Ngựa và liễu là một đồ án khá phổ biến trong trang trí đồ gốm xưa. Nó thường được thể hiện trên dĩa, bình, chung, ấm từ gốm Tàu đến gốm Việt miền Nam dòng Lái Thiêu, Sài Gòn,… Có khi vẽ hai con ngựa ô (chàm xanh), hoặc một con đen một con trắng, một con đen một con đốm, cũng có khi chỉ vẽ một con, nhưng dù bao nhiêu “mã” thì cũng luôn kèm theo một hoặc vài gốc hay tán liễu, tạo thành tích “Mã – Liễu”. Ngoài phần “họa” (tranh), nhiều khi đồ án này trên đồ gốm còn có thêm phần “thi” (thơ) hoặc “tự” (chữ), khiến món đồ càng thêm hấp dẫn, tinh tế. Ví dụ một chiếc dĩa gốm Tàu thuộc về sưu tập tư nhân của ông Quốc Thành (An Khê, Gia Lai) dưới đây mà chúng tôi có cơ hội được thưởng thức.
Miêu tả
Đường kính miệng: 16.5cm.
Chiều cao: 2cm.
Đường kính trôn: 7.5cm.
Niên đại: ước chừng cuối thế kỷ 19.
Thuộc dòng: gốm Tàu, trắng xanh, thấu quang.
Tình trạng: Vành mỏng được viền đồng đã lâu năm, bị một vết tóc dọc thấu cốt dài khoảng 3cm, còn lại lành lặn, trôn dày vừa phải có những đốm nâu tự nhiên. Men xanh nhạt màu trứng diệc căng mịn, màu chàm xanh lam hơi đậm nhưng tươi sắc, nét vẽ tinh nhuyễn và sống động. Triện “Ngoạn Ngọc 玩玉” lớn, thư pháp phóng khoáng, điêu luyện. Cầm đằm chắc tay.
Hình vẽ
Toàn bộ bức tranh được xếp đặt theo hình tròn, nằm gọn trong lòng dĩa, chàm màu xanh 2 sắc (đậm và nhạt) phối hợp, phần dưới vẽ con đường có vài khóm cỏ, phần trống phía trên mé phải có 2 câu thơ chữ Hán và mé trái có ngọn liễu 3 chòm rũ xuống, phần trung tâm vẽ hai con tuấn mã đang chạy nước kiệu (chạy chậm, thong thả, khác với nước đại là phi nhanh), con đốm được vẽ giữa tranh chạy trước quay đầu lại, con đen chạy kề sát sau con đốm, đầu hướng về phía trước, hoàn toàn tự do không bị dây nhợ trói buộc như một số đồ án mã liễu khác. Bút pháp tranh vẽ vừa cứng cáp vừa mềm mại, sinh động, nhìn thích mắt, dễ chịu.
- Xem thêm: Bát – Tích Phong kiều
Minh văn
Minh văn trên chiếc dĩa này ngoài triện đề 2 chữ dưới trôn đã nói ở trên, còn có 2 câu thơ chữ Hán, thể thất ngôn tộng cộng 14 chữ như sau:
Liễu lâm song nhật mã
Hữu lộ thấu Trường An
柳林双馹馬
有路透長安
Nghĩa đen: Đôi ngựa trong rừng liễu, lên đường đến kinh thành.
Nét chữ vừa chân phương giản dị vừa phóng khoáng bay bổng, là kiểu chữ kinh điển thường gặp trên đồ gốm. Đối với tích này, ở những nghệ nhân và lò sản xuất khác nhau, người ta cũng viết khác nhau một vài chữ, ví dụ cùng hai câu thơ trên, nhưng có chỗ người ta không viết chữ “nhật 馹” mà thay bằng chữ “kỳ 騏” hay “ký 驥”, về căn bản ý nghĩa y như nhau. Cũng có khi nói về tích này, phần minh văn người ta chỉ viết vài chữ như “xuân phong dương liễu 春風楊柳”, hoặc chỉ có hình vẽ mà không có chữ nào kèm theo.
Ý nghĩa
Tích mã liễu này có thể gom lại trong 4 chữ mà chúng ta thường nghe từ những lời chúc tốt đẹp và thường thấy trên tranh treo tường: Mã Đáo Thành Công 馬到成功. Ở đây, chữ “mã” nghĩa đen chỉ ngựa, nghĩa bóng tượng trưng cho con người, sức khỏe, hành động, công việc, chí khí; “liễu” nghĩa đen chỉ cây liễu, nghĩa bóng do đồng âm với chữ “liễu 了” nên chỉ kết quả, đích đến; “lộ” nghĩa đen chỉ con đường, nghĩa bóng chỉ hành trình, cuộc đời; “trường an” nghĩa đen chỉ kinh đô, nghĩa bóng chỉ đích đến tốt đẹp nhất. Như thế, “mã liễu” là đồ án cầu mong (đối với người chơi) hoặc chúc tụng (đối với người tặng) chủ nhân sẽ có sức khỏe bền bĩ dẻo dai như ngựa trên con đường công danh sự nghiệp, mọi việc đều hanh thông và đạt kết quả tốt đẹp nhất.
Tích mã liễu khá phổ biến trên đồ gốm, nhưng để tìm được một món đồ chuẩn về niên đại, đầy đủ thi – họa, một mã đen một mã đốm, nét vẽ nét chữ đẹp như chiếc dĩa trên, thì cũng không dễ.
Có điều cần nói thêm, rằng chuyện “mã liễu” ở đây không chỉ dành cho người trai trẻ, mà hình ảnh những chú ngựa hoạt bát mạnh mẽ cũng khiến cho tinh thần của người người lão niên thêm phấn chấn tinh thần mỗi khi nhìn ngắm chúng, nhất là những người từng một thời ngang dọc. Đến đây lại khiến ta nhớ đến mấy câu thơ tuyệt tác của Tào Tháo năm xưa cũng mượn hình ảnh của ngựa để nói về chí khí của kẻ anh hùng khi tuổi về chiều: “Lão ký phục lịch, Chí tại thiên lý” (Ngựa già tuy nằm chuồng, nhưng chí vẫn ở trên đường nghìn dặm).