Từ nay đến năm năm tới, nước Pháp sẽ chi 1,5 tỉ euro để thu hút và giữ chân các nhà nghiên cứu tốt nhất. Phát biểu tại Collège de France – cơ sở giáo dục tinh hoa của Pháp, Tổng thống Emmanuel Macron nhấn mạnh: “Tôi mong muốn Pháp sẽ là một trong những nước đi đầu, vì chúng ta có phương tiện, chúng ta sẽ tạo những điều kiện tương thích và thuận lợi nhất. Chúng ta có chủ bài là những tài năng trẻ được đào tạo tốt nhất về toán học, công nghệ thông tin. Cuộc cách mạng đang diễn ra, chúng ta không được phép chậm trễ”.
Nhưng mọi cuộc cách mạng công nghệ đều liên quan sâu sắc và tác động mạnh mẽ đến các vấn đề xã hội. Trí tuệ nhân tạo (AI) không thể là ngoại lệ, thậm chí cần phải khảo sát sâu hơn nữa.
Cedric Villani – nhà toán học huy chương Field, giải thưởng Fermat, được giao trách nhiệm khảo sát bốn lĩnh vực kinh tế cụ thể mà nước Pháp tập trung phát triển AI: y tế, môi trường, giao thông vận tải, quốc phòng. Và vấn đề hệ trọng hàng đầu kèm theo là đạo đức. Một khi máy móc được giao quyền hạn khổng lồ phân tích vượt tầm tư duy con người, liệu có những khía cạnh tiêu cực, gây ra hậu quả khôn lường, như nhà bác học Stephen Hawking và doanh nhân hàng không vũ trụ Elon Musk đã lên tiếng nghiêm khắc cảnh cáo hay không.
Tinh thần cơ bản của các biện pháp này được Emmanuel Macron rút ra từ nghiên cứu tư vấn chuyên sâu về AI của Cedric Villani, Viện trưởng Viện toán Henri Poincaré, trải qua quá trình hàng trăm cuộc hội thảo từ tháng 9 năm ngoái.
Nhân dịp này, ông Macron cho biết sang năm 2019, Pháp ban hành khung luật pháp thử nghiệm xe không người lái hoàn toàn trên đường giao thông. Ông Macron còn khích lệ tranh luận công khai về các khía cạnh đạo đức, dân chủ của IA trên quy mô quốc gia cũng như quốc tế.
Lập tức, các tập đoàn đa quốc gia như Samsung, Fujitsu, DeepMind, AlphaGo, Google… rục rịch thành lập trung tâm nghiên cứu quy mô châu lục ở Paris và Toulouse (Pháp).
– Theo The HuffPost, The Point