Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (UNHCR) ngày 3-9 cho biết hơn 2 triệu người Syriađã phải rời khỏi đất nước do cuộc nội chiến kéo dài. Đa số những người tị nạn là trẻ em và phụ nữ đã vượt qua biên giới Syriađến các nước láng giềng chỉ với chút ít lương thực và đồ đạc. Hãng thông tấn Pháp AFP dẫn báo cáo của UNHCR nói rằng ngoài con số 2 triệu trên còn có 4,25 triệu người Syria đang rơi vào tình trạng vô gia cư do hậu quả cuộc chiến.
Ông Antonio Guterres, người đứng đầu UNHCR, nhận định Syria đã trở thành “thảm kịch của thế kỷ XXI”.
UNHCR công bố các số liệu trên đây sau khi Tổng thống Syria Bashar al-Assad cảnh báo rằng Mỹ và Pháp nếu tấn công Syria sẽ kích ngòi chiến tranh khu vực và gây ra tình trạng hỗn loạn khắp Trung Đông.
Không biết có phải lời cảnh báo này đã làm chùn bước phương Tây trong Hội nghị G20 vừa qua hay không.
Trước đó, Ủy ban đối ngoại Thương viện Mỹ ngày 4-9 vừa thông qua nghị quyết – với 10 phiếu thuận, bảy phiếu chống và một phiếu trắng – cho phép chính quyền Obama sử dụng vũ lực chốngSyria, với lý do chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học chống lại thường dân. Nghị quyết được chuyển lên toàn thể Thượng viện Mỹ trong tuần này để xin phê chuẩn và cũng được chuyển qua Hạ viện, nơi dự kiến sẽ có nhiều dân biểu Cộng hòa phản đối.
Tổng thống Mỹ trả lời phỏng vấn trước cuộc họp với Quốc hội hôm 3-9
Trong cuộc họp với các lãnh đạo Quốc hội tại Nhà Trắng, ông Obama cam kết cuộc tấn công Syria nếu diễn ra sẽ không kéo dài như tại Iraq và Afghanistan. Trong tình hình Syria đang ngày càng căng thẳng, các nhà bình luận đã điểm qua các kịch bản mà phương Tây có thể can thiệp vào Syria.
Kịch bản 1 – Yểm trợ quân nổi dậy
Hành động này không phải chuyện mới mà đã diễn ra gần hai năm rưỡi nay. Quân nổi dậy chống lại chế độ Bashar al-Assad đã được Qatar, Ả Rập Saudi cung cấp tài chính từ những ngày đầu nổi dậy. Về nhân sự, ngoài một số người Syria chống lại Bashar al-Assad còn có những chí nguyện quân từ nhiều nước Ả Rập và không loại trừ cả từ phương Tây. Nhưng do khả năng chiến đấu không cao so với quân đội của chế độ Damascus nên kịch bản này nếu diễn ra sẽ có một vài thay đổi, như việc lập ra một vùng an toàn dọc theo biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và Jordan để huấn luyện quân kháng chiến cũng như để lập đầu cầu tiếp liệu vũ khí, viện trợ nhân đạo cho dân chúng như Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Martin Dempsey giải thích. Đây cũng là điều đang xảy ra, chiến binh của Quân đội Syria Tự do (ASL) đã được các lực lượng biệt động của Do Thái, Jordan và CIA huấn luyện về chiến tranh du kích và hàng trăm người đã từ Jordan trở về khoảng giữa tháng 8-2013.
Cảnh hoang tàn ở Syria
Tuy vậy việc yểm trợ quân sự và tiếp liệu của Mỹ và các nước thân Mỹ dành cho phe nổi dậy sẽ khó mà lật đổ ngay tổng thống Assad, ngược lại chế độ Damascus sẽ giữ vững được những phần lãnh thổ thiết yếu. Mặt khác, nguy cơ các vũ khí này lọt về tay quân Hồi giáo khủng bố là không nhỏ. Phần lớn vũ khí của quân nổi dậy do Thổ Nhĩ Kỳ vàQatarcung cấp.
