“Tứ dân” theo nghĩa thông thường chỉ 4 tầng lớp xã hội chủ yếu: Sĩ-Nông-Công-Thương, nhưng trong tranh vẽ dân gian và hội họa trang trí trên đồ gốm sứ, đồ thủ công mỹ nghệ xưa thì “tứ dân” thường chỉ bốn hạng người thuộc bốn nghề nghiệp khác nhau trong dân gian: Ngư (câu cá, chài lưới ở sông hồ), Tiều (lấy củi, đốn củi trên rừng), Canh (làm nông, cày bừa trồng trọt), Độc (thư sinh lo việc học hành, đọc sách), trong đó Độc cũng nhiều khi được thay bằng Mục (chăn trâu bò, dê cừu).
Đây cũng là 4 phương thức sinh hoạt căn bản, phổ biến của xã hội nông nghiệp xưa. Cũng có khi chúng được hiểu là “tứ thú” (bốn niềm vui) của những người thất chí trên quan trường, hay những quan viên hồi hương, hưu trí tham gia vào những công việc của dân gian hoặc để mưu sinh (đối với người thất chí, nghèo túng), hoặc để giết thời gian, mua vui (đối với những người đắc chí, có tiền của) bằng cách nhìn ngắm, làm thơ tả chơi.
“Song tâm” nghĩa là “hai lòng”, “hai ruột”, tên gọi dựa theo đặc điểm về hình dáng đặc biệt của bình. Nếu bình lục giác gồm 6 cạnh 6 mặt, thì bình song tâm cũng có kích thước, cấu trúc và đồ án tương tự, chỉ có điều bề ngoài trông giống hai bình lục giác sinh đôi, dính vào nhau (giống kiểu trái chuối sinh đôi) với 8 cạnh, trong đó 6 cạnh phẳng và 2 cạnh nghiêng hướng tâm như chiếc bình bát giác độc đáo, vì vậy còn được gọi là “thông tâm” (ruột thông nhau). Ví dụ hiện vật dưới đây.
Miêu tả
Chiều cao: 43cm
Đường kính miệng: (bổ sung sau)
Đường kính bụng: 54cm
Đường kính trôn: 14cm chỗ lớn và 8,5cm chỗ eo nhỏ
Niên đại: đầu thế kỷ 19
Thể loại: gốm Tàu, dòng trắng xanh
Tình trạng: Nói chung lành lặn, mép vành được viền bạc đã xưa, men xanh trứng diệc (xanh nhạt), mẻ góc nhỏ, khờn cạnh trên cổ và rạn 2 đường nhỏ dưới trôn nhưng không thấu cốt.
Hội họa
Cả minh văn (thi) và hội họa (họa) của bình song tâm này đều vẽ bằng màu mực xanh cô ban chỗ đậm chỗ nhạt tùy chi tiết, phong cách kinh điển trên gốm xưa. Phần họa được vẽ trên 4 mặt bình, từ giữa cổ đến hết thân với bố cục được chia làm 3 phần: Phần trên vẽ 10 đỉnh núi; phần trung tâm (giữa) vẽ sườn núi với cảnh mây lượn chung quanh, tùng chen vách đá, một ngôi chùa hay miếu cổ thấp thoáng; phần dưới vẽ cảnh sông nước mênh mông tràn qua 2 mặt kế (chủ yếu đế trống), cây cỏ tốt tươi, có vài ngôi thủy tạ nên thơ được cất trên mép nước, có ngôi đình mái tranh, chiếc cầu đá và hình ảnh 2 thầy trò, người cưỡi lừa đi trước, kẻ ôm đồ theo sau. Phần chân bình điểm hoa văn cỏ rối đơn giản.
- Xem thêm: Bát – Tích Phong kiều
Nếu quan sát tìm kiếm kỹ, sẽ thấy trong thủy tạ ở mặt chính có một người đang đọc sách, có thể cho đó là Độc, nhưng không tìm thấy 3 hình ảnh còn lại là Ngư, Tiều, Canh như phần Thi cho biết. Đường nét bút pháp không thật tơ tóc (chi tiết tỉ mỉ, công bút), nhưng tinh tế, thanh thoát, toát ra một vẻ thanh bình khiến người ngắm cảm thấy thư thái nhẹ nhàng. Bởi vậy có người cũng gọi tích này là “thiên hạ thái bình”.
