Người ta nói rằng bà Hà bị nguyền rủa bởi người vợ cả của ông Nghị.
Bà Hà là người bên kia sông. Trước khi trở thành vợ chính thức của ông Nghị, bà có thời gian sống với ông như vợ bé. Ông Nghị là chủ sở hữu chiếc thuyền máy hút cát trên sông. Cái thuyền to, nổ xoành xoạch suốt ngày. Nhờ vào việc hút cát đem bán, nhà ông Nghị giàu có nhất làng.
Ngày ông Nghị còn độc thân, không ít người mơ trở thành vợ ông. Cuối cùng, ông Nghị kết hôn với bà Sâm, người phụ nữ đẹp nhất huyện. Người làng tôi không ngừng xuýt xoa, trầm trồ, ngưỡng mộ. Mãi về sau này, người ta vẫn kể về đám cưới to nhất thời ấy của ông Nghị.
Sống chung với nhau cả năm năm mà bà Sâm vẫn chưa một lần mang thai. Người làng đồn bà Sâm vô sinh. Ông Nghị bắt đầu đi lăng nhăng. Bà Sâm im lặng, không tỏ vẻ gì là ghen tuông hay tức tối. Bà cứ lẳng lặng ra vào như cái bóng trong nhà, bưng mắt bịt tai trước những lời xì xào của thiên hạ. Đêm, bà Sâm châm đèn, ngồi đọc sách bên cửa sổ có rèm che màu trắng.
Bóng bà hắt lên bức rèm, khẽ đung đưa, động đậy như người thật trước cơn gió thoảng qua bên ngoài. Thỉnh thoảng, bà Sâm mang hoa quả, hương nhang lên đền cúng. Người ta bảo bà cúng cầu tự. Đôi khi, người làng cũng thấy bà Sâm lẳng lặng từ đền đi xuống bờ sông với cái rổ con đựng đầy vàng mã bên trong. Bà đốt chúng dưới gốc sung cụt ngọn, vừa đốt vừa lẩm bẩm khấn vái. Trời tối dần, không gian nhụ nhọa, nhập nhoạng giữa tối và sáng.
Người làng tôi rất kị ra sông vào giờ ấy. Họ nói đó là thời điểm ma quỷ lợi dụng bóng tối mà chiếm lấy thân xác người sống. Có nhiều người không hiểu tại sao lại thấy mình ở giữa bụi tre gai, xung quanh toàn gai góc mà quần áo, cơ thể không bị lấy một vết trầy xước. Có người kinh hoảng vì nửa đêm giật mình tỉnh giấc giữa bãi tha ma, trên nấm mồ thấp lè tè, không biết của ai bởi đã lâu lắm rồi chẳng người nhang khói.
Cũng có người qua đò về muộn cứ quẩn quanh giữa những bờ ruộng, nhìn thấy đèn sáng từ những căn nhà ở đầu làng, biết rõ phải đi đường nào mà mãi không thể vượt qua, loanh quanh một lúc lại thấy mình đứng trước bến đò. Chẳng có mấy người đủ gan dạ để đến bờ sông vào lúc tranh sáng tranh tối ấy, ngoài trừ bà Sâm. Hành động quái lạ và bộ đồ đen của bà khiến người làng phát sợ.
Ông Nghị có vợ bé, điều ấy cả làng ai cũng biết. Bà Hà không xinh đẹp, duyên dáng nhưng được cái tướng mông to hông rộng, mà ông Nghị thì khao khát có một đứa con. Chẳng mấy khi ông Nghị về nhà. Tại sao bà Sâm không nổi cơn tanh bành, người làng thi nhau đoán mò. Có người cho đó là vì bà Sâm biết thân biết phận, có người bảo vì bà là con nhà có giáo dục, cũng có người phỏng đoán bà đang âm mưu cái gì đó lớn lao, ghê gớm hơn.
Bà Hà mang thai. Ông Nghị đưa bà Hà về nhà chính. Bà Sâm không phản đối, lẳng lặng sống như cái bóng, đêm đêm chong đèn đọc sách bên khung cửa có rèm che và nhụ nhọa tối nào cũng mang vàng mã ra gốc sung cụt ngọn bên bờ sông đốt. Bà Hà làm toáng lên, kết tội bà Sâm làm phép trù ếm bà vì từ ngày bà được đón về nhà ông Nghị, chẳng có đêm nào bà ngủ được yên giấc, lại luôn gặp những chuyện xui xẻo, đáng sợ.
