Biến thể là một kiệt tác bất tử vượt thời gian của Ovide, từng tạo niềm cảm hứng sáng tạo cho các nghệ sĩ tạo hình, các nhà văn, từ Titan, Shakespeare… cho đến Salman Rushdie.
Tác phẩm vượt thời đại này được đánh giá cao bởi vẻ đẹp rực rỡ của tài hoa cũng như sự dí dỏm có tính phê phán gay gắt nhưng cận nhân tình. Đây là nỗ lực đầu tiên tiếp nối tất cả những huyền thoại Hy Lạp, trước và sau Homère, trong tổng thể cố kết, với những huyền thoại La Mã được truyền tụng ở thời Ovide.
Biến thể gồm 15 thiên, tổng cộng dài hơn 12.000 dòng thơ nhưng vẫn là một tác phẩm có hình thức nhất quán như sử thi. Ovide diễn tả những nghịch lý lạ lùng nhất trong tâm hồn con người khi họ rơi vào những tình huống bi đát: khi yêu bóng mình, yêu người đồng giới, yêu người đồng huyết thống, hoặc tình yêu và cái chết diễn ra trong cùng một thời điểm cho thấy những chân dung đa dạng vô cùng khi con người cố vượt lên vận mệnh, xoay mình giữa hai bản năng trọng yếu: Chết và Yêu (Thanatos và Eros).
Có thể nói, bản dịch Biến thể – Những huyền thoại Hy – La chọn lọc và kể lại đầy đủ của Quế Sơn mang đến cho chúng ta cảm giác sau hơn hai nghìn năm, ta vẫn còn cảm thấy cái tươi tắn mới mẻ lạ thường của nó như thể nó viết cho ngày hôm nay vậy. Giúp người đọc lần đầu đến với Ovide một niềm vui mới, hiểu biết mới và tình yêu mới, giúp chúng ta có cơ duyên quen biết với một thiên tài tuyệt vời xa cách hơn hai thiên niên kỷ bất ngờ có thể đi giữa chúng ta, ấm áp thân tình với nụ cười bất tuyệt.
Được biết Dịch giả Quế Sơn từng lấy bằng M.Phil về Sử học – Đại học Cambridge (Anh). Ông đã từng dịch rất nhiều tác phẩm văn học kinh điển đáng chú ý. Với Biến thể lần này, ông đã phải kỳ công dịch thuật, gọt giũa câu chữ trong vòng hơn một năm trời để gửi tới bạn đọc Việt Nam.
Publius Ovidius Naso ra đời vào năm 43 trước Tây lịch trong một gia đình La Mã thượng lưu. Lớn lên trong một thời đại bình yên dưới triều Augustus, Ovid yêu đời sống lộng lẫy của kinh thành, quyết định trở thành nhà thơ của tình yêu và chẳng mấy chốc lừng danh với tác phẩm Ars Amatoria (Nghệ thuật yêu đương).
Năm thứ 8 đầu Tây lịch, hoàng đế Augustus ra lệnh lưu đày Ovid đến tận Biển Đen, cách ly ông với đời sống tráng lệ của kinh thành. Nhà thơ chết trong đau buồn đày ải vào năm 17 hay 18, chưa một lần được đặt chân trở lại La Mã.
- Xem thêm: Tái chế văn chương
Trước khi rời La Mã, ông đã hoàn thành bản thảo của kiệt tác Metamorphoses (Biến thể) và trong tâm trạng bất an, ông tự tay đốt bản thảo nhưng may mắn là nhiều phiên bản chép lại đã lưu hành trong vòng bạn bè và người hâm mộ…