Minh văn
Chữ viết trên bình song tâm chân phương, rõ ràng, cứng cáp, màu mực tiệp với màu chàm ở phần họa. Về thể thức, chữ trên bình chủ yếu thuộc loại chữ phồn thể (đầy đủ các nét) nhưng cũng có xen vài chữ giản thể (giản lược nét), ví dụ: “biên”, “đảm”, “thính”, “thư”,… trong đó đáng chú ý là chữ “thư” được viết chen vào, có thể là do ngẫu hứng của nghệ nhân thư pháp, cũng có thể do việc xếp chữ ở cột này thiếu chỗ, nên phải cho 1 chữ chen vào để tiết đủ không gian. Song dù sao việc này cũng tạo nên nét đặc sắc riêng thú vị cho chiếc bình.
Minh văn trên chiếc song tâm bao gồm 2 phần: trên cổ và trên thân.
Minh văn trên cổ là bài thơ thất ngôn bát cú tổng cộng 56 chữ sắp xếp theo hàng đọc từ phải qua trái, từ trên xuống dưới, cả thảy là 4 dòng, mỗi dòng 14 chữ tương đương với 2 câu thơ. Nguyên văn như sau:
Du đáo sơn ôi hựu thủy biên
Giả phiên phong cảnh giả phiên nghiên
Tài khan tiều tử tân khiêu khởi
Thích kiến ngư ông liễu quán xuyên
Bán đảm hiểu yên hồng điếm ổ
Nhất lê xuân vũ lục dương thiên
Quy lai tọa ngọa tây song hạ
Hựu thính thư trai tam bách thiên.
遊到山偎又水邊
者番風景者番妍
纔看樵子薪挑起
適見漁翁柳貫穿
半担曉煙紅店塢
一犁春雨綠楊天
歸來坐臥西窗下
又聽書齋三百篇
Lên non rồi lại xuống sông
Chán xem phong cảnh lại nom nhân tình
Anh tiều gánh củi nhẹ tênh
Ông ngư thong thả xách cành liễu xâu
Bếp hồng khói sớm xóm nào
Mưa xuân biêng biếc một màu liễu xanh
Về bên cửa sổ lều tranh
Tiếng ai trầm bổng ngâm vần thơ xưa.
Chúng tôi vẫn chưa tra ra tác giả, xuất xứ bài thơ này, chỉ biết nội dung tác phẩm kể trên là một bài tả cảnh Ngư – Tiều – Canh – Độc một cách khái lược. Phần thi trên gốm thường được các nghệ nhân viết lại, chép lại các bài thơ nổi tiếng sẵn có, nhưng cũng đôi khi nghệ nhân cảm hứng sáng tác tại chỗ và ghi lại trên gốm nên ta không thể truy tầm ra tông tích trong sách vở. Cũng có khi phần thi ấy là của một nhà thơ ẩn dật, vô danh nào đó được nghệ nhân vẽ gốm thích và đưa lên đồ, hoặc có thể do chính người đặt yêu cầu nghệ nhân viết lên gốm cho mình, như thấy phổ biến trong loại đồ “ký kiểu”.
Minh văn trên phần thân bình được sắp xếp trên 2 mặt ngay dưới phần minh văn trên cổ bình. Đó là 4 bài thất ngôn tứ tuyệt vịnh Ngư – Tiều – Canh – Độc, gồm 112 chữ chia làm 6 cột chạy kín 2 mặt bình. Nguyên văn bắt đầu bằng bài vịnh Ngư, tiếp theo là bài vịnh Tiều, Canh và Mục. Cụ thể như sau:
1.
Liễu quán ngư quy chính ngọ thì
Nhi đồng môn ngoại tiếu hi hi
Vấn ông hà sự thâu can tảo
Lãn khán sa đầu duật bạng trì.
柳貫魚歸正午時
兒童門外笑嘻嘻
問翁何事收竿早
懶看沙頭鷸蚌持
Xách về xâu cá giữa trưa
Trẻ con ra đón cười đùa hỏi chơi
Chuyện chi về sớm ông ơi?
Rằng: Lười không muốn nhìn đôi trai cò.
2.
Thoát khước ô y khứ đả sài
Bạch vân mãn địa thấn mang hài
Lão thê chúc phó khinh khiêu đảm
Mạc đạp cao cương dữ hiểm nhai.
脫卻烏衣去打柴
白雲滿地襯芒鞋
老妻囑咐輕挑擔
莫踏高崗與險崖
Áo khăn cởi gánh củi về
Mây len hài cỏ trắng nhòe bước chân
Khi đi vợ dặn chớ tham
Đừng vì gáng nặng sa lầm vực sâu.