Bà Sâm thoáng cái cười nhếch qua trên mép, liếc bà Hà bằng đôi mắt khinh bỉ. Thái độ đó khiến bà Hà phát điên. Xô xát giữa hai người xảy ra. Ông Nghị bênh vợ bé, tát bà Sâm một cái nảy lửa. Bà Sâm bưng mặt, hướng về phía ông Nghị cái nhìn u uất, chất chứa căm hờn. Ông Nghị quay mặt đi, đỡ bà Hà về phòng. Đêm ấy, người làng thấy cái bóng đung đưa trên cánh cửa sổ có rèm che. Cái bóng bị treo lên bởi một sợi dây. Bà Sâm chết, trên mặt vẫn còn lằn những vết ngón tay của ông Nghị.
Bà Hà kinh hoàng, nét hãi hùng hiện rõ trên khuôn mặt. Ông Nghị đổ gục xuống như cây chuối tươi bị đốn ngang thân. Cái chết của bà Sâm là điều mà không ai nghĩ tới. Chết vì tự tử lại càng không. Nhìn thái độ dửng dưng, lạnh nhạt của bà, những tưởng bà chẳng thèm bận tâm đến việc ông Nghị ăn nằm với ai hay đưa người đàn bà nào về nhà.
Sau đám tang của bà Sâm không lâu, bà Hà sẩy thai. Bảy tháng, cái thai đã rõ hình hài. Bà Hà phát điên, phát cuồng, gào khóc thê lương, não ruột. Lần mang thai thứ hai, bà Hà lại sẩy thai. Người ta chắc rằng bà đã bị ám, bị nguyền rủa.
Thầy cúng trong vùng nói bà Hà phải về nhà lấy quần của bà Sâm quá cố treo lên trên cửa buồng, ra vào kính cẩn chui qua, còn phải lập bát hương để thờ, cầu khẩn bà Sâm tha thứ, cho phép được mang thai. Bà Hà không tin, chửi đinh tai làng nước suốt ba ngày. Sau lần thứ ba mất đi đứa con trong bụng, bà lẳng lặng làm theo tất cả những gì thầy cúng chỉ.
Sau cái chết của bà Sâm, ông Nghị giống như người không tồn tại. Ông gần như không bước ra khỏi cổng, cứ quanh quẩn trong sân, trong vườn, trồng cây này, cắt tỉa cây kia, mặc kệ mọi sự cho bà Hà lo liệu. Khác với bà Sâm, bà Hà luôn nhìn người làng bằng con mắt khinh bạc và nghi ngờ. Cứ có thứ gì đó trong nhà bị mất hoặc chỉ đơn giản là bị lấp láp ở đâu đó, bà đều cho rằng có người ăn cắp và ra đầu ngõ chửi.
Bà Hà chửi hay như hát, có vần có điệu hẳn hoi và không bao giờ dừng lại ở vài câu. Lúc đầu, các cụ trong làng cũng lên tiếng nhắc nhở nhưng bà Hà chẳng vị nể gì ai. Bà cứ chửi. Bà mất của thì bà có quyền chửi. Người không mất của sao hiểu được nỗi đau của bà. Bà phải chửi để cho cái đứa trộm cắp ăn không ngon, ngủ không yên, bực tức đến sưng cổ nổ họng mà chết. Bà phải rủa cho nó đi xe ngã xe, cưỡi ngựa ngã ngựa, có ở trong nhà cũng bị xà ngang rơi xuống đầu toi đời.
- Xem thêm: Điều bất ngờ
Bà phải nguyền cho nó mửa ra mật xanh mật vàng chứ dễ gì nuốt trôi của giả của bà. Người ta ngán bà Hà, sợ bà Hà, tránh bà Hà như tránh tà. Đúng là cái loại mèo mả gà đồng, tranh chồng cướp vợ người khác, ăn cắp còn la làng, bẩn thỉu, ghê tởm mà cứ làm như cao quý lắm. Bà Hà nghe thấy, chắc chắn phải nghe thấy, vì người ta không nói to nhưng chỉnh đủ âm lượng để nó có thể lọt vào tai bà. Bà lại chửi. Như thể, chửi là cách để bà giao tiếp với đời.
Sau hai năm cúng bái, cầu khẩn và đi qua đi lại cửa buồng với cái quần đen của bà Sâm treo ngay trên đầu, bà Hà mang thai. Chín tháng mười ngày, cô Giang ra đời. Người làng dần quên đi chuyện nguyền rủa của bà Sâm. Ông Nghị cũng thôi giấu mình trong nhà, thỉnh thoảng tụ họp bạn bè đánh tổ tôm, hút thuốc lào.
