Trên con đường náo nhiệt Lý Tự Trọng ở Cần Thơ có một quán ăn nhỏ bé nằm xéo cổng trường đại học chuyên bán duy nhất món bún nước lèo. Tuy không là món ăn cao lương mỹ vị, sang trọng nhưng nó dễ bắt bạn nhớ mãi hương vị đậm đà, dân dã, mộc mạc…
Xuất xứ từ món ăn của người dân tộc Khmer Nam Bộ, bún nước lèo Cần Thơ biến tấu đôi chút để phù hợp với khẩu vị của người dân Nam bộ. Bún nước lèo ngon, bổ vì nhiều đạm và giá cả vừa phải với túi tiền của đa số quần chúng. Với 4.000đ một tô có thịt quay, cá lóc, tôm thẻ, mực tươi… bạn có ngay một tô bún ngon miệng. Nước xúp thuần bằng mắm nấu lược cẩn thận trong vắt, bắt mùi thơm tho.
Người dân tộc Khmer vùng Sóc Trăng, Trà Vinh nấu bún nước lèo không thể thiếu hai thứ là củ ngải bún và mắm bò hóc. Củ ngải bún hình dạng trông giống củ nghệ, củ gừng cùng họ nhưng màu trắng ngà và thân củ nhỏ hơn gừng đôi chút.
- Xem thêm: Bún chả cá
Theo một số tác giả các sách viết về cây thuốc Nam thì ngải bún có đặc tính giúp tiêu hóa, kích thích thèm ăn và bổ dưỡng. Còn đối với mắm thì người ta có thể sử dụng mắm lóc, mắm cá bông, mắm cá sặc để nấu. Chỉ lấy nước trong thuần chất mà thôi, nước thơm và có mùi rất đặc trưng.
Nghệ thuật nấu là luộc cá phải mở nắp nồi để không tanh. Cá luộc xong phải lấy hết xương ra. Cá có trứng thì lấy trứng ra thả vào nồi, mặt nước lấm tấm trứng trông rất hấp dẫn. Cá lóc sau khi không còn xương ướp với ngải bún và sả đã đâm nhuyễn. Tôm thẻ được bóc vỏ, bỏ đầu… Nghe qua thì rất dễ, nhưng thực hiện lại tốn nhiều công phu.
Một tô bún nước lèo bốc khói sẽ tỏa mùi thơm khá đặc biệt. Người ta ăn bún nước lèo với vài loại rau thơm, giá sống, hẹ, bắp chuối bào mỏng chẻ thành sợi, rau muống cũng chẻ nhỏ. Khi ăn, cho vào ít giọt nước chanh. Mặt tô bún điểm thêm vài lát ớt đỏ trông thật hấp dẫn và lôi cuốn. Ăn một lần, bạn sẽ khó quên.