Ông lão chèo thuyền loay hoay mãi mới đưa đò cặp được bến. Không phải vì ông chèo vụng mà là vì Bến Miễu Ông Tà đã bỏ hoang mấy mươi năm rồi, trước đây người ta khai thác cát ở đây quá mức nên bến bị khuyết lở như cái vịnh, mùa này dòng Tứk Thla nước nổi chảy xiết cuộn vào eo rồi xoáy ngược trở ra nên thuyền bè rất khó vào được chính là vậy. Tôi quăng dây móc vào gốc cây trâm, kéo mạnh cho mũi thuyền cập sát mé sông rồi mới bước lên bờ.
Bến sông này đã khác xưa nhiều quá. Những lùm tre gai đã bị phá chẳng còn gì, những cụm rừng da beo cũng bị phá sạch, trơ trọi chỉ còn cây da cổ thụ lù xù che trùm lên ngôi miếu nhỏ thâm u. Tôi vén mấy nùi dây bìm bìm men theo con đường mòn nhỏ tiến về nơi ngôi miếu. Cửa miếu vẫn mở rộng, bên trong miếu vẫn y như ngày trước, không gì ngoài cái bàn thờ làm bằng một gốc cây rừng, phía trên là tượng Phật Thích Ca Mâu Ni bằng đất sét trong tư thế bắt ấn xúc địa ngồi thiền định. Khói đèn dầu khen khét hòa lẫn với mùi nhang đang cháy lan tỏa trong cái không gian nhỏ hẹp tạo ra một phong vị hết sức lạ lùng. Tôi bái Phật xong thì trở ra ngoài và đi vòng ra sau miếu.
– Kna xin chào Kru! Kru vẫn khỏe chứ!
Vị sư già đang ngồi luộc rau, nghe tiếng tôi chào từ xa sư vội quay nhìn nhưng chưa biết là ai. Vì ngôi miếu này hầu như cô lập với thế gian, mấy mươi năm trước và bây giờ cũng vậy hiếm có ai tìm đến. Tôi tiến tới gần.
– Kna đây Kru ơi!
Sư U Chân dù đôi mắt đã mờ đi rất nhiều theo năm tháng, nhưng tai sư vẫn còn nghe rõ tiếng và liền nhận ra tôi ngay. Gương mặt vị sư già phúc hậu bỗng sáng lên như ánh trăng rằm. Mừng rỡ, nắm tay tôi, sư rưng rưng từ tốn hỏi.
– Con đi đâu mà biền biệt suốt mấy chục năm trời vậy con?
Trong lòng bàn tay sư ấm áp, tôi như nghẹn ngào nuốt từng âm thanh bi trầm của một con người đi về từ thống khổ xa xăm.
– Dạ, Kna học xong thì đi nhận việc ở Sài Gòn, ba má cũng vì vậy chuyển luôn nhà về xóm Đồng Ông Cộ, cất lại nhà trên nền nhà cũ ngày trước bỏ đi. Thế là ở đó cho tới nay, không có việc gì nên Kna cũng không về lại Tân Thạnh nữa làm gì Kru ơi…!
- Xem thêm: Con tàu không sân ga
Sư U Chân đưa tôi tới ngồi bên cái bàn bằng phiến đá tổ ong. Sư rót chén nước trà nấu từ lá dây chùm bao. Sư nói uống loại trà này dễ ngủ an thần. Tôi bỗng nhớ tới một cố nhân và qua chuyện trò, tôi theo sư U Chân bước ra khu vườn chuối. Chỉ có mấy mươi năm mà tôi nhìn không muốn ra cố nhân nữa. Người đàn ông cao lớn thuở nào nay trở thành một vị sư mình quấn y màu vàng nghệ, mặt mày bặm trợn sẹo ngang sẹo dọc, mái tóc trắng nhiều hơn đen xõa xuống lù xù nhìn rất dễ sợ. Cạnh cố nhân là năm bảy cây chuối to đã bị đánh dập nát ngã quỵ xuống y như các đối thủ bị hạ gục sau những ngón đòn trí mạng.