3.
Nông sự phân phân nhật dạ mang,
Vấn cừ dư tích kỷ đa lương
A bà tiếu chỉ Nam sơn hạ
Tiểu mạch thanh thanh đại mạch hoàng.
農事紛紛日夜忙
問渠餘積幾多糧
阿婆笑指南山下
小麥青青大麥黃
Nắng sương bận bịu ngày đêm
Hỏi rằng vậy có dư thêm được nhiều?
Nông phu chỉ dưới núi cười
Bãi ngô đang chín lúa thời còn xanh.
4.
Thúc phát hài đồng chẩm địa miên
Mông lung tế vũ thảo sinh yên
Tỉnh lai bất kiến nhi pha độc
Tầm đáo lạc hoa lưu thuỷ biên.
束髮孩童枕地眠
朦朧細雨草生煙
醒來不見兒坡犢
尋到落花流水邊
Mục đồng búi tóc ngù say
Cỏ xanh như khói mưa bay bụi mờ
Tỉnh ra trâu chạy bao giờ
Đi tìm chi thấy hoa chờ nước trôi.
Văn bản chữ viết của chùm thơ trên đối chiếu với chỗ này chỗ kia trên sách vở hay trên món đồ khác, có thể nhích nhê khác biệt vài chữ, ví dụ “ô cân” – “ô y”, “hoàng pha” – “nhi pha”, “hữu kỷ” – “tích kỷ”,… nhưng đó chỉ là tiểu tiết, vì nội dung đại thể là như sau.
Tác giả của chùm thơ kể trên được xác định là nữ thi nhân Châu Uyển Như (1824-1864) sống vào đời vua Đạo Quang nhà Thanh. Bà sinh trong gia đình danh môn vọng tộc, nổi tiếng tài hoa từ nhỏ, ngoài thơ từ, còn giỏi cả hội họa và thư pháp, được xem là “Tiểu Lý Thanh Chiếu” (Lý Thanh Chiếu là nữ từ nhân lớn nhất thời Tống và cả trong từ sử Trung Quốc). Chùm thơ tứ dân nguyên có tên là Phú ngư tiều canh mục, truyền rằng do bà sống nơi nông thôn viết ra, được nhiều người yêu thích, sao chép.
Nhưng chuyện tác giả là ai không quan trọng bằng việc chúng đã được vẽ lại, viết lại trên những chiếc bình và lưu truyền trong dân gian, đem lại cảm giác yên bình thoái mái cho người ngắm tranh và người đọc thơ, dù có khi đó chỉ là cảm giác thoáng qua trong hành trình gian lao nhọc nhằn của cuộc sống. Đó chính là những ý nghĩa, giá trị có tính cộng đồng, vượt thời gian.
Ý nghĩa
Nhìn họa thấy thi, nhìn thi thấy họa, thi – họa đan cài soi chiếu cho nhau, tạo nên vẻ đẹp cho những tích “nhất thi – nhất họa”.
Dựa vào phần thi và họa thể hiện trên bình, chúng ta có thể thấy tích tứ dân, tứ thú ở đây nói về cảnh thanh bình ở vùng nông thôn cách xa thành thị. Ở đó tuy cuộc sống đơn giản dung dị, nhưng thanh bình êm ả, ai cũng có cái vẻ tự do thong thả, không mệt dạ nhức đầu như cảnh đua chen nơi quan trường. Thi và họa bổ sung cho nhau cùng nói lên ước vọng thanh bình của một người đứng ngoài tứ dân ấy. Đó có thể là một ông quan đang bận bịu việc công đi ngang qua làng xóm xa xôi này, đó cũng có thể là một ông quan chán cảnh tranh đấu hoặc thất chí muốn tìm nơi vắng vẻ để ẩn dật và làm thơ tả cảnh và thổ lộ tâm tư.
Tranh và thơ trên bình song tâm còn như một lời khuyến cáo với chúng ta rằng, tranh giành và tham lam sẽ dễ khiến con người rơi vào đau khổ; rằng hạnh phúc nhiều khi rất đơn giản, nó không nằm ở chỗ quyền cao chức trọng hay nhà lớn xe to nhưng luôn phải sống trong cảnh bất an, trói buộc; mà ở nằm trong những sinh hoạt đơn giản đời thường nhưng vô tư, tự do.
- Xem thêm: Dĩa Mã Liễu