Kịch bản 2 – Tấn công nhằm trừng phạt
Báo Washington Post không dẫn nguồn tin rõ ràng nhưng nói đến việc tấn công trừng phạt Syria nếu diễn ra sẽ kéo dài không quá hai ngày mà đầu tiên nhằm vào những mục tiêu ấn định trước bao gồm kho dự trữ đạn, các hạ tầng cơ sở có tính cách chiến lược (các dàn phóng hỏa tiễn, phi trường…) và những nơi tồn trữ hơi độc.
Về phía Mỹ sẽ bằng hỏa tiễn Tomahawk phóng đi từ các khu trục hạm đang có mặt ở Địa Trung Hải (USS Gravely, USS Barry, USS Mahan, USS Ramage). Pháp sẽ tham gia bằng các cuộc tấn công của không quân với hỏa tiễn.
Người dân Syria chạy nạn qua cửa biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ
Cuộc tấn công gọi là trừng phạt nhắm vào các mục tiêu định trước không nhằm mục đích làm sụp đổ chế độ Damascus hay thay đổi tương quan lực lượng trong nội địa. Tuy vậy khi các kho đạn, các hạ tầng cơ sở chiến lược như hải cảng, phi trường bị phá hủy, khả năng đề kháng của chế độ Syria đương nhiên bị suy yếu. Điều này làm nghiêng cán cân quân sự về phía quân nổi dậy. Những cuộc tấn công sẽ rất khó tránh được thương vong dân sự hay thiệt hại vật chất, khi mà lực lượng trung thành với chế độ Damascus đồn trú trong các thành phố, lẫn lộn với dân chúng.
Kịch bản 3 – Tấn công bằng không quân
Theo Chủ tịch Tiểu ban An ninh và Quốc phòng Nghị viện châu Âu Arnaud Danjean thì hoạt động quân sự của Hoa Kỳ và các đồng minh có thể diễn ra trong khuôn khổ tấn công không quân tổng quát. Báo New York Times gọi đây là “Vở tuồng Kosovo” vì vào năm 1998, NATO đã tấn công Kosovo 78 ngày bằng không quân mà không có ủy nhiệm của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
Đức, Italia, Na Uy đã không hăng hái với phương án này, còn lại là Mỹ, Pháp và có thể cả Thổ Nhĩ Kỳ trong liên minh chí nguyện, trong đó Mỹ là nỗ lực chính.
Người dân Mỹ biểu tình chống can thiệp quân sự vào Syria
Tuy vậy, điều này sẽ không cho phép Mỹ có thể đối phó với hai hay ba mặt trận xảy ra cùng lúc. Và người ta không rõ khả năng phòng không của Syria ngoài những thông tin có được trước đây là nước này có hỏa tiễn phòng không S.300 do Nga và Iran chi viện.
Cũng có thể hai kịch bản 2 và 3 sẽ cùng phối hợp nhưng trong trường hợp này, không thể coi là một cuộc chiến trừng phạt không nhằm đánh gục chế độ Syria.
Kịch bản 4 – Can thiệp trên đất liền
Kịch bản này đòi hỏi một lực lượng lục quân quan trọng với những đơn vị yểm trợ. Đây là một sự chọn lựa rất tốn kém và có nhiều khả năng lâm vào tình trạng như Iraq và Afghanistan trước đây.
* * *
Các tuyên bố của Anh, Pháp, Mỹ trong tuần qua khiến người ta có cảm tưởng chiến cuộc Syria sắp xảy ra, nhưng tình hình trở nên dịu lại sau khi thủ tướng Anh thất bại trong việc yêu cầu Quốc hội chấp thuận việc can thiệp vào Syria. Theo gương Anh, Pháp cũng đưa vấn đề ra thảo luận vào đầu tháng 9 ở Quốc hội. Tiếp theo, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuy khẳng định Mỹ sẽ hành động quân sự chống lại Syria nhưng cho biết phải chờ Quốc hội thông qua, dự kiến trong tuần này.