– Thôi được rồi con! Nghe tiếng sư U Chân, cố nhân như dịu lại trong cơn điên dại. Hai bàn tay đang nắm chặt thả lỏng ra từ từ, đôi mặt lắng dần những tia lửa hận thù… rồi lặng lẽ bước theo sư U Chân ra khỏi vườn chuối, đến ngồi bất thần bên cái bàn đá cùng tôi. Cố nhân uống ừng ực liền ba chén nước chùm bao…
Người đàn ông da ngăm đen vạm vỡ, đầu tóc và chân mày đều cạo nhẵn bóng, dưới quấn kà ma trên khoác chiếc áo vải nâu bạc màu cũ kỹ bước vào cái quán hủ tiếu xập xệ dưới tàng cây me dù ven đường trong một cái xóm nhỏ nghèo xơ nghèo xác. Ở đây không có món gì khác ngoài hủ tiếu và trà đá, nên thấy ông khách lạ đến ngồi, bà chủ quán già cũng không cần đến hỏi ông khách ăn gì, bà vô lấy vắt hủ tiếu trụng nước sôi bỏ vào tô, xắt vài ba lát thịt heo, rắc mớ hành ngò, chan nước lèo, rồi bưng ra cho khách cùng với ly trà đá. Bên kia là bàn nhậu của mấy tay mặt mày bặm trợn, mình để trần lộ ra nhiều hình xăm quái đản. Họ vừa nhậu vừa cười nói xen thêm vào là những âm thanh gầm gừ như những con thú hoang. Vị đại ca trong nhóm tóc dài bù xù, thân hình cao to như hộ pháp mỗi lần nốc xong một ly rượu là hắn vỗ tay lên vai lưng tên đàn em ngồi cạnh bôm bốp và chửi thề thật giòn giã. Ông khách vẫn điềm tĩnh, vừa ăn vừa hớp vài ngụm nước và hầu như không để ý gì tới những chuyện xung quanh. Một tên đàn em để ý ông khách từ nãy giờ, rượu ngấm, máu cô hồn nổi lên, hắn nháy mắt với đại xong, liền bước tới trước mặt ông khách tay chống nạnh, một chân gác lên bàn.
– Ê! Mày thầy chùa xứ nào mà dám ăn hủ tiếu thịt mậy? Uống với tao chén rượu mày!
Vừa nói xong hắn nhận luôn chén rượu đang cầm trên tay vào miệng ông khách. Nhanh như ánh chớp, ông khách kéo ngang bàn tay che kín miệng và tên đàn em này cũng văng ngửa chỏng vó ra phía sau vài ba thước. Thấy tên đàn em bay xuống đất như một bao thịt sống, tên đại ca chụp ngay con dao răng cưa chặt nước đá của bà chủ cùng mấy tên đàn em còn lại lao vào ông khách. Tên đại ca nhắm vào đầu ông khách bổ xuống một nhát dao như trời giáng. Một âm thanh chát chúa phập xuống, răng con dao cắm sâu xuống cạnh bàn tưởng như ông khách bị xẻ làm đôi mảnh. Nhưng lạ thay không có ai bị thương, chỉ thấy một tờ tiền dằn dưới đáy ly trà đá vừa bị bật ngả nước đổ lênh láng trên mặt bàn và chảy ròng xuống đất. Ông khách đã đi xa ngoài con đường đất đỏ hơn hai chục thước. Bọn chúng vẫn không chịu buông tha mà rượt theo ông khách để ăn thua đủ. Nhưng vừa lúc ấy ba tôi và bác Năm cũng vừa đi tới. Không biết bác Năm nói gì đó với tên đại ca mà bọn chúng lập tức trở vô quán nhậu tiếp.
Chiều hôm ấy, ông khách ở trọ lại nhà tôi. Cơm nước xong thì ba tôi, bác Năm và ông khách ngồi uống trà trước sân nhà dưới ánh trăng mười sáu sáng vằng vặc. Ông khách cho biết ông từ Chùa Bâng Chrum tới, ông đã thụ giới sadi. Chùa bị mất tượng Phật cổ, đó là pho tượng Đức Thích Ca bằng đá trong tư thế ngồi, tay bắt ấn xúc địa có từ thời văn hóa Óc Eo. Đó không chỉ là bảo vật của chùa mà còn là bảo vật của cả phum. Không hiểu sao từ sau Sen Donta thì bị mất. Sư Cả cho người đạp đồng thì Nặc Tà chùa cho biết là đã bị trộm lấy đi, trộm đi theo đường của dòng Tứk Thla và bị chìm ghe tại khu Bến Miễu Ông Tà. Sư Cả họp cả phum lại để chọn người đi tìm tượng Phật. Và cuối cùng thì mọi người đồng nhất chọn ra U Chân người được đáng tin cậy nhất đi tìm lại tượng Phật, đem về cho phum, dù khó khăn cách mấy cũng phải làm tròn nhiệm vụ cao cả này. Sư U Chân đã lặn lội tới đây…
Cha tôi, bác Năm và sư U Chân cùng đi làm cát. Thuở ấy, lấy cát dưới sông lên phải lặn xuống đáy và múc lên từng gàu, đổ đầy khoang ghe mới đem bán. Lão Quang đại ca của đám giang hồ trước dưới Sài Gòn là tay chuyên bán đồ cổ, nay lên đây làm nghề thầu cát. Lão gom cát của các nhóm riêng lẻ khai thác lại và bán cho các chủ xe reo đến lấy. Thuở ấy, nghề thầu cát rất sung, lão Quang trở nên giàu có, ăn chơi nhất xóm, trong tay lão có mấy chục đàn em sẵn sàng xả thân vì lão. Dù là tay anh chị, nhưng lão không dám đụng tới ba tôi và bác Năm. Dù bác Năm là tay giang hồ lão luyện đã quy ẩn, nhưng tiếng tăm của bác Năm từ thời giang hồ Rừng Sác Cần Giờ vẫn làm cho lão Quang kiêng nể. Thấy sư U Chân đi làm với ba tôi và bác Năm, lão Quang không ưa gì nhưng cũng không dám kiếm chuyện gì nữa.
