Tại Thành phố Hồ Chí Minh, cứ 100 người thì có 18,2 “người” mắc bệnh tâm thần, nặng hoặc nhẹ. Bác sĩ Lâm Xuân Điền, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần thành phố cho biết như thế theo kết quả điều tra dịch tễ học trong buổi nói chuyện về Autism – Tự tỏa hoặc Tự bế – một loại bệnh tâm thần ở trẻ em được nhắc đến khá nhiều những ngày gần đây.
Còn Viện Tâm thần Trung ương thì cho một con số tổng quát hơn, từ 15-20% người mắc bệnh tâm thần ở nước ta hiện nay. Điều đáng ngại là con số này ngày một gia tăng. Như vậy, thử nhìn vào cơ quan, công ty hay xí nghiệp… mình, cứ mười người thì có… hai người bệnh tâm thần. Nhiều quá chớ phải không?
Tuy nhiên, đừng có mà gườm gườm tìm kiếm cho ra hai người đó làm chi, bởi khi làm như vậy thì chỉ còn có một người thôi, người kia chính là ta đó! Thậm chí, ngay trong chính bản thân ta hình như cũng đã có khoảng 18,2% là “điên” rồi! Điên thường trực hoặc lâu lâu điên một cái! Không điên chỗ này cũng điên chỗ kia. Không “điên cái đầu” thì cũng điên cái bụng, điên cái rún!
- Xem thêm: Sinh tố Y
Trả lời câu hỏi tại sao đời sống ngày càng tiện nghi, ngày càng sung sướng hơn mà con người ta cứ ngày càng “điên” thêm lên như vậy, bác sĩ Lâm Xuân Điền nói đó là giá phải trả cho cái sự “sướng lên” đó.
Anh cho một thí dụ: từ ngày có thị trường chứng khoán, số người bị tâm thần cũng gia tăng. Người thua lỗ, thất bại, bị bệnh đã đành mà người thành công, trúng lớn cũng bị. Lý do, một người đầu tư 100 đồng, bán được 120, chưa kịp mừng thì ba ngày sau đã tăng lên 140. Tức quá, tiếc quá, đâm tâm thần luôn! Rồi người thì suýt trúng xe hơi mà không trúng, người thì tưởng trúng nhà lầu mà bị gạt…
Tóm lại, bệnh tâm thần ngày càng nhiều hình như không do ảnh hưởng bởi sự sướng hay khổ, nghèo hay giàu mà chỉ do… tức quá, tiếc quá, giận quá, buồn quá mà ra. Cái gì quá cũng không tốt. Thần kinh con người mà cứ căng thẳng mãi thì đến một lúc nào đó cũng đành… “bứt dây thiều”!
Thỉnh thoảng ta nghe tin nhà quản lý tập đoàn này, tổng giám đốc ngân hàng kia nhảy lầu, nổ súng. Không phải vì họ nghèo khổ! Những sức ép do chính họ tự đề ra như những quả bom nổ chậm: sản phẩm này phải hàng đầu thế giới, sản phẩm nọ phải dẫn đầu hành tinh v.v… Ngay cả trẻ con cũng bị lôi vào cơn lốc xoáy.
Một phụ huynh có con sắp vào lớp một than thở không biết tìm đâu cho ra một chỗ dạy lớp một bình thường như ngày xưa chị đã học. Lớp một bây giờ nhằm đào tạo những… thiên tài. Hết rồi cái thời bắt dế, thả diều, bắn bi, đánh chõng, đánh đũa. Trẻ sơ sinh cũng không yên! Người ta chọn ngày lành, giờ tốt mổ đẻ để hy vọng con mình sau này được ăn trên ngồi trốc. Kết quả chỉ thấy một số không ít trẻ sơ sinh bị suy hô hấp nặng, thiếu dưỡng khí não, chết tế bào não, không tử vong thì cũng mắc một thứ bệnh tâm thần về sau.
- Xem thêm: Quả đất tròn…
Trở lại chuyện Autism, một loại bệnh tâm thần ở trẻ con được gọi là Tự bế hay Tự tỏa (có nghĩa là tự đóng kín mình lại, không có khả năng giao tiếp với môi trường xã hội chung quanh). Trẻ có những dấu hiệu tâm thần rất sớm từ tuổi ấu thơ bởi những xáo trộn nặng về những tương tác xã hội, giao tiếp và hành vi. Ghi nhận đầu tiên là sự giảm sút cảm xúc.
Trẻ không có khả năng bắt chước người khác và không hiểu được những thông điệp của môi trường, đặc biệt là những thông điệp mang tính xã hội. Không phản ứng khi được bế bồng, vỗ về, thương yêu của người lớn. Luôn thụ động, tách biệt hay co cứng. Thậm chí không cười, không nhìn người chung quanh khi họ nhìn, họ cười đùa với trẻ.
Trẻ không biểu lộ cảm xúc, có thể phản ứng rất mạnh với những tiếng động khác nhưng không đáp ứng khi được gọi tên dù biết tên mình. Lớn hơn, trẻ tránh né người lớn và những trẻ em khác. Từ đó, dẫn đến giảm sút khả năng học tập, hiểu biết; có những cảm xúc, hành vi bất thường, nhất là về ngôn ngữ, biểu tượng.
Trẻ thậm chí lẫn lộn những đại từ danh xưng, chẳng hạn thay vì nói “Tôi” thì nói là “Anh”. Không hiểu những câu nói đùa, những trò chơi. Hoạt động do đó bị đóng khung, co hẹp, cứng ngắc, lặp đi lặp lại. Sự rối loạn hành vi có thể gây tổn thương cho trẻ do giảm chú ý, dễ tức giận, hung hãn. Trẻ ngày càng khó khăn trong học tập và tình trạng chậm phát triển tâm thần ngày càng rõ rệt.
Đến tuổi dậy thì, một số trường hợp tiến triển khả quan hơn. Bệnh gặp ở trẻ gái nhiều hơn trẻ trai gấp 4 lần. Yếu tố thần kinh sinh học không rõ ràng vì bệnh giống như chậm phát triển tâm thần nói chung hay tâm thần phân liệt trẻ em. Nhiều giả thuyết về nguyên nhân được đưa ra nhưng đến nay vẫn chưa được xác định. Điều quan trọng, trẻ cần được thăm khám bởi các bác sĩ chuyên môn để chữa trị, can thiệp giáo dục sớm và đặc biệt, có kết quả tích cực.
Những dấu hiệu của Autism ở trẻ em được mô tả trên khiến ta giật mình. Đâu có khác gì với căn bệnh ở người lớn đang được báo động khắp nơi: bệnh vô cảm! Nghe nói người ta đang chế tạo gấp rút những người máy ngày càng có nhiều cảm xúc, có lẽ để rồi đây thay thế cho con người đã ngày càng trở nên vô cảm chăng?
Hẹn thư sau. Thân mến.