Như vậy, vấn đề còn để lơ lửng trừ trường hợp các nước nói trên sử dụng biện pháp xuất kỳ bất ý. Sự để lơ lửng hiện nay coi như khóa an toàn. Vấn đề còn lại nằm trong hai lựa chọn: mở an toàn và bóp cò hoặc tiếp tục khóa an toàn và hạ súng xuống. Trong trường hợp sau, làm thế nào cho các bên liên quan khỏi mất mặt?
Phương Tây đã nói một cách mạnh mẽ là có những bằng chứng không chối cãi được về việc chính quyền Assad sử dụng vũ khí hóa học. Ngược lại chế độ Damascus cáo buộc quân nổi dậy làm chuyện này. Hoa Kỳ nói là đã ghi âm được điện thoại của Bộ quốc phòng Syria với đơn vị sử dụng vũ khí hóa học, còn Nga thì cung cấp hình chụp từ vệ tinh việc hai hỏa tiễn từ khu vực do quân nổi dậy chiếm đóng được bắn đi vào lúc có cuộc tấn công vũ khí hóa học, các hỏa tiễn này bị ngờ là có mang theo hơi độc.
Trong trường hợp xuống thang căng thẳng, cần phải có một “vật tế thần”. Vật tế thần thứ nhất là việc sử dụng vũ khí hóa học có thật nhưng không do chế độ Damascus, cũng không do quân nổi dậy mà là do quân khủng bố có liên hệ với al-Qaeda. Điều này không làm mất mặt các nước chủ xướng cuộc tấn công trừng phạt Syria, cũng không làm mất mặt chế độ Damascus lẫn quân nổi dậy. Ngược lại, đây là một biến cố mang tính cách xúc tác giúp cho quân nổi dậy và chế độ Damascus thảo luận với nhau về một chính quyền lâm thời hay chuyển tiếp.
Vật tế thần thứ hai là Quốc hội của các nước muốn tấn công trừng phạt Syria không đồng ý biện pháp quân sự. Điều này giúp chính quyền nước đó xuống thang vì bị Quốc hội bó tay. Điều này đã xảy ra cho nước Anh khi Quốc hội Anh với 272 phiếu thuận và 285 phiếu chống đã không chấp thuận việc can thiệp quân sự vào Syria.
Trong khi đó, mặc dù có những tuyên bố cứng cỏi, Pháp đã quyết định chờ kết luận của phái đoàn điều tra Liên Hiệp Quốc. Nước Đức cũng đã tuyên bố việc này từ trước đó, còn Canada cho biết sẽ không tham dự việc can thiệp quân sự.
Nói chung, các nước phương Tây vẫn chưa quên cuộc tấn công vào Iraq hồi năm 2003 khi Hoa Kỳ nói là có bằng chứng về việc Iraq có những vũ khí có tầm sát hại lớn. Mỹ đã tấn công Iraq và Sadam Hussein bị bắt, bị kết án tử hình nhưng cuối cùng đã không tìm thấy các loại vũ khí này ở Iraq. Lần này, nếu các bằng chứng xác nhận Syria sử dụng vũ khí hóa học chống lại dân thường là sự thật thì việc tấn công một nước không có ủy nhiệm của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc cũng sẽ bị nhiều nước chỉ trích. Không những điều này có thể làm bùng nổ cuộc chiến trong vùng, giữa những nước Ả Rập không cùng hệ giáo với nhau, giữa những nước Ả Rập và Israel… mà còn có thể đặt lại vấn đề tồn tại của Liên Hiệp Quốc.
Trước đây, do căng thẳng trước Thế chiến thứ Hai mà Hội Quốc Liên bị giải tán để thành lập Liên Hiệp Quốc sau Thế chiến thứ Hai. Có gì ngăn cản việc tan rã của Liên Hiệp Quốc khi tổ chức này không được tôn trọng nữa? Theo Iouri Ouchakov, cố vấn ngoại giao ở Điện Kremlin, can thiệp quân sự vào Syria sẽ giáng một đòn nghiêm trọng vào trật tự thế giới.
L.V.Đ tổng hợp