạnh của các doanh nghiệp “khủng” – ví dụ như Google, Apple, Alibaba và Samsung – sẽ có ảnh hưởng vô cùng lớn đến sự tồn tại của các doanh nghiệp truyền thống. Những doanh nghiệp biết tận dụng và khai thác sự tiện dụng của công nghệ dữ liệu kỹ thuật số sẽ “nở hoa”, còn lại, sẽ chết.
Với vai trò người tiêu dùng, chúng ta có thể tận hưởng những dịch vụ tuyệt vời mà thị trường dữ liệu kỹ thuật số mang lại. Tuy nhiên, đứng trên vị thế của người lao động, chúng ta sẽ phải đối mặt với nguy cơ thất nghiệp. Khoảng 2/3 lực lượng lao động ở hầu hết các quốc gia được tuyển dụng bởi khoảng 200 triệu công ty đang vận hành hiện nay.
Các nhà nghiên cứu cũng đề cập đến vấn đề việc gia tăng tập trung sức mạnh thị trường sẽ có những tác động kinh tế và xã hội và những tác động này cần được quản lý cẩn thận. Đó cũng có thể có những tác động xấu tới sự đổi mới và sự cạnh tranh. Trong một buổi phỏng vấn, ông Mayer-Schönberger lập luận rằng sự cải tiến, đổi mới sẽ góp phần cung cấp dữ liệu cho các hệ thống máy móc để nghiên cứu và tìm hiểu nhu cầu của khách hàng. Điều đó sẽ khiến cho các công ty khởi nghiệp gặp nhiều khó khăn để đạt được thành công.
“Khi sự đổi mới được dựa trên sự khéo léo của hoạt động con người, thì các công ty khởi nghiệp với những ý tưởng thông minh sẽ có cơ hội “đọ sức” cùng những ông lớn trên thị trường. Nhưng trong tương lai, những công ty sở hữu và biết phân tích những dữ liệu kỹ thuật số sẽ ngày càng cải tiến, phát triển hơn và dẫn đầu thị trường. Do đó, một công ty khởi nghiệp nhỏ sẽ khó mà cạnh tranh được” – ông chia sẻ.
Ông Mayer-Schönberger cũng cho rằng chính phủ nên thu thập dữ liệu “thuế” của các doanh nghiệp khủng, cho phép các đối thủ cạnh tranh tiếp cận một số trong những tài sản dữ liệu của họ để kích thích sự cạnh tranh. Ông liên hệ tới thị trường bảo hiểm ôtô của Đức, ở thị trường đó, những tổ chức lớn bắt buộc phải chia sẻ dữ liệu của họ cho những đối thủ cạnh tranh nhỏ hơn.
Nếu toàn bộ những nghiên cứu này là đúng, thì chúng ta cần phải suy nghĩ về những ý tưởng sáng tạo, cấp tiến để có hướng phát triển phù hợp và đưa xã hội đi lên. Kỷ nguyên của dữ liệu kỹ thuật số có thể cung cấp những dịch vụ đáng kinh ngạc – như Amazon đã cho chúng ta những trải nghiệm tuyệt vời. Nhưng mặt khác, nó cũng có thể sẽ ảnh hưởng đến nền tảng thị trường mà chúng ta đã xây dựng từ bao đời nay.