Ngày nay, bạn có thể thấy những chiếc khăn xếp đủ màu nhưng xưa kia, chúng được quy định khá khắt khe về màu sắc trong mỗi cộng đồng tôn giáo.
Theo đó, tín đồ Kito giáo thì đội khăn xếp màu xanh, người Do Thái lại chọn màu vàng, người Samari là màu đỏ, còn người Hồi giáo thường sử dụng màu trắng. Dẫu vô cùng phổ biến khắp Ấn Độ, Trung Đông, châu Phi và cả châu Âu, loại khăn này thật ra cũng có “cuộc đời” đầy thử thách và lắm nỗi thăng trầm.
Khăn xếp (turban) là một loại khăn được dùng để quấn giữ tóc của đàn ông ở hầu hết tiểu lục địa Ấn Độ, Trung Đông, Trung Á, bán đảo Ả Rập… thậm chí lan sang Đông Nam Á và châu Âu. Riêng với các tín đồ đạo Sikh thì cả phụ nữ cũng quấn khăn xếp. Đặc biệ, với Hồi giáo dòng Shia (Chiite), việc quấn khăn xếp còn được coi là truyền thống. Ngoài ra, khăn xếp cũng là phụ kiện không thể thiếu của các học giả theo phái Sufi của Hồi giáo.
Mỗi nơi một kiểu
Rất khó để xác thực nguồn gốc sơ khởi của khăn turban bởi nó quá phổ biến trong các cộng đồng Hồi giáo, Ấn Độ giáo, Do Thái giáo và Kitô giáo. Tuy nhiên, có thể chắc chắn chúng chí ít cũng đã tồn tại kể từ năm 2350 trước Công nguyên. Trên một tác phẩm điêu khắc hoàng gia thuộc khu vực Lưỡng Hà cùng niên đại, người ta đã thấy rõ ràng một minh họa phụ trang giống như khăn xếp.
Trải khắp Ấn Độ, Trung Đông, châu Âu và châu Phi, khăn xếp bảo vệ người đội khỏi nắng mưa, giá rét. Song với một số vùng miền, việc quấn khăn xếp lại không chỉ vì mục đích giữ ấm hay làm đẹp, mà còn là cách thể hiện văn hóa, tín ngưỡng, bản sắc quốc gia.
Nếu chỉ nhìn qua, bạn sẽ thấy khăn xếp giống như một kiểu phụ kiện lắm hình dạng, nhiều kích cỡ, màu sắc, đa dạng về cách quấn. Nhưng về thực chất, chúng có cả bề dày lịch sử lẫn bản sắc văn hóa quan trang trọng, được quấn theo đúng chuẩn quy tắc của mỗi cộng đồng chứ không phải muốn đội thế nào thì đội.
Về cơ bản, khăn xếp là những tấm vải dài dưới 5m. Chúng có thể để suông, cũng có thể đã được quấn và đính giữ sẵn để mỗi lần đội không phải tốn công xếp lại. Ở hầu hết các quốc gia thuộc bán đảo Ả Rập, khăn xếp thường là một tấm vải đơn sắc hoặc kẻ ca rô. Tuy nó không phải là phụ trang bắt buộc, nhưng vẫn được phần lớn cư dân ưa dùng. Riêng với Afghanistan, khăn xếp là một phần của quốc phục. Thú vị là đất nước này rất thoải mái về việc chọn màu sắc và cách thức quấn khăn. Dẫu vậy, đàn ông Afghanistan chỉ ưa dùng vải đơn sắc màu trắng, xám, xanh đậm hoặc đen.
Ở Bangladesh, khăn xếp là phụ kiện không thể thiếu của các nhà lãnh đạo tôn giáo và người thuyết giảng. Màu trắng chiếm giữ vai trò chủ đạo, gần như là độc tôn. Sau màu trắng, chỉ có màu xanh lá cây là được sử dụng. Đặc biệt, không phải tất cả mọi người đều được đội khăn xếp. Ngoài các nhà thuyết giảng và lãnh đạo tôn giáo ra, chỉ có những ai lớn tuổi mới được phép quấn khăn xếp. Tại đây, chiếc khăn xếp không đóng vai trò phụ trang thiết yếu mà là biểu tượng cho sự tôn nghiêm và danh dự. Tương tự với Malaysia và Lebanon.
- Xem thêm: Mặt nạ giấy bồi Raghurajpur
Ở Nepal, khăn xếp chỉ như một kiểu phụ trang đời thường. Từ nông dân đến quý tộc đều thoải mái quấn khăn xếp. Tuy nhiên, chỉ tầng lớp vương giả là được phép dùng khăn màu trắng. Tương tự với Pakistan. Ở châu Âu, khăn xếp chỉ được dùng để làm điệu cho cánh phụ nữ là chính.