Mấy năm sau, một buổi chiều, sư U Chân nói với ba tôi và bác Năm là sư nghỉ làm cát, trong đêm sư sẽ trở về chùa, sư cần một số tiền công để sư làm lộ phí trên đường về. Và sư nói nhỏ cho ba tôi biết là sư đã tìm được cái sư cần tìm rồi. Ba tôi vội qua nhà lão Quang lấy tiền bán cát và lấy luôn cho sư U Chân. Trả tiền xong, lão Quang còn dặn ba tôi nhắn dùm với sư U Chân là tối nay ghé qua nhà lão tí, chỗ làm ăn với nhau lâu nay, vợ lão có chuẩn bị một ít đồ dùng cho sư U Chân trên đường trở về.
Trăng mười sáu sáng soi qua từng kẽ lá ngoài sân. Trong nhà ngọn đèn măng sông rực rỡ, sư U Chân ngồi nép bên góc chiếc bàn đá sang trọng. Vợ lão Quang dọn ra nhiều món thức ăn và thân mật gắp cho sư U Chân từng món, nói sư ăn đi để còn kịp về. Sư U Chân vừa mở miệng hỏi “Boong Quang đâu rồi chị?”, thì từ đâu có tiếng chân của năm bảy người chạy đùng đùng từ ngoài đổ vào. Ngọn đèn măng xông vụt tắt, những tiếng rựa chan chát lạnh người bổ liên tiếp vào chỗ sư U Chân đang ngồi. Ngoài sân trăng đang sáng tự nhiên gió vù vù, mây kéo đen kịt…
- Xem thêm: Sông linh
Một nhà sư cao lớn đứng chạng chân giữa sân, hai tay giơ lên trời, miệng vừa đọc những thần chú vừa gầm lên như tiếng cọp rống giữa rừng, pho tượng trong túi vải đeo sau lưng sư phát ra ánh hào quang kỳ lạ trong đêm tối đen như mực. Tiếng chân người chạy, tiếng quăng dao rựa tán loạn. Một tiếng thét xé màn đêm và một luồng gió kinh hồn phát ra từ nắm tay nhà sư, luồng gió ấy tạt trúng vào cây cau trước ngõ tạo ra một âm thanh hết sức kinh hồn, cây cau quằn quại kêu răng rắc ngã gập xuống. Tàng cau chà xuống mặt sân khuấy lên lớp bụi mịt mù, khét cả mũi. Tiếng sư U Chân như uất nghẹn.
– Năm, ông để Khnhum xử tội thằng Quang!
Bác Năm không biết đứng sau lưng sư U Chân từ lúc nào, miệng đọc những câu kinh bằng tiếng gì không ai hiểu và bàn tay phải vuốt liên hồi trên vai sư U Chân. Sư U Chân và bác Năm, hai cái bóng người dìu nhau mất dạng trong màn đêm. Trăng từ từ chui ra khỏi mây và sáng tựa ban ngày.
Cái xóm nhỏ bình yên mấy ngày liên tiếp xôn xao về vụ đám đàn em phản bội chém đại ca lãnh đạo. Người ta bàn tán khắp đầu làng ngõ xóm là đại ca chơi xấu ăn mảnh. Đại ca đã bày trận cho các đàn em trấn thủ các ngõ ngách, đích thân đại ca ra tay. Nhưng khi lấy được cổ vật rồi thì đại ca giấu định ăn một mình. Một tên đàn em bị ức chế nên rủ các tay chân khác “làm thịt” luôn đại ca. Nhưng không hiểu sao, sau vụ ẩu chiến này đám giang hồ tan rã và trốn mất dạng, chỉ còn một đại ca nằm thoi thóp dở sống dở chết ở căn chòi cặp bờ sông. Vợ cũng bỏ mặc, bán nhà ôm hết tiền của dẫn con đi biệt xứ và không một ai biết họ đi đâu.
***
Người đi thì cũng đã đi, người về thì cũng đã về. Sư U Chân rót cho tôi thêm ly trà chùm bao. Sư hỏi thăm sức khỏe ba tôi và bác Năm. Sư nhìn đâu đó trong ánh mắt xa xôi thâm trầm của người đã ngoài cái tuổi bảy mươi. Sư nói sư và sư Quang sống nơi cái miếu này mấy chục năm nay, cây thuốc của rừng này hầu như quen mặt sư cả. Sư đã cố gắng hết sức để cứu chữa cho sư Quang, nhưng mỗi khi trái gió trở trời thì sư Quang vẫn thường rên đau nhức bởi những vết thương cũ hành hạ. Điều làm cho sư U Chân khó khăn nhất là những cơn thần kinh cứ viếng thăm Sư Quang thường xuyên. Đã mấy lần sư Quang lên cơn, đốt trụi ngôi miếu… nhưng nguyện vọng cuối cùng duy nhất của sư U Chân là mong sao ánh sáng từ bi của đức Phật sẽ xoa dịu và xóa đi những bóng đen đè nặng trong tâm khảm của sư Quang.