Bà Hà rất giỏi trong việc xoay trở công việc và kiếm tiền. Dù ông Nghị gần như chẳng giúp bà chuyện gì, bà vẫn làm rất tốt. Tuy nhiên, quan hệ của bà với hàng xóm láng giềng thì vẫn chẳng khá hơn trước. Vẫn là thái độ trịch thượng, kẻ cả, luôn ném ra cái nhìn kinh bạc của kẻ lắm tiền. Người ta bảo bao nhiêu lợi lộc ở trong làng đều rót cả vào nhà ông Nghị.
Chiếc thuyền máy hút cát vẫn ngày ngày chạy đi chạy lại trên dòng sông, lướt qua chỗ gốc sung cụt ngọn. Chiều, gió hun hút lùa qua gốc sung trơ trọi, lẳng lặng lôi màn đêm về, làm đầy thêm những câu chuyện ma quái. Hình như từ khi bà Sâm qua đời, chẳng còn ai dám bén mảng đến chỗ gốc sung cụt ngọn.
Những ngọn cỏ dại theo mùa lên lá, đâm hoa, rồi lại tàn lụi, lẳng lặng chờ cái rét cắt da đi qua, đón giọt mưa xuân mới để nảy mầm. Không có hơi người, cái hoang vắng lại càng thêm rợn ngợp. Người ta sợ gốc sung cụt ngọn, cái gốc sung cứ trụi lốc như xác người cụt đầu trơ trọi giữa đêm.
Mười tám tuổi, cô Giang lấy chồng. Hai mươi tuổi, cô sinh bé An đầu lòng. Bà Hà lành hẳn đi, giao đến phân nửa công việc cho chồng cô Giang quản lý để dành thì giờ chơi đùa với cháu. Ba tuổi, An vẫn chưa biết nói, đôi mắt mở to, trong veo và cái nhìn lúc nào cũng rạng rỡ như đang cười. Một đứa bé đẹp xinh như thiên thần nhưng cũng giống như thiên thần, An không thể gọi tên bất cứ ai. Cô Giang khóc. Giọt nước mắt âm thầm, lặng lẽ thấm ướt đêm. Chẳng có gì đau đớn hơn đối với bà Hà bằng tiếng rấm rức của cô Giang. Người làng thì thầm bảo nhau, “Rõ khổ, đời cha ăn mặn…”.
Không lâu sau đó, cô Giang sinh cu Kiên. Cu Kiên có vẻ yếu người, khóc gắt suốt đêm ngày. Có thứ gì đó khiến cho nó sợ thì phải. Đôi mắt nó lúc nào cũng như hoảng loạn, sợ sệt và nhìn vào đâu đó khác thay vì hướng về nơi có tiếng người. Bác sĩ bảo, cu Kiên bị điếc bẩm sinh, không chữa được. Cô Giang suy sụp hoàn toàn. Nếu nói cô chưa từng nghĩ đến việc đổ lỗi cho bà Hà thì đó là nói dối. Dù vậy, cô cũng chưa một lần mở lời oán trách bà Hà. Thà là cô cứ oán trách, như thế, đối với bà Hà, có lẽ sẽ dễ chịu hơn.
Ông Nghị lại nhốt mình trong phòng riêng, trầm ngâm suy nghĩ và chẳng bao giờ chịu nói ra với ai. Bà Hà hiểu, dù giữ được con người ấy cho riêng mình suốt đời, bà cũng chẳng bao giờ có thể chạm được tới nơi sâu thẳm nhất trong tim ông. Bà suy nghĩ nhiều. Sau khi hai đứa cháu một câm, một điếc ra đời, bà lại càng suy nghĩ nhiều. Thỉnh thoảng, người ta thấy bà đi về phía dòng sông, nơi có cây sung cụt ngọn không biết đã đứng đó từ bao giờ.
Từ khi có thể nhớ được, bà Hà đã ở bên kia bờ mà nhìn về phía gốc sung cụt ngọn bên này sông, đầu óc không thôi ám ảnh bởi chuyện ma ám người. Mấy đứa trẻ trong làng túm tụm, xì xào to nhỏ về chuyện bà Hà cứ tần ngần trên bãi cỏ, mắt đăm đắm nhìn xuống dòng nước lấp lánh bạc cho đến tận khi màn đêm nặng nề buông xuống, nhuộm đen gốc sung già, chỉ còn lại tiếng sóng ì oạp vỗ vào cái hốc tối mù trong bụi tre ven bờ.