Biểu tượng tự do của Sikh giáo
Mặc dù có nhiều tôn giáo chọn quấn khăn xếp, song không cộng đồng nào đề cao vai trò của chúng hơn đạo Sikh. Đạo Sikh được sáng lập vào thế kỷ XV tại vùng Punjab (khu vực trải rộng trên biên giới giữa Pakistan và Ấn Độ). Theo tiếng Punjab thì “sikh” có nghĩa là “môn đệ”. Các tín đồ đạo Sikh đều là học trò của 10 vị Guru, những nhà sáng lập và duy trì đạo Sikh.
Vị đạo sư đầu tiên sáng lập đạo Sikh là Guru Nanak (1469-1539). Từ xưa, Ấn Độ đã nổi tiếng là vùng đất phân biệt giai cấp cực kỳ khắc nghiệt. Vì muốn thay đổi, Nanak đi khắp nơi thuyết giảng về bình quyền, được rất nhiều người nghèo yêu mến và kính phục. Trái lại, tầng lớp quyền quý cực kỳ căm ghét, tìm mọi cách cản trở Nanak. Mãi đến khi qua đời, vị Guru này vẫn chưa thấy được tương lai sáng sủa cho đạo Sikh không phân biệt giai cấp, giới tính, chủng tộc của mình.
May mắn cho đạo Sikh là sau khi cha đẻ tạ thế không lâu, nó gặp được vị vua nhân ái bậc nhất lịch sử tiểu lục địa, Akbar Đại đế (1542-1605). Vị quốc vương này nỗ lực đẩy mạnh hòa đồng, đoàn kết tôn giáo trên toàn cõi. Chớp cơ hội, đạo Sikh nhanh chóng phát triển, mở rộng. Thế nhưng khi Akbar băng hà, sự lớn mạnh của nó cũng bị ngăn trở.
Cộng với vụ hành hình vô cớ đối với Guru Teg Bahadur (1621-1675), các tín đồ đạo Sikh hoàn toàn quay lưng với cung điện, nổi dậy chống đối, cuối cùng tự tách riêng. Chiếc khăn xếp trên đầu là phương tiện để người Sikh thể hiện sự thách thức đối với cường quyền, biểu tượng của tự do và quyết tâm chấm dứt phân biệt đẳng cấp.
Trong tín ngưỡng Sikh, khăn xếp được gọi là dastar, dumalla hoặc pagg. Chúng đóng vai trò là hiện thân của giáo lý, tình yêu và giáo điều. Tất cả các tín đồ đạo Sikh đều đội khăn xếp. Sikh giáo không phân biệt giai cấp, giới tính hay chủng tộc. Mọi người đều được quyền và có nghĩa vụ đội khăn xếp. Với họ, khăn xếp còn là dấu hiệu nhận diện. Ở bất cứ đâu, chỉ cần nhìn thấy có người đội khăn xếp gặp khó khăn là các tín đồ Sikh giáo sẵn lòng ra tay tương trợ.
Người Sikh giáo cả đời không cắt tóc, nhờ khăn xếp giữ tóc tai được sạch sẽ, gọn gàng. Vốn dĩ, tín đồ Sikh chỉ chiếm có 2% dân số Ấn Độ, song theo Guru Gurindind, nhờ có khăn xếp đóng vai trò bản sắc, “đạo Sikh của chúng tôi đã được chấp nhận bởi hàng triệu người”.
- Xem thêm: Nghề chạm khắc xương ở Lucknow
Có 3 màu sắc chính trong khăn xếp của đạo Sikh là xanh, trắng và đen. Màu xanh biểu trưng cho một tâm trí rộng mở, bao la như trời biển. Màu trắng ngụ ý mọi tín đồ đều được dẫn dắt bởi một vị thánh trong sáng, mẫu mực. Còn màu đen ghi nhớ về cuộc đàn áp của Đế quốc Anh vào năm 1919 và sự khiêm nhường.
Nỗ lực duy trì và chiến thắng rực rỡ
Năm 1845, khi thực dân Anh tiến quân vào Punjab, đạo Sikh đã có một đạo quân riêng là Khalsa. Khalsa được thành lập từ thời Guru Govind Singh (1666-1708), bao gồm những chiến binh khỏe mạnh, giàu lòng dũng cảm, chiến đấu vì quyền lợi của người Sikh. Đáng tiếc là dù anh dũng, thiện chiến, họ vẫn bị đè bẹp bởi lực lượng quân đội hùng hậu được trang bị khí giới hiện đại của Anh.
Tuy Anh thắng Khalsa song vẫn khâm phục kỹ năng chiến đấu của các chiến binh. Biết đạo Sikh chống đối nền quân chủ Ấn Độ, họ bèn tuyển mộ trai tráng người Sikh làm lính đánh thuê. Để giữ hòa khí, quân đội Anh buộc tất cả binh sĩ ở Ấn Độ đều phải đội khăn xếp.
