Đón chào ngày Quốc tế Phụ nữ 8 tháng 3, theo thông lệ thường có những triển lãm đặc biệt hướng đến nữ giới hoặc của các tác giả nữ tại các trung tâm mỹ thuật là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Khai mạc ngày 26-2 và bế mạc ngày 26-3-2016 tại gallery Art Vietnam (24 Lý Quốc Sư, Hà Nội) là triển lãm của Đinh Thị Thắm Poong, một tên tuổi của hội họa thủ đô. Với tên gọi “Điểm cuối của cái nhìn xiên”, triển lãm giới thiệu những sáng tác mới của nữ họa sĩ sinh ra ở Lai Châu trong một gia đình có bố là người Mường và mẹ là người Thái. Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Hà Nội năm 1993, Thắm Poong đã nhanh chóng tự khẳng định mình như một trong những nữ họa sĩ trẻ hàng đầu của Việt Nam. Cô đã có nhiều triển lãm trong nước và tại nhiều nơi trên thế giới; tác phẩm có trong sưu tập của các bảo tàng danh giá (Bảo tàng Mỹ thuật Singapore, Bảo tàng Mỹ thuật Asean ở Fukuoka – Nhật, Bảo tàng Rupertinum – Áo) cùng nhiều bộ sưu tập tư nhân ở Mỹ, Thụy Sĩ, Việt Nam… Thành công của Thắm Poong khởi đầu từ những tranh giấy dó thể hiện điểm giao nhau giữa cuộc sống thiên nhiên thời thơ ấu và cuộc sống đô thị sau này của họa sĩ, phản ánh những chuyến du hành của trí tưởng tượng pha trộn cuộc sống thường nhật. Còn những tác phẩm mới của Thắm Poong, theo gallery Art Vietnam là “một phát triển mới về hình khối, chất liệu và cách diễn đạt, nhưng một lần nữa cũng chính là điểm giao nhau của rất nhiều con đường mà cô đã đi qua trong vòng xoay của cuộc đời”. Loạt tác phẩm mới này của nữ họa sĩ là “một sự kết hợp của nhiều chất liệu, sơn dầu, các mảnh gốm được giữ bằng chỉ thêu, và cả mây tre tự nhiên. Đó là kết quả quá trình suy tư của họa sĩ về cách nhìn mới”.
Còn tại sảnh của Khách sạn Sofitel Plaza Hà Nội từ ngày 3-3 đến 3-4-2016 diễn ra triển lãm “Duyên xuân” của họa sĩ Ngô Đức Hoàng, với 20 tranh sơn dầu, acrylic thể hiện những nét đẹp của người phụ nữ Việt Nam đồng thời tôn vinh văn hóa dân gian thông qua các yếu tố nghệ thuật trong tranh dân gian Hàng Trống và Đông Hồ được Ngô Đức Hoàng đưa vào tranh theo cách riêng của mình. Đến với phòng tranh, như giới thiệu của đơn vị tổ chức là một cách “mở ngỏ các giác quan để đón nhận hương xuân, sắc xuân, âm thanh mùa xuân và tình xuân”, để “bắt gặp ánh mắt cười của một thiếu nữ mặc áo dài đạp xe trên phố”, để “chợt nhớ buổi sáng mùa xuân tươi mới trên vùng cao Sa Pa hôm nào” và “thấy mình lạc bước giữa hội Lim, đắm mình trong tiếng hát truyền cảm của những liền chị, liền anh quan họ”.
Trong khi đó, tại Hội Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh đang diễn ra triển lãm “Sắc xuân” của các họa sĩ thuộc chi hội Hội họa 1 với khá nhiều là nữ giới (như Đặng Thị Dương, Nguyễn Thùy Hương, Cao Thị Được, Nguyễn Thanh Mai, Nguyễn Anh Đào…). Đây là triển lãm mở đầu năm Bính Thân của giới mỹ thuật Sài Gòn nên phòng tranh vẫn mang hơi thở của mùa xuân. Bốn mươi bảy tác phẩm của 30 họa sĩ trong triển lãm mô tả những sinh hoạt đời thường, hoa cỏ và phong cảnh thiên nhiên cùng những chân dung tươi trẻ, đặc biệt là những tranh thiếu nữ của mùa vui 8 tháng 3.
- Y Chiêu