Bà Hà đứng làm gì ở chỗ gốc sung cụt ngọn? Không ai biết. Nhiều người tò mò rình xem nhưng chẳng thấy bà làm gì, chỉ lặng lẽ đứng ở đó như bị chôn chân dưới đất. Người ta đoán già đoán non nhưng chung quy đều cho rằng, bà Hà đứng đó để hối lỗi, cầu xin bà Sâm, người đã chết trong oan ức, tha thứ cho lỗi lầm xưa và, nếu có không muốn tha thứ, thì hãy cứ đổ hết lên đầu bà. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là phỏng đoán của những kẻ thích buôn chuyện, ưa thêm mắm dặm muối. Nào ai biết bà Hà nghĩ gì trong những lúc sẩm trời lặng lẽ bên bờ sông?
- Xem thêm: Điều tốt lành nho nhỏ
Những người có học thức trong làng bảo làm gì có chuyện ma ám hay nguyền rủa, chắc là bên dòng giống nhà chồng cô Giang có vấn đề gì đó. Điều này thì không thể xác minh vì chồng cô Giang là con mồ côi, chẳng rõ gốc gác, cha mẹ là ai. Bà Hà quý tính thật thà, cần mẫn và mến tài điều công khiển việc của chàng thanh niên trẻ nên chẳng nề hà chuyện môn đăng hộ đối. Mà cũng có thể, bà đồng ý gả cô con gái duy nhất của bà chỉ đơn giản vì, đó là người cô Giang yêu.
Tôi cùng tuổi với An, đi học cùng lớp. An không biết nói nhưng cũng không khó để giao tiếp. An nói bằng ánh mắt, bằng nét mặt, bằng những cử chỉ tay chân, bằng cách nghiêng người, bằng tất cả những gì mà An có thể dùng để thể hiện suy nghĩ của bản thân cho người khác biết.
Không ai ghét An hay kỳ thị vì An bị câm. Vừa xinh đẹp, vừa học giỏi, An trở thành tâm điểm ở bất cứ nơi nào. Chúng tôi cố gắng đọc những cử chỉ của An để biết bạn muốn nói gì và vui vẻ chơi chung. Ngay cả Kiên cũng vậy, dù không thể nghe được âm thanh nhưng rất giỏi đọc khẩu hình. Chỉ cần để ý một chút, chúng tôi có thể giao tiếp dễ dàng với cả hai.
Cô Giang không còn khóc. Cô luôn ngời ngợi nét mặt tự hào. Ngày còn nhỏ, không ít lần tôi bị bố mẹ đánh đòn vì tội ham chơi, lười học. Mỗi lần như thế, bố mẹ đều lôi con cái cô Giang ra làm gương. Và điều đó không phải chỉ ứng với một mình tôi.
Bà Hà rất ít khi về nhà dù từ nhà đến đền làng chỉ cách độ nửa cây số. Người làng gọi bà là “người trông đền”. Ngôi đền ngày nào bé tẹo, lọt thỏm dưới tán cây cổ thụ được bà Hà dốc hết tiền dành dụm tu bổ thành một ngôi đền khang trang. Không còn bất cứ nét khinh bạc, cau có nào trên khuôn mặt của bà Hà, cũng không có bất cứ lời lẽ thô bỉ, đanh đá nào thoát ra từ đôi môi ngày ngày tụng kinh niệm Phật.
Tại sao bà Hà trở thành người trông đền thay vì đóng một vai trò nào đó quan trọng hơn, như “trụ trì” chẳng hạn? Không ai đoán chắc được. Bà Hà chưa bao giờ nói gì về điều đó. Bà chỉ ngày ngày cần mẫn dọn dẹp, quét lá, tưới nước, chăm chút cho từng gốc cây, ngọn cỏ trong vườn đền, mỉm cười hiền từ mỗi khi có người đến viếng. Đó là cái cười của người đã quên hết mọi sự trên đời hay là cái cười của con người giả như đã quên hết mọi sự trên đời? Tôi thắc mắc nhưng không dám đoán hay nói với ai.
Dòng sông vẫn lặng lẽ chảy, đẩy con sóng lăn tăn qua khúc sông có gốc sung cụt ngọn đứng chơ vơ như kẻ cả đời cô độc giữa bãi cỏ xanh. Chiếc thuyền hút cát biến mất. Có thể vì vợ chồng cô Giang không muốn tiếp tục, mà cũng có thể vì cát dưới lòng sông đã cạn. Chỉ là, vắng tiếng nổ xoành xoạch của chiếc thuyền máy trên sông, dường như không gian cũng trở nên hoang lạnh hơn nhiều.