Về nhân vật lịch sử Nguyễn An Ninh (1900-1943), nguyên Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh phát biểu: “Nguyễn An Ninh là một nhà yêu nước vĩ đại”; “Ở trong tù, Nguyễn An Ninh luôn luôn đoàn kết với chúng tôi, những người cộng sản để chống lại bọn cai ngục dã man. Khi ông lâm bệnh mất đi, chúng tôi đã cử lễ truy điệu ông rất trang trọng và thương tiếc nhà chí sĩ Nguyễn An Ninh, người yêu nước vĩ đại”. Theo nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng: “Nguyễn An Ninh có tầm vóc một nhà lãnh đạo một cuộc cách mạng cho nên chúng ta phải ghi nhớ những cống hiến quan trọng của một nhân vật có tầm vóc lịch sử”.
Sức hấp dẫn ở Nguyễn An Ninh chính là sự dấn thân.
Lần đầu tiên, Nguyễn An Ninh ra mắt công chúng Nam Kỳ tại Hội Khuyến học Nam Kỳ số 34 đường Aviateur Garros nay là đường Thủ Khoa Huân, đúng vào lúc 20 giờ ngày 25 tháng Giêng năm 1923. Ông diễn thuyết đề tài Une Culture pour les Annamites, có thể tạm dịch: “Chung đúc một nền học thức cho dân An Nam”.
Tại Hội Khuyến học Nam Kỳ, mới 7g30 tối, nhưng trong hội trường đã đông người.
Người giới thiệu chương trình đêm nay là ông Nguyễn Háo Vĩnh – một bỉnh bút (biên tập viên) cừ khôi của tuần báo Nông cổ mín đàm. Khi “đồng hồ trái quýt” tròn dẹp, có sợi dây và cái khoen mà ông Vĩnh đeo vào túi áo chỉ đúng tám giờ – thì mọi người đã tự giác giữ yên trật tự. Vài lời giới thiệu ngắn của ông Vĩnh vừa chấm dứt thì Nguyễn An Ninh bước lên giảng đàn. Trước hết, ông cắt nghĩa chữ Culture trong tựa bài nói chuyện của ông: Une culture pour les Annamites. Sau đó, ông nói tiếp:
– Trong bốn nghề cầm, kỳ, thi, họa cũng đều có thể gọi là lý tưởng của sự chung đúc học thức đặng. Bởi xưa người Tàu sang xâm chiếm nước ta lâu đời, nên sự khai hóa quốc dân của ta đều giống họ. Nay xem lại thì sự khai hóa theo lối Tàu không thể gì bổ cứu cho xã hội ta trong đường văn minh, tấn bộ. Vậy chúng ta phải chuyển theo một nẻo khai hóa khác!
Mới nói đến đó, thính giả vỗ tay ran. Nẻo khai hóa khác là gì? Mọi người hồi hộp chờ nghe ông Ninh nói tiếp. Giọng của Ninh vẫn sang sảng:
– Không có nẻo khai hóa nào có thể mang cho con người trở nên toàn văn, toàn đức bằng sự khai hóa của Pháp quốc. Vì nền văn hóa của Pháp quốc có thể dắt mọi người đến nơi đức sáng để sửa mình, trị nhà, rèn đúc vĩ nhơn, bác sĩ, nâng đỡ trình độ nước nhà, cho dân tộc nở nang hầu khỏi cái kiếp diệt vong!
Tiếng vỗ tay náo nhiệt. Phải nhiều lần làm dấu cho mọi người yên lặng, Ninh nói tiếp:
– Sự khai hóa theo Pháp học là rất tài. Nhưng muốn cho đặng đến chỗ ước nguyện đó thì phải học. Không ngừng học. Học để làm gì? Thưa quý ngài, để đem văn minh, tư tưởng tấn bộ đó truyền lại cho giống nòi. Chứ không phải học thành tài để rồi về cứ giục giã theo con đường sĩ hoạn. Học để làm quan à? Đó là học lấy văn hóa mà không biết dùng, để cho giống nòi phải đọa vào cái họa tiêu diệt vậy!
Cả hội trường im lặng. Không khí nóng bức. Mọi người đã thấy rõ quan điểm của chàng thanh niên Tây học mới hai mươi hai tuổi. Quan điểm ấy gần như xa lạ với lớp người đi học ở Tây về. Ông Ninh nói tiếp:
– Học thức ở Pháp là học thức giải cứu, cao thượng hơn hết, không xứ nào bì kịp, vậy thì ta nên cần kíp mà noi theo cái học thức Pháp quốc đặng mở mang dân trí, rộng tư tưởng của dân, làm cho dòng giống tráng kiện, mau thoát cái ách nô lệ. Bằng cứ theo nẻo hoạn đồ, lấy việc làm quan là mục đích của việc học thì hỡi ôi! Sau này dòng giống sẽ yếu ớt, ắt có ngày kia rút vô rừng mà ở!
Mọi người liên tục vỗ tay tán thưởng ý kiến của Ninh. Sau đó, ông tiếp tục so sánh hai nền học thức Pháp và Trung Quốc. Hàng loạt câu hỏi của thính giả đứng lên chất vấn Ninh, ông đều trả lời thông suốt. Cắc cớ có người hỏi:
– Vậy cái học thức của diễn giả đã đủ để khai hóa quốc dân chưa?