Có điều sự bình đẳng này chỉ là vẻ bề ngoài thôi, chứ thực chất thì Anh khinh bỉ và ghê tởm những cái khăn xếp, cho rằng chúng bẩn thỉu. Họ sớm ép các quân nhân phải thay đổi cách quấn khăn, đưa ra phương pháp quấn xếp nếp đối xứng. Thêm vào đó, họ cũng phát các phù hiệu đính trên khăn nhằm phân biệt vị thứ và chủng tộc trong từng quân đoàn.
Khổ nỗi thay đổi cách quấn khăn thì dễ, chứ bắt người Sikh vốn không bao giờ cạo râu cắt mớ râu mọc dài thậm thượt là chuyện không khả thi. Mà cứ để chúng xùm xòa thì khi bắn súng trường rất dễ bị… bén lửa. Nghĩ tới nghĩ lui, họ đề xuất giải pháp túm mớ râu lại, dùng dây buộc gọn dưới cằm như người ta cột tóc. Vui một điều là đàn ông Sikh giáo lại thấy buộc râu cũng tiện và đẹp, bởi vậy mà đến tận bây giờ, nhiều đấng mày râu theo đạo Sikh vẫn buộc râu cho… có duyên.
Trong Thế chiến thứ nhất, lính Anh ở Ấn Độ phải quấn những chiếc khăn turban to tổ chảng, dài cả 8m. Nhưng đến Thế chiến thứ hai, Anh từ bỏ quân luật dùng khăn xếp. Mặc dù sự thay đổi này chỉ ảnh hưởng đến lính đánh thuê là chính, nhưng nó cũng phần nào khởi động cho việc gỡ bỏ khăn xếp trong các cộng đồng tôn giáo khác ở Ấn Độ (ngoại trừ đạo Sikh).
- Xem thêm: 10 kiểu in đặc sắc trên vải Ấn Độ
Năm 1947, Ấn Độ giành được độc lập, thoát khỏi ách thực dân Anh. Tuy nhiên cũng kể từ lúc này, nội chiến vì lý do tôn giáo bắt đầu. Các tín đồ Hồi giáo chuyển tới Pakistan mới thành lập, chọn mặt trăng lưỡi liềm và màu xanh lá cây làm biểu tượng. Họ từ bỏ cả khăn xếp lẫn màu vàng biểu tượng của hoàng gia Ấn Độ. Vì bạo lực nổ ra liên miên, người Ấn giáo cũng e sợ bị nhầm là người theo đạo Sikh mà bỏ khăn xếp xuống. Cuối cùng, cả đất nước ưa dùng khăn xếp chỉ còn lại người Sikh là kiên quyết giữ đội.
Cũng trong thời gian nội chiến tôn giáo, nhiều người Sikh ở Ấn Độ phải sang Anh lánh nạn. Ban đầu, họ được chào đón như thượng khách, nhưng sau đó lại bị kỳ thị. Chiếc khăn xếp vốn được coi là niềm tự hào bản sắc bỗng chốc trở thành một trở ngại cho sự hội nhập. Người Sikh tha hương buộc phải lựa chọn một trong hai: cố chấp giữ gìn rồi phải đối mặt với đủ khó khăn, hay buông bỏ để dễ hòa nhập hơn.
Bất chất nguy cơ bị cô lập, cộng đồng Sikh kiên quyết bảo vệ khăn xếp. Sohan Singh Jolly, sĩ quan cảnh sát người Sikh đã nghỉ hưu, còn phản đối quy định cấm tài xế xe buýt đội khăn xếp dữ dội đến mức đe dọa tự thiêu. Ông huy động được một đoàn biểu tình rầm rộ, cuối cùng chiến thắng, buộc Anh phải đồng ý cho phép tài xế xe buýt muốn đội khăn xếp được phép đội khăn xếp.
Những năm 1970, khi Anh ra luật giao thông buộc người lái xe mô tô phải đội mũ bảo hiểm, người Sikh lưu vong cũng ra mặt phản đối bởi vì muốn đội mũ bảo hiểm, họ phải tháo khăn xếp trước. Một chiến dịch phản kháng gay gắt bùng nổ, kết quả là ép luật giao thông Anh phải chừa những đối tượng theo tôn giáo ra.
Vào thập niên 1980, một trường học ở Anh bắt Gurinder Singh Mandla, học sinh người Sikh 12 tuổi, phải bỏ khăn xếp xuống khi đang trong giờ học. Họ lập tức bị cha mẹ Mandla đâm đơn kiện. Sau sự vụ này, Anh đành phải đưa khăn xếp của người Sikh vào trong vòng bảo vệ của pháp luật. Sự kiên trì đấu tranh của cộng đồng Sikh di cư đã chiến thắng. Ngày nay, người Sikh ở cả Anh lẫn bất cứ nơi nào trên thế giới đều thoải mái đội khăn xếp yêu thích của mình. Riêng với giới trẻ Sikh thì bên cạnh đức tin, chiếc khăn truyền thống ấy còn là phương tiện để thể hiện cá tính.