Ninh khiêm tốn:
– Bể học mênh mông biết thế nào là đủ. Trong tháng tới, tôi sẽ trở qua Pháp mà học thêm cho sức học tăng tấn, khỏi phụ công trình bấy lâu đèn sách.
Kết thúc buổi nói chuyện, ông cảm tạ những khách đến dự nghe, không phụ chàng là kẻ thiếu niên ít học. Buổi nói chuyện này, sau đó, Nông cổ mín đàm có đăng bài tường thuật của ký giả C.M.C. Nhờ vậy, tiếng tăm của Nguyễn An Ninh bắt đầu được đông đảo công chúng biết đến.
Sau đó, không ai khác, chính Nguyễn An Ninh là người trước nhất đã dịch quyển Khế ước xã hội của Jean Jacques Rousseau. Bản dịch của ông có tựa Dân ước – dân quyền – dân đạo (in năm 1923) nhằm bổ sung cho ý thức tuyên truyền những nguyên tắc tư tưởng theo ý tưởng của Cách mạng Pháp (1789). Ông nghĩ rằng muốn quần chúng tự giác đứng lên đòi hỏi công bằng, dân chủ và tự do thì họ phải được trang bị kiến thức về quyền lợi chính đáng mà họ phải được hưởng.
Tác phẩm này, J. J. Rousseau viết năm 1762 đã phản ánh hoài bão của cuộc cách mạng tư sản về tự do, bình đẳng và trình bày học thuyết về Nhà nước xây dựng trên ý muốn tự giác hiệp thương giữa mọi người, thừa nhận nhân dân được nắm chính quyền, bảo vệ dân chủ tư sản. Trước đây, những sách của J. J. Rousseau, Voltaire, Montesquieu đã đến tay những cụ đồ nho yêu nước bằng chữ Hán, qua đường buôn của những Hoa kiều tại Hải Phòng, Sài Gòn, Đà Nẵng. Cụ Nguyễn Thượng Hiền đã dịch ra chữ Nôm và truyền bá đầu tiên một cách bí mật. Đến Nguyễn An Ninh – lớp thế hệ sau cụ Nguyễn Thượng Hiền – lại là người đầu tiên truyền bá công khai bằng chữ Quốc ngữ.
Sau khi dịch xong sách của J. J. Rousseau, lập tức Nguyễn An Ninh cho đi đem in, ông đang nghĩ đến một cách phát hành rất độc đáo. Sau buổi nói chuyện Chung đúc học thức cho người An Nam, tên tuổi của Ninh bắt đầu được mọi người biết đến. Họ khâm phục ông cử nhân Luật, học giỏi, không chịu làm quan, làm luật sư mà lại đi nói chuyện “chính trị”! Do đó, Hội khuyến học Nam Kỳ một lần nữa lại mời ông đến diễn thuyết. Đêm 15.10.1923, Nguyễn An Ninh xuất hiện trên diễn đàn với đề tài: L’idéal de la jeunesse Annamite bằng tiếng Pháp, mọi người dịch là: Lý tưởng của thanh niên An Nam. Trong buổi diễn thuyết này, ông đã nêu một ý kiến nay vẫn vẫn chưa lỗi thời: “Dân tộc nào để cho một nền văn hóa ngoại bang ngự trị thì không thể có độc lập thực sự. Văn hóa là tâm hồn của một dân tộc”.
Sau buổi diễn thuyết này, lúc mọi người rời khỏi Hội khuyến học, ban tổ chức đã phát hành quyển Contrat social của J. J. Rousseau qua bản dịch của ông Ninh. Vậy tư tưởng ông muốn truyền đạt đã đến tay công chúng. Nếu sự tuyên truyền này xét ở ý nghĩa: một cách có ý thức, triệt để và có hệ thống thì ở Việt Nam, Nguyễn An Ninh xứng đáng nhận vai trò người đi tiên phong công khai gieo mầm mống tích cực của cách mạng 1789 của Pháp.
Nhà sử học Trần Văn Giàu hoàn toàn có lý khi nhận định một cách chính xác về Nguyễn An Ninh: “Điều tôi muốn nói là nhân cách của anh trong quan hệ với bạn bè đồng chí, với gia đình vợ con, anh khiêm nhường, hiền từ và nhân hậu. Anh san sẻ bát cơm manh áo, dốc cạn đồng xu cuối cùng cho người khổ hơn anh. Anh nhường từng lon nước, chỗ nằm cho bạn tù. Anh đem cả tình thương, tri thức dìu dắt cho những ai còn lầm lỡ, bất hạnh, kém may mắn hơn anh. Ai đã gặp anh một lần đều yêu kính anh, một nhân cách lớn lắm, một tấm gương sáng ngời cho thời đại này. Tự thân cuộc đời anh đã đẹp, không cần chúng ta phải tô điểm gì thêm. Một con người như vậy không dễ có đâu, bình dị nhưng vĩ đại lắm”.